KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
“Bèo bọt” nghề làm nón bài thơ
(Ngày đăng: 20/10/2012   Lượt xem: 949)
Nón bài thơ, thường gọi là “nón Huế”, không những là vật che nắng mưa, bây giờ, nó đã trở thành món quà kỷ niệm đặc sắc, đối với du khách nước ngoài mỗi khi thăm Huế. Song thu nhập từ nghề này thật là “bèo bọt”.

langnghe-non

Nón Huế hấp dẫn du khách nhưng nghề làm nón khó sống

Nằm ở vùng trọng điểm lúa của Thừa Thiên Huế, xã Phú Mỹ ( huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) có những làng nghề chằm nón lâu đời. Chị Trần Thị Tâm ở thôn Phước Linh mời tôi vào nhà, chị ngồi trên chiếc chiếu trải lên nền nhà đang ủi lá, hai cô con gái miệt mài chằm nón. Chị kể, hằng ngày ba mẹ con làm được bốn chiếc, trừ chi phí, gia đình kiếm được 20 nghìn đồng.

Ở làng An Lưu nằm bên sông Như Ý, hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Linh cũng tương tự. Bốn mẹ con chỉ thu nhập được 30 nghìn đồng/ngày. Trong thời giá cả đắt đỏ này, phụ nữ theo nghề chằm nón cốt kiếm tiền đi chợ mua rau, chị Linh tâm sự.

Về làng nón “bài thơ” Tây Hồ, mọi người cho biết giờ họ chằm nón lá xanh (nón chợ), nón bài thơ chỉ làm khi có đặt hàng trước. Làm nón bài thơ mất nhiều thời gian mà giá hơn nón thường có 3 nghìn đồng, ngày chỉ làm được hai chiếc . Đến thăm chị Đinh Thị Hoa giỏi chằm nón “bài thơ”, chị vừa lên khuôn, vừa kể “làm nón bài thơ rất tốn công, lên khuôn 16 vòng tre chỉnh chu đã mệt, tiếp đến xây một lớp lá nón, một lớp bài thơ (các hình giấy được cắt sẵn), sau đó mới xây lớp lá nón bên ngoài màu xanh nõn. Rồi chằm kỹ càng từng chi tiết chứ không nhanh như nón thường”.

Dù biết làm nón thu nhập ít ỏi nhưng không bỏ nghề, vì nghề này được ngồi trong nhà, đỡ lam lũ hơn so với công việc đồng áng. Công việc đòi hỏi cần cù, tỉ mỉ nên biết chắt chiu đồng tiền làm ra . Nữ sinh ở làng nón một buổi đi học, một buổi chằm nón. Lên đại học, vẫn kiếm tiền mua sách vở bằng nghề nón. Nhờ vậy các em giữ được nếp sống chân chất, hiền hậu…

Thống kê từ sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế, còn khoảng 4.500 lao động chằm nón, rải rác ở TP Huế và các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy. Con số này đang giảm dần, nhiều người chỉ làm khi nông nhàn hoặc đến kỳ lễ hội.

Hầu hết các làng nghề đều chuyển sang chằm nón chợ, để có thể làm nhiều, làm nhanh. Hỏi chuyện bán nón, người dân cho biết sản phẩm được một số “đầu nậu” về tận nơi thu mua rồi lên tàu đi nam ra bắc.

Theo số điện thoại chúng tôi đã đến nhà bà Dẫn “nón” để tìm hiểu giá cả. Bà ra giá, mỗi chiếc nón thường 20 nghìn đồng, nón bài thơ 35 nghìn đồng. Mức chênh lệch gấp ba lần giá gốc. Như vậy lợi nhuận đầu nậu “ăn” hai phần, người chằm nón chỉ được một Giá nón hoàn toàn do đầu nậu quyết, đến mùa lễ hội thì hút hàng, nhưng hết mùa nón lại rớt giá thê thảm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nghề làm nón đang dần mai một.

Thiết nghĩ để những người làm nón sống được bằng nghề, chính quyền địa phương nên có những chính sách hỗ trợ sản xuất và thương mại cho sản phẩm du lịch đặc sắc này. Ngành du lịch cũng nên nghiên cứu tổ chức những tour đưa du khách thăm các làng nghề, tổ chức cho du khách tham gia làm nón… để giúp khách thập phương hiểu và yêu nét văn hóa đẹp của mảnh đất cố đô.

Theo báo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.519.200
Tổng truy cập: