KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Mai một nghề đan trác
(Ngày đăng: 09/11/2012   Lượt xem: 739)

Nghề đan trác (hay còn gọi là nghề đan giành) là một nghề có từ lâu đời của người dân huyện Anh Sơn, Nghệ An nhưng hiện giờ nghề này đang dần một mai một trước nền kinh tế thị trường.

Trước đây nghề này thu hút nhiều người dân ở hầu hết các thôn xóm trên địa bàn huyện Anh Sơn gắn bó với nghề, nghề này mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân những lúc nông nhàn, tuy nhiên ngày nay do nhiều nguyên nhân mà nghề này ngày càng có nguy cơ mai một, hiện nay chỉ còn một số ít người còn duy trì gắn bó với nghề, quy mô cũng ngày càng thu hẹp.

m1.jpg
Ông Hợi đang cần mẫn với nghề đan trác.

Nghề của một thời

Trước đây mỗi khi vào các thôn xóm trên địa bàn Huyện Anh Sơn, dạo qua một vòng không khó để bắt gặp hình ảnh từ trẻ em đến thanh niên, người già suốt ngày cặm cụi, cần mẫn gắn bó với nghề đan trác . Nhưng ngày nay hình ảnh đó ngày càng thưa thớt, cả xóm có khi chỉ còn một vài gia đình còn duy trì với nghề truyền thống này.

Với người dân Anh Sơn, cái trác là một vật dụng rất hữu ích, không thể thiếu với mỗi gia đình, trác được dùng làm độ đựng các loại nông sản trong gia đình, dùng để vận chuyển ngô, khoai, lạc, đỗ từ ruộng đồng về nhà khi vào mùa thu hoạch, trác được các bà, các mẹ gánh hàng ra chợ bán….còn đối với người đan trác thì xem đó là một nghề góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Từ cây nứa với bàn tay khéo léo, tỉ mỉ qua nhiều công đoạn người ta đã tạo ra được nhiều chiếc trác có chất lượng bền đẹp, giúp ích rất nhiều cho người nông dân . Tùy từng gia đình, cá nhân mà nghề này có thể xem là nghề chính hoặc nghề phụ. Đối với những gia đình có ít hoặc không có đất sản xuất, những người già, trẻ em, người tàn tật thì nghề này trở thành nghề chính.

Nghề đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ…

Theo ông Hợi thì, nghề đan trác hầu như ai cũng có thể làm được nhưng để đan được nhiều trác, sản phẩm có chất lượng bền đẹp, sử dụng được lâu, được nhiều người yêu thích tin dùng thì không hề đơn giản, đan trác ngoài việc đòi hỏi kinh nghiệm cần có tinh thần chịu khó, sự công phu tỉ mỉ.

Đan trác phải biết cách chọn loại nứa thưa đốt, không quá già hoặc quá non, bởi quá già khi đan sẽ bị gãy, quá non thì khi đan thành sản phẩm sẽ không bền chắc, hay bị mọt…

Nứa mang về chẻ nhỏ vót chuốt trơn tru, độ dài rộng tùy thuộc vào sản phẩm, mục đích của người đan. Sau đó đem phơi khoảng 1 nắng để khi đan hoàn thành sản phẩm không bị co rút, khó khăn nhất là khâu tát vành ( quấn vành) cho sản phẩm, người có kinh nghiệm thì khi đan xong sản phẩm mới bền đẹp, không bị cong vênh…sau khi đan thành sản phẩm thì phải hơ qua lửa để khi sử dụng sản phẩm không bị mối mọt, sử dụng được lâu .

m2.jpg
Anh Phú đang chẻ nứa đan trác.

Nghề ngày càng mai một

Ông Nguyễn Văn Hợi ở Xóm 5, Xã Hội Sơn – người đã có hơn chục năm gắn bó với nghề đan trác chia sẻ: “ tui làm nghề đan trác từ hồi còn bé, trước đây nghề đan trác là nguồn thu nhập chính giúp cho gia đình tôi có công ăn việc làm, mỗi ngày một người đan trác cũng cho thu nhập 50 – 60 ngàn đồng.

Cái trác là vật dụng hữu ích, sử dụng tiện lợi đối với bà con làm nghề nông nghiệp nên hầu như nhà nào cũng có vài cái trác để sử dụng, hồi trước số người gắn bó với nghề này rất nhiều, hầu như xóm nào cũng có hàng chục hộ gia đình đan trác nhưng ngày nay thì hiếm người còn gắn bó với nghề phần vì ngày nay cùng với sự phát triển nhanh cử nhiều loại vật dụng được làm từ nhựa, sắt trong khi nứa dùng làm nguyên liệu để đan trác ngày càng khan hiếm, người dân phải mua với giá cao, hơn nữa nhiều nghề khác lại cho thu nhập cao hơn, nghề đan trác lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo nên không con thu hút được người dân gắn bó với nghề…”.

Nghề đan trác là nghề truyền thống cha truyền con nối đối với người dân nơi đây. Tuy nhiên ngày nay nghề này mang lại thu nhập không cao, hiện chỉ còn những người già cả, những người tàn tật còn gắn bó với nghề.

Anh Nguyễn Văn Phú, ở Xã Hội Sơn cho biết: “ nghề này giờ ít người làm lắm, bởi nguyên liệu nứa phải mua, thỉnh thoảng tôi vào rừng chặt ( đốn ) được nứa mang về đan để sử dụng trong gia đình thôi, chứ còn đan được một cái trác phải tốn 2 cây nứa trong khi hiện nay mỗi cây nứa phải mua với giá 4 ngàn đồng, một ngày đan được 3 – 4cái, giá bán mỗi cái khoảng 12 ngàn đồng, như vậy thì không thể sống với nghề được…”.

Còn bà Hộ ở Xóm 3, Khai Sơn thì ngậm ngùi cho biết: “ nếu chỉ có đan trác thì không thể sống được. Nghề cha truyền con nối đấy! nhưng giờ có làm cũng chỉ lấy công làm lãi thôi. Tôi đã đan trác hơn 30 năm nay, trước đây nguyên liệu dễ kiếm mỗi ngày đan 5 cái trác cũng thu nhập được 40 ngàn đồng, nhưng giờ thì lâu lâu mới mua nứa đan để sử dụng hoặc ai đặt hàng thì đan thôi chứ đan trác thu nhập chắng tương xứng với công sức bỏ ra…”.

Được biết trước đây trác được các thương lái vào tận nhà mua rồi vận chuyển đi bán khắp nơi trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ còn ngày nay muốn mua trác với số lượng lớn rất khó, các thương lái phải vào tận nhà đặt hàng, thu gom ở nhiều nơi mới đủ số lượng để mang đi tiêu thụ.

Hầu như hiện nay rất ít người còn gắn bó với nghề, những người còn duy trì nghề này hiện chỉ tập trung ở những gia đình sống ở vùng rừng núi nơi có sẵn nguồn nguyên liệu...

Theo  Báo Giáo dục thời đại

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.911.572
Tổng truy cập: