KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Phải liên tục “làm mới”, tạo ưu thế cho hàng thủ công
(Ngày đăng: 06/10/2012   Lượt xem: 760)

Khó khăn chung của tình hình kinh tế đã khiến cho nhiều sản phẩm làng nghề hiện nay bế tắc đầu ra, không tiêu thụ được. Tuy nhiên cũng có một nguyên nhân lâu nay vẫn tồn tại là do mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, không bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Theo nhiều chuyên gia, nghệ nhân, để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, các làng nghề cần phải tích cực cải tiến, sáng tạo mẫu mã sản phẩm, tự “làm mới” mình để phù hợp với nhu cầu của thị trường cơ hội giao thương với nước ngoài.

Phai-lien-tuc-lam-moi-tao-u.jpg

Tại nhiều làng nghề trên cả nước hiện nay, thậm chí tại một số làng nghề trước đây vốn sôi động “nhất nhì” cả nước như mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), đồ gồ Liên Hà (Đông Anh)... không khí sản xuất khá yên ắng, trầm lặng. Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, từ năm 2010 đến nay lượng sản phẩm làng nghề bị tồn đọng khoảng 50% và trong hai năm 2011 – 2012, hiệu suất kinh doanh của các làng nghề cũng giảm sút 30 – 40%. Nhiều làng nghề “tỷ phú” trước đây đến nay cũng trong tình trạng đìu hiu, máy móc “đắp chiếu” hợp đồng xuất khẩu mây tre đan.
Trong khuôn khổ Hội chợ Nông sản và Thủ công mỹ nghệ khu vực phía Bắc năm 2012 vừa diễn ra mới đây, Diễn đàn “Tư vấn thiết kế mẫu mã và tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam” đã được tổ chức nhằm tạo sự gắn kết giữa phát triển sản xuất với nhu cầu và thị hiếu của thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đông đảo các nghệ nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã tham gia giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó tìm kiếm giải pháp liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là do mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thiếu tính sáng tạo. “Đa số các sản phẩm làm theo mẫu mã từ hàng chục, hàng trăm năm nay dẫn tới nhàm chán, không thu hút được khách hàng. Đối với các sản phẩm xuất khẩu, đa phần chỉ dừng lại ở việc gia công theo mẫu có sẵn của đối tác gửi sang hoặc làm “nhái” mẫu nước ngoài. Điều này làm giảm tính sáng tạo, hấp dẫn của hàng thủ công mỹ nghệ Việt”, ông Hồ cho hay.
Mẫu mã chậm cải tiến trước sự phát triển đa dạng của thị trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm làng nghề của nước ta khó cạnh tranh ngay trên sân nhà, nổi bật như gốm và lụa Trung Quốc. Theo ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ, ngoài một số ít nhà thiết kế chuyên nghiệp tâm huyết với nghề truyền thống, chúng ta chưa có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm chuyên sâu cho từng nghề. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi do trình độ văn hóa có hạn, không được học qua các lớp chuyên môn nên có những hạn chế trong sáng tạo, thiết kế mẫu mã sản phẩm. “Khảo sát sản phẩm tại các làng nghề cho thấy rất nhiều sản phẩm sản xuất theo mẫu mã cổ truyền như sập gụ, tủ chè (nghề mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, khảm trai); đỉnh, hạc đồng (nghề đúc đồng); Tranh tứ linh, tứ quí (nghề khảm trai).... chỉ một số ít mẫu mã sản phẩm được cải tiến để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu các sản phẩm nghề truyền thống xuất khẩu chè sang nhật bản, một số doanh nghiệp làng nghề đã phải sản xuất theo đơn đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài”, ông Đạt cho biết thêm.
Đổi mới, sáng tạo thiết kế mẫu mã cho hàng thủ công mỹ nghệ là vấn đề cấp bách của làng nghề hiện nay. Theo ông Mai Văn Hưởng, Chủ tịch Hiệp hội thêu ren Hà Nội, để thiết kế được một mẫu mã thành công, cần sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng của họa sỹ với bàn tay của các nghệ nhân, thợ giỏi trên cơ sở nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng. Trong thời gian tới, các địa phương cần phát động rộng rãi các phong trào cải tiến, sáng tạo mẫu mã trong các làng nghề. Đồng thời, mở lớp đào tạo dạy nghề thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công tại làng nghề bởi khoảng trên 90% thợ thủ công của cả nước không được học qua sơ cấp mỹ thuật hay trường lớp đào tạo nghề chuyên nghiệp mà truyền nghề theo cách cha truyền con nối.
Trong quá trình cải tiến mẫu mã cho sản phẩm làng nghề, một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc theo phương châm “hiện đại hóa truyền thống, truyền thống hóa hiện đại”. Thạc sĩ Bùi Văn Vượng, Giám đốc Trung tâm Tạo mẫu hỗ trợ làng nghề Việt Nam chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế mẫu mã khá thuận lợi. Do đó, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi trong các làng nghề cần chung sức sáng tạo mẫu mã mang đậm văn hóa Việt và khẳng định ưu thế của hàng thủ công Việt trên thị trường.
Cùng với đó, để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm làng nghề, các cơ quan, ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các làng nghề. Thực hiện tốt kích cầu tiêu dùng hàng Việt để khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Ngoài ra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, nguyên liệu, hạ tầng phục vụ sản xuất... cho các làng nghề./.
Theo VEN
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.519.634
Tổng truy cập: