KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Làng nghề - “đòn bẩy” phát triển kinh tế nông thôn
(Ngày đăng: 01/07/2020   Lượt xem: 257)

Với những thế mạnh riêng có, nhiều làng nghề, làng có nghề ở Hà Nội ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Làm thế nào để giữ nghề và phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay là trọng tâm ưu tiên hàng đầu mà các làng nghề hướng đến. Đây cũng là nội dung quan trọng trong kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2020 mà Sở NN&PTNT Hà Nội đã trình UBND thành phố Hà Nội nhằm giúp các làng nghề phát triển, tạo “đòn bẩy” cho kinh tế nông thôn.

Sản phẩm sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) được người tiêu dùng ưa thích.

"Đòn bẩy" phát triển kinh tế

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 1.350 làng có nghề, nhưng ghi dấu ấn nhiều nhất có lẽ là làng nghề gốm sứ ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và nghề dệt lụa phường Vạn Phúc (quận Hà Đông). Với những lợi thế phát triển nghề gắn với dịch vụ và du lịch, đây là 2 điểm đến làng nghề được thành phố Hà Nội xác định đầu tư về lâu dài để trở thành điểm đến hoàn chỉnh. Trong đó, Sở Du lịch Hà Nội đã từng mời kênh truyền hình CNN của Mỹ về Bát Tràng quảng bá du lịch; đưa nhiều đoàn doanh nghiệp đến Bát Tràng khảo sát, liên kết, hỗ trợ các nghệ nhân và bà con sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, để phát triển được trong giai đoạn mới, hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất - kinh doanh gốm sứ đã không ngừng đổi mới công nghệ, chuyển từ đốt lò bằng than sang gas vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa khắc phục được ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, địa phương còn xây dựng đường giao thông, chợ làng nghề... Nhờ đó, mỗi năm, xã đón hơn 2 vạn khách tham quan, du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế tại địa phương... Ước tính giá trị sản xuất - thương mại từ gốm sứ ở xã đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm...

Làng nghề dệt lụa phường Vạn Phúc đến nay còn hơn 100 hộ giữ nghề dệt lụa, mỗi năm sản xuất 1,2-1,5 triệu mét lụa các loại. Để giữ nghề cho người dân, phường Vạn Phúc tích cực tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng tay nghề cho thợ dệt, nhuộm, sáng tạo mẫu hoa văn mới. Đồng thời, phường cũng sắp xếp các cửa hàng kinh doanh lụa tập trung ở khu phố Lụa, kết hợp với tạo cảnh quan đẹp để hấp dẫn khách du lịch.

Trong khi đó, các làng nghề như sơn mài, khảm trai; mây, tre, giang đan; chế biến lâm sản; dệt may, thêu ren, gốm sứ... cũng đã tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, Hà Nội còn nhiều làng nghề có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm như: Làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù; làng nghề chế biến thực phẩm Minh Khai; làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu (huyện Hoài Đức)... “Chưa có thống kê chi tiết nhưng ước tính, với các xã có nghề, thu nhập bình quân đạt tới 65-75 triệu đồng/người/năm, trong khi với các xã thuần nông, thu nhập bình quân chỉ đạt 45-50 triệu đồng/ người/năm” - ông Nguyễn Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết.

Thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững

Có vị trí quan trọng, nhưng hiện nay nhiều làng nghề gặp không ít khó khăn như: Thiếu mặt bằng sản xuất; thiếu lao động có tay nghề; đầu ra cho sản phẩm bấp bênh; ô nhiễm môi trường... Cùng với đó là những khó khăn trong việc trao truyền, lưu giữ nghề trong bối cảnh nhiều làng nghề đang bị mai một. Trước tình trạng này, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ các làng nghề xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; quảng bá, xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước... Bên cạnh đó, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho làng nghề.

Là đơn vị “đầu mối” tham mưu cho thành phố về quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn thành phố năm 2020 và một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, Hà Nội tiếp tục ban hành một số chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, tập huấn, xây dựng cơ sở hạ tầng và mặt bằng sản xuất.

Thành phố hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ đánh giá tác động môi trường cho 10 làng nghề đã được công nhận và xét công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”. Cùng với đó, Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn; đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho 2.400 lượt chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề…

Từ góc độ của địa phương có nhiều làng nghề và làng có nghề, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, UBND huyện trích kinh phí 2-2,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho công tác khuyến công, trong đó tập trung vào đào tạo nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm… cho các làng nghề. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng, Thường Tín đã hình thành 4 cụm công nghiệp làng nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề cần nỗ lực hơn nữa trong hoạt động. Đặc biệt, các hộ sản xuất cần chủ động tìm hướng đi mới để thích ứng với sự cạnh tranh hiện nay. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường là hết sức cần thiết giúp các làng nghề phát triển bền vững và tăng thu nhập cho người dân.

                                           Theo: hanoimoi.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.468.243
Tổng truy cập: