KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Người giữ lửa nghề trăm năm
(Ngày đăng: 22/07/2018   Lượt xem: 362)
Safinah (trái) giới thiệu các sản phẩm truyền thống của gia đình với khách nước ngoài. Ảnh: DẠ THẢO
Safinah (trái) giới thiệu các sản phẩm truyền thống của gia đình với khách nước ngoài. Ảnh: DẠ THẢO


Safinah làm nhiều người ngỡ ngàng khi quyết định từ bỏ công việc đang làm ổn định tại một công ty thương mại điện tử ở Malaysia để trở về quê nhà. Khó tin hơn nữa khi quyết định trở về của cô gái trẻ chỉ để thực hiện ước mơ tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình, vốn đang ngày càng mai một…

Ước vọng tuổi 18

Trước mặt tôi là cô gái vóc dáng nhỏ nhắn và trẻ trung so với cái tuổi 28 đang khoác bộ trang phục Chăm, nâng niu từng xấp thổ cẩm giới thiệu với du khách.

Tôi lân la dò hỏi câu chuyện bỏ việc ở xứ người để về quê nối nghiệp, không ngần ngại, cô trả lời chắc nịch: “Nếu chị hỏi cách đây 10 năm thì câu trả lời của em là không. Em không muốn cái nghề này!”.

10 năm trước, cô nữ sinh Safinah gói ghém hoài bão của tuổi 18, giã từ làng quê Châu Phong, xuôi dòng Cửu Long để lên đường sang Malaysia du học chuyên ngành tài chính. Đó là năm 2008. Môi trường học tập, làm việc ở xứ người cùng với kỷ niệm một thời khó khăn ở quê nghèo khiến cô gái trẻ không muốn quay lại sau khi tốt nghiệp.

“Vì em thấy ba mẹ em làm rất bấp bênh. Sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ. Thu nhập rất ít, cuộc sống gia đình càng khó khăn, nên em không muốn theo nghề này nữa” - Safinah thẳng thắn nhìn nhận. Không những thế, chính Safinah đã nhiều lần thuyết phục ba mẹ mình ngừng làm cái nghề khó nhọc này.

Và như để khẳng định, Safinah quyết tâm lên đường đi du học như là cách “giải thoát” cho tương lai của mình. “Em muốn được học cái nghề mình yêu thích, em cũng hy vọng như thế sẽ có thu nhập ổn định hơn” - Safinah bộc bạch.

Sau 4 năm du học, bằng sự tháo vát, nhanh nhẹn, cùng sự giúp đỡ của các anh chị, không bao lâu sau khi tốt nghiệp, Safinah tìm được cho mình một công việc ổn định trong một công ty thương mại điện tử tại Malaysia với thu nhập khá tốt. Mà đâu chỉ riêng Safinah, cả 3 anh chị em trong gia đình cô đều là du học sinh và đều đang làm việc ở nước ngoài.

afinah (trái) cùng mẹ bên khung mắc trăm năm của gia đình.
Safinah (trái) cùng mẹ bên khung mắc trăm năm của gia đình.

Châu Phong ngày ấy, bây giờ…

Làng nghề Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) là nơi từng có nghề dệt thổ cẩm Chăm phát triển mạnh mẽ nhất ở miền Tây Nam Bộ với hơn 200 khung dệt. Cả cha và mẹ của Safinah cũng đều là thợ dệt trong những gia đình Chăm có truyền thống nghề dệt từ mấy đời.

Sợi tơ mỏng manh ngày ấy chính là sợi chỉ hồng se duyên ông với bà. Gần như cả đời mình, từ thời con gái, ngày nào mẹ của Safinah, bà Zây Mah, cũng miệt mài bên khung dệt.

“Ba của cô kể lại, ông nội có nhiều con gái và ông thường nói: Con gái à, ba thích con gái không có ra đường, phải ở trong nhà làm việc.Bởi vậy ba kiếm cái nghề này cho các con ở trong nhà” - bà Zây Mah hồi tưởng: “Với cô, nghề này không chỉ phù hợp mà còn là nghề của ông bà truyền lại. Ông bà muốn vậy nên con cháu phải gắng mà giữ lấy”.

Nói về làng nghề nức tiếng một thời, các bậc cao niên ở Châu Phong cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống là tài sản vô giá của đồng bào Chăm ở An Giang, phát triển ổn định nhất là từ khoảng đầu thế kỷ XIX đến những năm 1960. Khi ấy, hầu như nhà nào cũng có khung dệt, tiếng lách cách vang lên suốt ngày khắp làng. Thậm chí con gái mà không biết dệt là không lấy được chồng.

Nhưng, đó là chuyện của ngày xưa. Còn hiện tại, dệt thủ công không cạnh tranh được với dệt công nghiệp. Nhờ máy móc hỗ trợ, sản phẩm dệt công nghiệp làm ra nhanh hơn, đẹp hơn và giá thành cũng rẻ hơn nhiều so với sản phẩm làm bằng tay.

Với một tấm xà rông may váy, người thợ dệt thủ công phải mất khoảng nửa tháng mới hoàn thành. Trong khi đó chiếc máy dệt chỉ cần chưa đến nửa ngày đã cho ra tấm vải mỹ miều cùng kích cỡ.

Về thu nhập, bình quân một ngày, người thợ dệt chỉ được từ 50.000 - 70.000 đồng, ít hơn nhiều so với thu nhập của một lao động phổ thông tại các nhà máy, xí nghiệp. Vất vả lại ít tiền, đó là lý do chính để những người trẻ ở các xóm Chăm An Giang bỏ nghề truyền thống mà đi làm ăn xa.

Gia đình bà Zây Mah vừa làm nghề vừa buôn bán nên nhìn rõ sự tác động mạnh từ nhu cầu thị trường đối với nghề truyền thống của gia đình. Có những lúc sản phẩm làm ra mà không có người mua, thua lỗ kéo dài hàng mấy năm trời!

Chính vì vậy, những biến chuyển trong suy nghĩ của con gái Safinah trước ngày lên đường du học cũng là những gì đã diễn ra trong lòng bà Zây Mah. Bởi hai từ “giữ nghề” nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự vô cùng khó khăn!

Chính bà thừa nhận đã nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề với lý do mà cô con gái đã chia sẻ. Thế nhưng, dòng máu của người thợ dệt chảy trong tim, cộng với lời dặn dò của cha ông ngày trước vẫn luôn canh cánh, đã giúp người phụ nữ Chăm bám nghề cho đến bây giờ.

Giữ lửa nghề trăm năm

Gia đình Safinah đang vận hành 6/8 khung dệt hiếm hoi còn lại ở Phũm Soài. Trong số này, có 1 khung mắc có tuổi đời trên trăm năm được xem là chỉ còn 1 chiếc ở Phũm Xoài mà gia đình cô đang giữ. Safinah là đời thứ tư giữ nhịp guồng quay của khung mắc này. Cô là con út và là người duy nhất tự nguyện trở về nối nghiệp trước sự ngỡ ngàng của gia đình.

Ý định trở về đến với Safinah cũng bất ngờ không kém. Sau thời gian học và có việc làm ổn định trong một công ty thương mại điện tử tại Malaysia, trong lần về thăm nhà, Safinah thấy nhiều khách nước ngoài đến nhà mình tham quan, mua hàng.

Với lợi thế ngoại ngữ và kinh nghiệm giao tiếp trong môi trường làm việc ở nước ngoài, Safinah trò chuyện, giao lưu với họ rồi chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ mất một cái gì đó. “Em cũng không biết tại sao nữa, nhưng mà em cảm thấy như có một động lực là em phải theo nghề này, cái nghề đã có từ đời ông bà em…” - Safinah trầm ngâm.

Thế là cô gái Chăm lại một lần nữa quyết định, vẫn dứt khoát và táo bạo như cái quyết định ra đi của 10 năm trước. Thế nhưng, với Safinah, đó là một quyết định không hề dễ dàng.

Xa nhà 10 năm, giờ quay lại nối nghề, gần như Safinah phải học lại nghề dệt từ đầu. Thế nhưng, tôi khá bất ngờ khi Safinah không bận tậm nhiều đến chuyện đó, cũng như không có chút ngần ngại trước thực tế khó khăn của dệt truyền thống.

Đối diện với tôi là một Safinah say sưa nói về tiềm năng phát triển của làng nghề mà bằng kinh nghiệm của một người làm thương mại điện tử cùng kiến thức của một chuyên viên tài chính mà cô nhìn thấy được.

Cơ hội mà Safinah nhìn thấy và muốn nắm bắt ngay để vực dậy làng nghề là chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giữ lấy nghề truyền thống. Trước đó, để giúp đồng bào Chăm duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, tỉnh An Giang đã thành lập Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong và hỗ trợ bà con làm du lịch cộng đồng. Các tour du lịch đưa khách đến làng Chăm, tìm hiểu đời sống, văn hóa và nghề truyền thống của bà con.

Từ đó nhiều người biết đến làng nghề và chọn mua sản phẩm làm quà tặng cho bạn bè, người thân… Trong những lần về thăm nhà, chứng kiến nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm An Giang có dấu hiệu khởi sắc từ khi các tour du lịch đến làng Chăm hoạt động mạnh, Safinah hiểu rằng cánh cửa đã mở để sản phẩm truyền thống của dân tộc mình bước ra khỏi làng quê nghèo khó.

Nhưng với Safinah chỉ như thế vẫn chưa đủ. Cô lại tiếp tục say sưa nói về Facebook, Twitter, Zalo… nói về những “chiến dịch” mà bằng kiến thức và kinh nghiệm làm thương mại điện tử sẵn có, cô đã và đang vạch ra để giới thiệu được sản phẩm dệt của đồng bào Chăm đến với bạn bè thế giới.

Safinah tin rằng, chỉ có ứng dụng thương mại điện tử, tận dụng sự kết nối và tính lan tỏa của mạng xã hội mới giúp hàng hóa của đồng bào mình được tiêu thụ tốt hơn, cũng có nghĩa là thu nhập của bà con làm nghề cũng cải thiện hơn.

“Sống được với nghề, bà con mới nỗ lực giữ nghề” - cô gái trẻ nhìn nhận một cách đầy thực tế và cũng xem đó là “kim chỉ nam” nếu muốn vực dậy làng nghề. Còn tôi tin rằng, với những gì mà Safinah đã và đang lựa chọn, cô xứng đáng là người kế tục để giữ được ngọn lửa nghề trăm năm đầy tự hào không chỉ của gia đình mình mà còn là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm, không chỉ ở An Giang.
                                                                                 Theo: laodong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.472.771
Tổng truy cập: