KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Khởi sắc làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô
(Ngày đăng: 15/01/2018   Lượt xem: 405)
Từ xa xưa, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu đã gắn liền với người dân và mảnh đất làng Hồng Đô thuộc xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Nhiều sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm từ làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô không chỉ được tiêu thụ ở trong nước, mà còn được nhiều nước trên thế giới đón nhận…

Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 15km, làng Hồng Đô nằm cạnh dòng sông Chu, nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã có truyền thống từ lâu đời. Theo các cụ cao niên trong làng, vào những năm trước 1945, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Hồng Đô đã phát triển thành làng nghề truyền thống. Cùng với lụa Hà Đông, tơ Nam Định... nhiễu Hồng Đô đã nổi tiếng khắp cả nước với những bí quyết làng nghề rất đặc trưng và quý hiếm.

Khởi sắc làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô - Ảnh 1

Cung đoạn nuôi tằm ở làng ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô

Trong cơ chế thị trường, với sự cạnh tranh khốc liệt, đã có lúc nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn vài hộ ở làng duy trì được nghề ươm tơ, diệt nhiễu.

Những năm gần đây, cùng với những cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo nhiều cơ chế hỗ trợ khôi phục nghề, nên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu khởi sắc trở lại.

Nhiều sản phẩm được làm từ chất liệu tơ tằm của làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong nước, đặc biệt là thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Châu Âu…

Ông Hoàng Huy Chuy, người dân làng nghề Hồng Đô chia sẻ, nghề ươm tơ, dệt nhiễu rất vất vả, phải thức khuya, dậy sớm. Để có được sản phẩm đến tay người tiêu dùng, những người dân làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô phải qua nhiều cung đoạn. Cung đoạn được bắt đầu từ trứng tằm giống, sau khi nở, người nuôi phải chọn những lá dâu ngon, thái nhỏ rồi cho tằm ăn, sau khoảng 3h lại cho ăn lần tiếp theo, đêm cũng vậy. Sau nhiều tháng tằm lớn, đến thời kỳ nhả tơ, phải tạo ổ rơm cho tằm nhả thành kén. Từ kén mới ươm để kéo ra tơ, từ tơ mới dệt thành nhiễu. Chính vì sự vất vả đó, mà người dân làng nghề Hồng Đô đã gắn liền với câu dân gian mà các cụ truyền lại: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”.

Khởi sắc làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô - Ảnh 2

Cung đoạn tằm đã nhả tơ tạo thành kén

Vì thế nghề ươm tơ, dệt nhiễu rất quan trọng khâu trồng dâu nuôi tằm, khâu bận rộn và cẩn trọng nhất. Để có được cân kén, búp tơ, tấm nhiễu, người trồng dâu nuôi tằm cũng phải trăn trở, toan lo, chăm chút và phải trải qua một quy trình chăn nuôi rất nghiêm ngặt với những yêu cầu kỹ thuật và kinh nghiệm nhà nghề.

Đến khâu dệt nhiễu cũng lắm công phu, để có được những tấm nhiễu đẹp, mịn thì người thợ phải chọn tơ tốt, sợi phải bóng làm ra được một tấm nhiễu phải trải qua từ 17 - 20 công đoạn. Người thợ dệt phải ngồi thật cân đối, con thoi đưa qua lại phải thật đều tay, đòi hỏi phải có sức bền, tâm huyết với nghề thì mới có những sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng. Tơ Hồng Đô từ lâu đã nức tiếng là loại tơ bền, mềm, đẹp.

Hồng Đô là một làng nghề đặc biệt vì từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối là hoàn toàn khép kín, chỉ người dân Hồng Đô mới làm được. Các cụ cao niên trong làng kể: Xưa kia để giữ nghề, gái làng không gả chồng xa, sợ bí quyết nhà nghề bị truyền sang làng khác. Nhưng nay thì khác, người dân Hồng Đô không giấu nghề đã cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm đi truyền nghề cho các xã trong huyện, trong tỉnh đã đưa một nghề truyền thống vốn đứng trước nguy cơ bị mai một đã hồi sinh.

Theo số liệu, hiện toàn xã Thiệu Đô có 300 hộ nuôi tằm, 40 hộ ươm tơ và 1 doanh nghiệp chế biến dâu tằm tơ. Cũng nhờ có làng nghề mà đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, có những hộ cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.

Vào giai đoạn 2013 - 2016, UBND huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Thiệu Đô.

Cụ thể, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trong đó, hỗ trợ 5 triệu đồng cho việc mua giống mới để thay thế giống cũ và 10 triệu đồng cho việc đào phá gốc dâu cũ đã kém năng suất, hiệu quả. Tiếp đó, UBND xã Thiệu Đô cũng xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2016”. Theo đó, giai đoạn 1 (năm 2014), hỗ trợ các hộ 50 triệu đồng mua hạt dâu giống; giai đoạn 2 (năm 2015) hỗ trợ 200 hộp giống tằm; giai đoạn 3 (năm 2016) hỗ trợ 15 máy móc phục vụ việc dệt nhiễu. Năm 2017, huyện Thiệu Hóa giúp người dân tìm đầu ra, áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia nhiều lớp tập huấn, giới thiệu sản phẩm, hội chợ…

Nhãn hiệu tập thể Tơ Hồng Đô hiện nay đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định cấp Văn bằng bảo hộ. Đây là cơ hội để sản phẩm Tơ Hồng Đô nâng cao giá trị, danh tiếng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người sản xuất tơ, người trồng dâu, nuôi tằm; giữ gìn, phát huy các giá văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của địa phương.

Khởi sắc làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô - Ảnh 3

Những búp tơ đã được kéo ra từ kén, chuyển sang cung đoạn dệt nhiễu 

Đến thời điểm hiện tại, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển ở 11 xã nằm dọc ven đê sông Mã, sông Chu của huyện Thiệu Hóa. Các xã có diện tích trồng dâu lớn là: Thiệu Đô, Thiệu Phúc, Thiệu Vũ, Thiệu Nguyên, Thiệu Minh, Thiệu Thịnh, Thiệu Tiến...với diện tích trên 200 ha.

Nhiều hộ dân trong huyện còn đứng ra thu mua tơ tằm từ các huyện lân cận về phát triển nghề dệt lụa. Nghề truyền thống này hiện đang thu hút hàng nghìn lao động ở địa phương, thu nhập cao.

Về xứ Thanh hỏi đến làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô có lẽ ai cũng biết đến. Có dịp về làng Hồng Đô, chúng ta sẽ được ngắm nhìn những cánh đồng dâu xanh ngắt, những tiếng thoi dệt nhiễu kêu lóc cóc, đặc biệt là những ngôi nhà cao tầng nằm sát nhau, chứng minh cho những khởi sắc của làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô.

                                                                                     Theo: baodansinh.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.469.839
Tổng truy cập: