Xã Bình Yên, huyện
Thạch Thất có một nghề thủ công mang đậm tính nghệ thuật và hoài cổ mà
hiếm nơi nào có được. Đó là nghề chế tác ra những viên gạch, con giống,
cột đèn, giếng nước... độc đáo từ những phiến đá ong tuyệt mỹ mà thời
gian và tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất này.
Chế tác đá ong ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thiên Tú .
|
Độc đáo
Nghề làm đá ong ở xã Bình
Yên có từ mấy chục năm nay, khi những người dân nghèo đẽo đá ong làm
gạch xây nhà. Chả thế mà giờ đây, đến Bình Yên, người ta có cảm giác như
lạc vào một thế giới cổ kính rêu phong. Những ngôi nhà, cổng đình,
chùa, tường được xây bằng gạch đá ong xuất hiện khắp mọi ngõ ngách. Ông
Nguyễn Văn Mười, thôn Yên Mỹ là một trong số ít những người còn giữ
xưởng đẽo đá ong . Ông cho biết, để chế tác được một tác phẩm cũng cần
nhiều thời gian, công sức. Mỗi người thợ chỉ đẽo được trên 10 viên gạch
đá ong/ngày, giá bán 40.000 đồng/viên, tiền lãi 15.000 đồng. Mỗi tháng,
ông Mười thu được trên 10 triệu đồng từ nghề làm gạch đá ong.
Cơ sở
chế tác đá ong của anh Tăng Hữu Dũng, thôn Thái có quy mô lớn nhất xã
Bình Yên. Nằm ngay ven con đường liên xã, hàng trăm những tác phẩm đá
ong từ hổ, voi, gà đến giếng nước, lăng mộ, cột đèn, lục bình… to nhỏ đủ
loại được quy tập trong khuôn viên gây ấn tượng cho người qua đường.
Anh Dũng cho biết, giá con giống nhỏ từ 2 - 3 triệu, con to lên tới 50 -
60 triệu đồng, cây đèn 1,5 - 2,5 triệu đồng/chiếc… nhưng thị trường
tiêu thụ khá tốt vì tính thẩm mỹ cao và ít địa phương nào làm được. Cơ
sở của anh hiện tạo việc làm cho hơn 10 lao động, mức công thợ chính
khoảng 400.000 đồng/ngày, thợ thường 200.000 đồng/ngày.
Ưu
điểm của gạch đá ong là càng nắng mưa càng già, nghĩa là dưới tác động
của thiên nhiên càng chứng tỏ được sức chịu đựng dẻo dai, không bị hỏng,
chỉ bị phai màu . Dụng cụ chế tác đá ong khá đơn giản chỉ gồm chiếc dao,
đục và đế bàn quay, song để trở thành một tay thợ thạo nghề cũng mất
tới vài ba năm rèn rũa.
Một góc trong công trường của những người thợ khai thác và chế tác đá ong. Ảnh Internet.
|
Nguy cơ mai một làng nghề
Bình Yên là một xã thuần
nông, bán sơn địa, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, nghề
chế tác đá ong là hướng đi mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy
nhiên, hiện nay nghề độc đáo này đang đứng trước rất nhiều khó khăn.
Từ năm
2008 khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, xã
Bình Yên có tới 290ha diện tích nằm trong quy hoạch, trong đó 50% là đất
nông nghiệp. Hiện nay đã giải phóng mặt bằng được 100ha. Theo ông
Nguyễn Xuân Hương, cán bộ địa chính xã Bình Yên, do nằm trong dự án trên
nên việc khai thác đá ong bị cấm để không làm thay đổi kết cấu nền.
Bởi
vậy, hiện việc khai thác đá ong chỉ còn nhỏ lẻ trong vườn nhà của các hộ
dân. Anh Tăng Hữu Dũng cho biết, để có đá nguyên liệu phục vụ chế tác,
anh phải đấu thầu khai thác với giá trên 1 triệu đồng/m² với các hộ dân
nhưng cũng chỉ có khối đá nhỏ, còn những khối to chủ yếu do anh tích cóp
từ nhiều năm trước.
Đá ong
là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và là vật liệu xây dựng thân
thiện với môi trường. Không những thế, nghề này còn lưu giữ được những
nét văn hóa truyền thống, hoài cổ của văn hóa xứ Đoài. Hơn nữa với 1/3
diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, việc tìm được một nghề mới để kiếm
sống không phải chuyện đơn giản đối với người nông dân trên địa bàn xã
Bình Yên. Do đó, mong muốn của anh Dũng, ông Mười cũng như những người
tâm huyết với nghề là địa phương tạo điều kiện cho khai thác đá ong với
một tỷ lệ nhất định, đủ để các hộ dân duy trì nghề, nhất là làm con
giống độc đáo phục vụ các công trình nghệ thuật, tâm linh.
Cùng với quá trình đô thị
hóa, công nghiệp hóa, nghề thủ công này đang có nguy cơ mai một khi mà
việc khai thác đá ong ngày càng trở nên khó khăn.
|
BN (Nguồn: Báo Kinh tế đô thị)