KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(75)- Khó khăn đan xen cơ hội
(Ngày đăng: 10/01/2021   Lượt xem: 509)

Không chỉ đóng góp cho nền kinh tế, nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần xây dựng bản sắc văn hóa Huế độc đáo, không lẫn với bất cứ địa phương nào. Trải qua thăng trầm của lịch sử, sự xâm nhập của văn hóa tiêu dùng mới, nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế đã qua thời hoàng kim và đang bị mai một. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để bảo tồn cũng như phát triển làng nghề truyền thống như thời hoàng kim trước đây, tuy nhiên việc này không hề dễ dàng.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Ảnh: Bích Nguyên

Lịch sử hình thành và phát triển của xứ Huế kinh kỳ với sự hội tụ của nhiều nghệ nhân đã hình thành nhiều làng nghề, phố nghề với ngành nghề đa dạng, nổi tiếng như nghề mộc, kim hoàn, may áo dài... Chính sản phẩm thủ công truyền thống gắn với sự hình thành các làng nghề là một trong những nét văn hóa đặc sắc của Huế, góp phần sáng tạo nên những di sản văn hóa Huế cả về phương diện vật thể và phi vật thể.

Hiện, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, trong đó có 57 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống đều có bề dày lịch sử lâu đời với lớp nghệ nhân có tay nghề điêu luyện. Nổi tiếng là các làng nghề: Đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phú Cam, mây tre đan Bao La, cẩn khảm xà cừ Địa Linh, điêu khắc Mỹ Xuyên, kim hoàn Kế Môn, gốm Phước Tích... Các làng nghề truyền thống đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất cố đô Huế.

Từ năm 2013, đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận cho 2 nghề truyền thống, 10 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, ước tính giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2019 của 30 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận khoảng 380 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất cao nhất là nhóm các làng nghề điêu khắc gỗ, mộc An Bình, đúc đồng Huế, mè xửng Huế; chiếm hơn 30% giá trị sản xuất của 30 đơn vị, địa phương có nghề và làng nghề được công nhận. Thu nhập bình quân của người lao động của các cơ sở, hộ gia đình trong những đơn vị nghề, làng nghề khoảng 3,3 triệu đồng/lao động/tháng.

Có một thực tế là, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, một số làng nghề truyền thống từ lâu đời của tỉnh Thừa Thiên Huế không tránh khỏi tác động tiêu cực, đứng trước nguy cơ mai một. Từ năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, có kế hoạch khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, bao gồm nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề làm diều Huế, gốm Phước Tích, nghề rèn Hiền Lương, rèn Cầu Vực.

Đồng thời, khôi phục để phát triển một số làng nghề sản xuất cầm chừng, không ổn định như nghề chế biến tương măng Phong Mỹ, nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, nghề làm đệm bàng Phò Trạch, nghề nón lá, sơn mài, khảm trai, khảm xương, các nhóm nghề đan lưới, chổi đót... Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc tại 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.

Qua 5 năm thực hiện, chỉ có một số làng nghề hoạt động tốt như: Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân; mộc mỹ nghệ điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên, mộc An Bình; bún tươi Vần Cù; bún bánh Ô Sa; nón lá Đốc Sơ, Mỹ Lam, Truyền Nam, Thanh Tân, mây tre đan Bao La, Thủy Lập... Nhiều làng nghề hoạt động trung bình, nhiều làng nghề hoạt động khó khăn do hạn chế về thị trường, trong đó, có một số làng nghề có nguy cơ mai một như gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh giấy tranh dân gian làng Sình, làng dệt thổ cẩm A Lưới.

Nhìn nhận một cách toàn diện, việc phát triển làng nghề ở Huế đang có những khó khăn, thách thức và cả cơ hội, thuận lợi đan xen nhau. Nếu biết cách tận dụng tốt các cơ hội, Thừa Thiên Huế sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề.

Cách làm đã được chứng minh hiệu quả trong thực tế tại một số địa phương là phát triển du lịch làng nghề - Một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn và bảo tồn được nghề, làng nghề. Trong khi đó, lợi thế của Thừa Thiên Huế là có rất nhiều làng nghề. Sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch đến Thừa Thiên Huế. Địa phương này lại là trung tâm du lịch của quốc gia, là “thành phố Festival”, lượng du khách tăng lên mỗi năm. Năm 2015, tổng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế là hơn 3 triệu người, trong đó, có hơn 1 triệu khách quốc tế. Con số này năm 2019 là gần 5 triệu người (gần một nửa là khách quốc tế).

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh du lịch gắn với làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, tính bền vững chưa cao. Nguyên nhân là hầu hết các tour du lịch gắn với các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế vẫn chưa mang tính tập trung và chưa có kế hoạch lâu dài, thiếu sự gắn kết du lịch của một số làng nghề và sản phẩm của một số nghệ nhân. Người dân chưa quan tâm nhiều về tiếp thị, cách tiếp cận khách du lịch.

 
Nghề làm hương trầm tạo nên hương sắc riêng biệt ở xứ Huế. Ảnh: Bích Nguyên

Một hạn chế nữa là các sản phẩm phục vụ du lịch tại các làng nghề còn đơn điệu, chưa mang tính chất cạnh tranh và cũng chưa có nhiều mặt hàng lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa Huế. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư và trang thiết bị phục vụ du lịch tại các làng nghề còn hạn chế; điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông đến làng nghề còn thiếu đồng bộ. Trong khi đó, mặt bằng sản xuất dành cho các làng nghề còn hạn chế nên việc hình thành các điểm tham quan cho du khách rất khó khăn.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, một mặt các làng nghề phải tự đổi mới, phát triển thêm các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề. Khi các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả, dễ dàng hơn.

                                                            Theo:  bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.458.049
Tổng truy cập: