KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Cơ hội tăng xuất khẩu đồ gỗ vào Trung Quốc
(Ngày đăng: 17/06/2018   Lượt xem: 443)
 
 
 

 Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ gỗ khá lớn nhưng lâu nay chỉ chủ yếu nhập gỗ nguyên liệu và một phần sản phẩm gỗ mỹ nghệ từ Việt Nam. Hiện nhu cầu về đồ gỗ nội thất ở Trung Quốc đang tăng lên cả về số lượng lẫn sự đa dạng chủng loại, mẫu mã. Theo các chuyên gia trong ngành, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đưa sản phẩm gỗ vào nhiều phân khúc khác nhau của thị trường này.

Hiện nhu cầu về đồ gỗ nội thất ở thị trường Trung Quốc đang tăng lên cả về số lượng lẫn sự đa dạng chủng loại, mẫu mã. Ảnh: Minh Duy

Tín hiệu tích cực

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tiếp cận được phân khúc rất hẹp trong thị trường gỗ ở Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới này một mặt xuất khẩu gỗ rất mạnh nhưng mặt khác cũng có nhu cầu lớn về nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng như sản phẩm gỗ chế biến từ các nước khác. Tuy nhiên đối với Việt Nam, theo ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gỗ nguyên liệu và đồ gỗ mỹ nghệ, còn những sản phẩm gỗ nội thất khác của Việt Nam vẫn chưa thâm nhập được nhiều vào thị trường này.

Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên một tỉ đô la Mỹ, cho thấy đây cũng là thị trường khá lớn đối với ngành gỗ Việt Nam. Có điều, gỗ xuất sang nước này chủ yếu là gỗ nguyên liệu như dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ... Các mặt hàng đồ gỗ thành phẩm chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ khoảng 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang Trung Quốc.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, nhận định Trung Quốc là thị trường rộng lớn xét cả về tiêu thụ nội địa, xuất khẩu và nhập khẩu gỗ. Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy mỗi năm nước này nhập khẩu bình quân trên 30 triệu mét vuông gỗ quy tròn. Đây là con số rất lớn. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Trung Quốc lại rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc từ tất cả các thị trường.

Theo báo cáo mới đây của Hội đồng Phát triển thương mại Hồng Kông (HKTDC), nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất cho nhà ở tăng theo. Năm 2016, tổng doanh thu của doanh nghiệp trong ngành nội thất nước này tăng 8,6%, lợi nhuận tăng 7,9%, đạt khoảng gần 54 tỉ nhân dân tệ. Trung Quốc hiện có khoảng 630 triệu hộ gia đình và có nhu cầu mua sắm, thay đổi đồ nội thất sau 10 năm sử dụng. Trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 63 triệu hộ gia đình chi tiêu bình quân khoảng 1.000 nhân dân tệ dành cho hàng nội thất.

Nhìn vào báo cáo trên, có thể thấy đây là thị trường rất lớn nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế của mình. Theo ông Trần Lê Huy, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã tìm hiểu thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong số đó bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng gỗ nội thất như giường, tủ, bàn ghế, hoặc bộ phận chi tiết để lắp ráp thành đồ gỗ nội thất sang thị trường này. Đây là tín hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp đã chuyển từ xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang các sản phẩm có giá trị gia tăng hơn.

Chú ý phân khúc và xu hướng thị trường

Cũng theo báo cáo của HKTDC, hiện nay người tiêu dùng sản phẩm gỗ nội thất tại Trung Quốc được phân thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là những người rất giàu, họ không quan tâm nhiều tới giá, thường thích nội thất hiện đại kiểu phương Tây, hoặc nội thất kiểu cổ điển của Trung Quốc, hoặc nội thất trông độc đáo.

Nhóm thứ hai là những người ưa thích hàng hiệu, họ muốn mua đồ nội thất có thương hiệu nổi tiếng, phù hợp với phong cách của họ. Mỗi loại nội thất phải ẩn chứa trong đó các yếu tố về văn hóa và kiểu dáng đẹp.

Nhóm thứ ba là nhóm có thu nhập trung bình. Yếu tố giá cả và chất lượng là quan trọng nhất đối với họ.

Để tìm cơ hội xuất khẩu đồ gỗ nội thất sang thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên biết rõ các thị hiếu nói trên để xác định mình sẽ tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng nào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần biết về những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng. Theo ông Tô Xuân Phúc, với việc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, thị trường bất động sản phát triển mạnh, thì các loại đồ gỗ có kiểu dáng, mẫu mã hiện đại, chất lượng cao, làm từ các loại gỗ rừng trồng, ví dụ gỗ keo, cao su, hoặc gỗ có nguồn gốc hợp pháp nhập từ Mỹ hay châu Âu sẽ có tiềm năng lớn tiếp cận thị trường này.

“Các quốc gia như Ý, Đức, Hàn Quốc đang xuất khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, phát triển thị trường theo hướng trên”, ông Phúc nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên đầu tư vào sản xuất các loại ván chất lượng cao vì nhu cầu nhập khẩu vật liệu xây dựng tại Trung Quốc đang tăng. Hiện gỗ nhập khẩu phục vụ ngành xây dựng của Trung Quốc chiếm tới hơn 30% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ các loại, theo ông Phúc.

Điều đáng lưu ý khác, theo một cuộc điều tra mới đây của HKTDC, 90% số người tiêu dùng Trung Quốc được hỏi cho rằng họ ưa thích các sản phẩm nội thất thân thiện với môi trường, sản phẩm không mùi và không có chất formaldehyde. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn 14% để có được sản phẩm như vậy.

Mặt khác, giá nhà đất tại Trung Quốc ngày càng tăng, các gia đình trẻ với diện tích căn hộ nhỏ sẽ ưa thích những đồ nội thất đa chức năng và có thể gập lại được. Ví dụ, sản phẩm sofa giường đang được ưa chuộng tại nước này. Số liệu của Euromonitor cho thấy doanh thu sofa giường đạt 19 tỉ nhân dân tệ trong năm 2016, chiếm tới 32% thị phần sản phẩm sofa tại thị trường này. Một xu hướng nữa cũng cần được xem xét là sản phẩm nội thất được thiết kế theo tính cách, sở thích của từng người tiêu dùng (custom-made furniture). Ước tính, phân khúc nội thất này có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 18% và đạt quy mô thị trường khoảng hơn 160 tỉ nhân dân tệ năm 2020.

Theo ông Tô Xuân Phúc, các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng lợi thế của mình vẫn có thể chen chân được vào thị trường này. Hiện nay, ngoài Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), các doanh nghiệp Việt Nam còn có lợi thế hơn so với các nước khác như gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa nên hiểu được thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc…

Việt Nam cũng được cho là có nguồn lao động giá rẻ và nguồn nguyên liệu trong nước tương đối dồi dào. Tuy nhiên, lợi thế về lao động và nguồn nguyên liệu sẽ sớm mất đi, do đó, các doanh nghiệp cần sớm tìm ra những lợi thế cạnh tranh khác như đào tạo lao động tay nghề cao, năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm.

Là người đã có hơn 10 năm hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, ông Thăng Văn Thông, Giám đốc Công ty Hào Hưng, lưu ý doanh nghiệp muốn làm ăn với Trung Quốc phải chấp nhận sự biến động của thị trường này. Có những khách hàng Trung Quốc chỉ đặt đơn hàng ngắn hạn, hết đơn hàng họ lại chuyển sang một mẫu mã mới. Nếu doanh nghiệp chậm thay đổi, chỉ sản xuất cố định một vài mẫu sản phẩm thì khó có thể thành công. 
                                                                                                 Theo: thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.469.758
Tổng truy cập: