KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Cần đổi mới từ chính tư duy
(Ngày đăng: 14/10/2012   Lượt xem: 700)

Can doi moi tu chinh tu duy

Góc trưng bày thời trang phụ nữ Việt Nam.

Tiếp cận cách làm của thế giới

Diện tích trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ rất nhỏ: chỉ khoảng 2.000m2 nằm trên con phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với hơn 25.000 hiện vật, tài liệu. Bảo tàng hiện chỉ có hơn 30 cán bộ, nhưng đã tạo ra được một không gian thiết kế hiện đại, trưng bày bắt mắt, nội dung phong phú phản ánh những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và cuộc sống đương đại.

Điều đặc biệt của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện nay, đó là sự sống động trong nội dung và tỉ mỉ, đạt quy chuẩn quốc tế về trưng bày. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng, trước đây, bảo tàng rất nghèo nàn, đơn điệu, chính những người làm bảo tàng đã tự đổi mới về tư duy của mình.

Thực ra dự án đổi mới Bảo tàng Phụ nữ đã có từ cách đây tám năm, nhưng lúc ấy, hướng đi vẫn còn mờ mịt, chính bản thân các cán bộ của Bảo tàng còn nghĩ rằng: Đề án thì đề án, chứ chắc chẳng thay đổi được gì.

Bảo tàng Phụ nữ sau thời gian đóng cửa để cải tổ, đã trở lại đột phá bằng triển lãm chuyên đề Gánh hàng rong. Tiếp đó là Chuyện những bà mẹ đơn thân ở Tiên Minh, Thờ mẫu, Nét vẽ tri ân...

Những người phụ nữ ở chợ đêm, bán hàng rong, những người mẹ cơ cực nuôi con một mình... đã rơi nước mắt khi cuộc sống của mình được đưa vào bảo tàng, còn người xem cảm thấy đến gần hơn với đời sống đương đại. Ở khu vực trưng bày thường xuyên, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận với những quan niệm trưng bày, phong cách trưng bày hiện đại của Pháp và châu Âu. Còn trong trưng bày chuyên đề, họ lại học theo phong cách trưng bày của hệ thống bảo tàng Bắc Mỹ.

Không gian Bảo tàng được thiết kế sáng tạo, với nhiều "tiểu không gian" hấp dẫn để du khách khám phá theo các chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử, Thời trang phụ nữ... Mỗi góc trưng bày đều có màn hình chiếu video, tai nghe riêng với ba thứ tiếng, giúp người xem tiếp nhận thông tin mà không cần tới hướng dẫn viên. Bảo tàng còn có các chương trình dành cho công chúng, hoạt động giáo dục, giao lưu văn hóa giữa công chúng với phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ thế giới.

Sau hai năm, đến nay, số lượt người đến thăm Bảo tàng đang tăng theo cấp số nhân. Tâm sự về hướng đi sắp tới, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng cho rằng: "Hiện nay, một công ty lữ hành quốc tế lớn đã chính thức đặt vấn đề đưa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trở thành một điểm đến trong tour của họ. Điều đó có nghĩa, số người đến Bảo tàng tới đây sẽ tăng hơn nữa. Chúng tôi rất vui, nhưng những thành tích này mới chỉ là bước khởi đầu, tất cả vẫn còn ở phía trước".

Con người là yếu tố quyết định

Cả nước hiện có tới hơn 120 bảo tàng từ tỉnh, ngành đến quốc gia, nhưng hầu hết đều rơi vào tình trạng ế ẩm bởi sự tẻ nhạt, đơn điệu, thiếu sáng tạo. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là vốn đầu tư, kinh phí, trang thiết bị kém, cách làm cũ, đơn thuần tuyên truyền, trưng bày tùy tiện.

Trước tình hình thưa vắng khách tham quan, nhiều bảo tàng đổ xô đi cải tổ, nhưng đơn thuần chỉ là thêm bớt một vài tài liệu hiện vật trưng bày, thay đổi chú thích, làm lại ánh sáng và sơn sửa đai vách, còn cách thức trưng bày thì vẫn như cũ. Bảo tàng đơn thuần chỉ trình bày về sự phát triển theo dòng lịch sử qua các thời kỳ một cách rất chung chung, giống như ở một khu di tích nào đó hoặc các bản báo cáo, mà hiện vật lại thiếu tính sống động. Theo phân tích của các chuyên gia, đó là một cái nhìn lệch, khép kín và bất động.

Hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam thường tách bạch hai phần việc sưu tầm và trưng bày. Điều đó có nghĩa: những người sưu tầm chỉ biết sưu tầm hiện vật, lấy thông tin về hiện vật, còn người làm trưng bày thì không đi sưu tầm nhưng lại đề ra ý tưởng chủ đề trưng bày, lên đề cương trưng bày, áp hiện vật vào đề cương rồi giao cho bộ phận thiết kế tổ chức trưng bày. Nhiều cán bộ bảo tàng chưa được đào tạo kỹ năng làm việc độc lập, làm theo nhóm, gắn kết cộng đồng ra sao.

Từ kinh nghiệm tổ chức hoạt động khá thành công của Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, GS, TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, có ba điều mà các bảo tàng khác đang thiếu. Quan trọng nhất, phải có những Giám đốc bảo tàng thật sự nhiệt tình, năng nổ, có tri thức, dám nghĩ dám làm. Họ sẽ là những đầu tàu kéo các toa khác đi theo. Nhiều bảo tàng hiện nay có nhiều người giỏi, nhưng họ không được tham gia đóng góp. Nếu không có những lãnh đạo tốt, sẽ khó có bảo tàng tốt. Điều thứ hai, đội ngũ cán bộ phải lành nghề, yêu nghề, say sưa không tính toán, còn việc đãi ngộ là câu chuyện sau này. Thứ ba, một bảo tàng muốn được cải tổ thì phải có nguồn kinh phí tốt, đủ để hoạt động. Điều này lại liên quan ngược trở lại là đòi hỏi phải có người giám đốc năng động, biết tìm ra nguồn đầu tư để triển khai, biết cách đặt vấn đề để người cung cấp kinh phí cảm thấy tin cậy, an tâm. Thời gian qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoạt động phần nhiều bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, còn Bảo tàng Phụ nữ chủ yếu dựa vào kinh phí trong nước. Đây là những mô hình hoạt động thành công về bước đầu mà các bảo tàng khác có thể học tập, rút kinh nghiệm.

                                                                                                                    Nguồn : Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.519.270
Tổng truy cập: