Các làng nghề, nơi đang tạo việc làm cho khoảng hơn 11 triệu
lao động nước ta, đang khó khăn trong khi công việc tại các làng nghề, hoặc làm
gia công cho các chủ hàng tại làng nghề vốn được coi là “lưới đỡ” tốt cho lao
động thất nghiệp ở đô thị dịch chuyển ngược về nông thôn.
“Chúng tôi sắp hết việc”
Bà Nguyễn
Thị Lan bên kho hàng chất đống.
Ngồi
xếp lại những chiếc giỏ mây vào thùng cho gọn, bà Nguyễn Thị Lan thở dài: “đợt
này việc ít đi, chúng tôi chắc cũng sắp nghỉ!”
Công
việc hàng ngày của bà Lan là đến đây từ 8 giờ sáng, ngồi đếm và cắt những mối
đan bị thừa cói hoặc các mối nối của các giỏ, những chiếc vali bằng cói, sau đó
đóng vào thùng và xếp hàng vào kho . Theo bà Lan, hàng càng ngày càng nhiều lên
mà chưa có người đến mang đi nên những lao động như bà Lan lại nghỉ việc để chờ
khi nào được gọi mới đến làm tiếp. Cùng làm với bà Lan là chị Nguyễn Thị Diệu.
Chị Diệu kể, làm ở đây được trả lương theo ngày công là 70.000 đồng/ngày. Trước
đây việc nhiều thì chị làm 25 – 26 công mỗi tháng, nhưng đến nay chị chỉ còn
làm khoảng 20 công mỗi tháng.
Bà
Lan, chị Diệu cùng ba lao động khác đang làm việc cho gia đình bà Nguyễn Thị
Lưu tại thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Gia đình bà Lưu
là một “cai thầu” trong làng. Từ nhiều năm nay, bà Lưu nhận hợp đồng đặt hàng
từ các công ty chuyên xuất khẩu hàng mây tre đan sang thị trường Nga, sau đó,
bà Lưu về đặt những gia đình khác ở trong làng để làm gia công theo mẫu mã và
yêu cầu của công ty xuất khẩu hàng. Những lao động như bà Lan chỉ hoàn thiện
khâu cuối và đóng hàng vào thùng để chờ xuất đi . Vào thời điểm nhiều đơn hàng như
cách đây năm, bảy tháng, gia đình bà Lưu phải thuê tới hơn mười lao động đến để
làm các công việc như vậy. Tuy nhiên, hiện nay, bà Lưu chỉ còn thuê năm lao
động và giảm số ngày làm việc của từng người để giảm chi phí và chờ hàng “đi”.
Chi
phí tăng cao, giá bán không tăng, đơn hàng lại giảm một nửa khiến công việc của
bà Lưu gặp khó khăn từ nhiều tháng nay. Theo bà Lưu, giá cói đã tăng hơn gấp
đôi, công thợ cũng tăng, nhưng đơn hàng ký sẵn lại không tăng giá, khiến cho
lợi nhuận vốn đã ít ỏi của công việc này giảm hẳn. Đơn hàng cũng ít hẳn đi
khiến bà Lưu không dám dự trữ hàng như trước, mà chỉ làm theo hợp đồng đã ký.
Không
làm ăn theo kiểu mối lớn như gia đình bà Lưu, anh Nguyễn Văn Cảnh cũng đã có
mười năm chuyên đan giỏ mây, tre, cói để bán cho các chủ hàng hoa, quà lưu niệm
hoặc quà biếu. Hiện tại, gia đình anh Cảnh đang tồn khoảng 50.000 chiếc giỏ và
hy vọng nhu cầu quà biếu, tặng tăng đột biến vào dịp tết, sẽ giúp anh giải
quyết được đống hàng tồn kho này. “Năm nay chúng tôi không dám làm nhiều. Kinh
tế khó khăn, nhiều nhu cầu sẽ giảm mạnh, kể cả biếu quà”, anh Cảnh dự đoán.
Sắp đóng cửa, giải tán lao động
Làng
Vạn Điểm tại xã Đỗ Xá, huyện Thường Tín, Hà Nội vốn là một “trung tâm” sản xuất
đồ gỗ, cũng không còn sự nhộn nhịp vốn có. Năm ngoái, cả làng có hơn 700 cơ sở
sản xuất với khoảng 5.000 lao động nhưng năm nay số lượng cơ sở đã giảm hẳn.
“Nhiều cơ sở đã phải đóng cửa”, ông Nguyễn Văn Hà, phó chủ tịch UBND xã Đỗ Xá,
nói. Anh Nguyễn Văn Bạo là một chủ cơ sở sản xuất lớn trong làng . Năm ngoái, khi
khó khăn vẫn chưa đến mức như hiện nay, mỗi tháng doanh thu của gia đình anh
cũng được tới 500 – 600 triệu đồng. “Bây giờ chỉ còn 100 triệu đồng, mà không
biết có còn giữ được mức này trong tháng tới hay không”, anh Bạo than.
Phạm
Văn Hùng là một trong ba công nhân hiếm hoi trong số 20 công nhân được anh Bạo
giữ lại để tiếp tục công việc. Tuy vậy, thu nhập của Hùng cũng giảm, chỉ còn
một nửa. “Trước đây em kiếm được 4 – 4,5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng giờ chỉ
còn 2 triệu đồng thôi”, Hùng nói.
Nhiều
lao động của làng mất việc đã bươn bả đi tìm việc ở nơi khác nhưng nhiều người
phải trở về vì khó tìm được việc mới...
Theo SGTT