KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Một lợi thế Việt Nam cần khơi dậy và phát huy
(Ngày đăng: 28/11/2020   Lượt xem: 267)

Ngành nghề nông thôn (NNNT) hiện đang mang lại việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động với mức thu nhập ổn định và gấp 2 lần lao động thuần nông. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NNNT vẫn còn tiềm năng lớn, một lợi thế mà Việt Nam cần khơi dậy và phát huy trong thời gian tới. Cả Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân phải cùng vào cuộc thì phát triển NNNT mới đạt hiệu quả cao và bền vững. 


Làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng (Hà Nội) luôn thu hút đông du khách tới thăm quan, mua sắm. Ảnh: Bích Nguyên

Đảm bảo phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa

Việc phát triển NNNT, bảo tồn và phát triển những làng nghề truyền thống, những làng nghề góp phần quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế dịch vụ ở nông thôn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Xác định rõ vai trò quan trọng của NNNT, trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, ngày 12-4-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển NNNT. Sau 2 năm thực hiện Nghị định 52, NNNT đã có những chuyển biến tích cực. Cả nước có trên 817.000 cơ sở sản xuất kinh doanh NNNT, thu hút trên 2,3 triệu lao động, tăng 300.000 lao động so với năm 2017 (tăng 15%). Thu nhập bình quân của lao động đạt 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần so với lĩnh vực lao động thuần nông. Theo dự tính, NNNT có thể giải quyết việc làm cho 4 - 5 triệu lao động vào năm 2025.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hình thức tổ chức sản xuất NNNT đã có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất nên số lượng các doanh nghiệp, hợp tác, tổ hợp tác tăng mạnh. Tổng doanh thu từ các hoạt động NNNT đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017. Trong đó, các nhóm ngành nghề sản xuất đồ gốm sứ mây tre đan, thủy tinh, dệt may sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc có giá trị cao nhất. Tăng trưởng xuất khẩu của NNNT đạt bình quân khoảng 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của riêng hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017.

Điểm sáng là trong lúc dịch bệnh Covid-19 gây ngừng trệ xuất khẩu thì nhiều sản phẩm NNNT vẫn có kim ngạch xuất khẩu tăng như mây tre cói thảm, thêu, dệt thủ công tăng 11%... Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, thị trường xuất khẩu chính vẫn là các nước Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng

Từ năm 2018 đến nay, trên 540 tỷ đồng đã được huy động để hỗ trợ phát triển NNNT. Dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiệu quả kinh tế, năng suất lao động ở nông thôn hiện còn thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa cao. Môi trường nông thôn chưa sạch, đẹp dù cả nước đã có trên 60% số xã về đích nông thôn mới. Chuỗi giá trị sản phẩm nông thôn chưa cao và chưa ổn định...

Thực tế, dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng sự phát triển của khu vực NNNT, làng nghề còn khiêm tốn, chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng của khu vực này. Hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ (90%), tập trung ở khu vực dân cư có mặt bằng chật hẹp không có khả năng mở rộng. Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, một trong những hạn chế của khu vực NNNT là thiết bị sản xuất lạc hậu và sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đòi hỏi của thị trường ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì NNNT vẫn thiếu đội ngũ lao động có tay nghề giỏi, kỹ năng cao và không am hiểu về xu hướng thị trường.

Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam chỉ ra rằng, các làng nghề hiện còn thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, nhất là khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống. Không chỉ vậy, các làng nghề hiện còn đang đối mặt với những nguy cơ thiếu nguyên liệu do các vùng nguyên liệu hiện chưa được quy hoạch hoặc bị thu hẹp...

Phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa

Theo bà Vinh, NNNT nói chung và nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng là tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Để sản phẩm của các làng nghề phát triển tốt hơn, vươn ra được thị trường thế giới, bắt kịp với xu thế của thế giới, Nhà nước cần có nhiều cơ chế chính sách rõ hơn, kịp thời hơn. Trước hết, cần có quỹ đất để phát triển vì hiện nay, quy mô sản xuất của các làng nghề rất lớn. Bà Vinh đưa ra ví dụ, Bát Tràng là làng nghề gốm sứ sầm uất nhất của cả nước về nghề, nhưng với hơn 10ha được quy hoạch từ đầu năm 2000 đến nay đã chật chội và không có đủ điều kiện để phát triển. “Không có mặt bằng thì chúng ta không thể đầu tư khoa học công nghệ, không thể đưa thiết bị vào để thay thế con người ở những công đoạn máy móc có thể thay thế được nhằm nâng cao năng suất và làm cho sản phẩm được chuẩn chỉ hơn” - bà Vinh nói.

Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Bích Nguyên

Cũng theo bà Vinh, vấn đề cần phải tập trung giải quyết ngay là phải đào tạo lao động có tay nghề cao, có kiến thức về thị trường. “Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sản phẩm thời trang, vì thế, nó phải luôn luôn được làm mới trong điều kiện vẫn giữ được hồn cốt, tinh hoa của văn hóa dân tộc. Điều này đòi hỏi người lao động phải được đào tạo để có thể ứng dụng công nghệ mới, có kiến thức đa dạng để phát triển ý tưởng sáng tạo...” - bà Vinh chia sẻ.

Bàn về giải pháp phát triển NNNT, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ các cơ chế chính sách để làm sao phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa. Hiện nay, nhiều ngành nghề phát triển tốt như gốm, thêu, mây tre đan... nhưng còn vướng thị trường tiêu thụ, cho nên cần hỗ trợ theo chuỗi để vừa hỗ trợ được vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, công nghệ cải tiến máy móc, vừa xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sản phẩm NNNT ở những nơi có lợi thế để nơi đây có thể tập hợp nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.

                                      Theo: bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.457.817
Tổng truy cập: