KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Gia tăng giá trị cho hạt gạo Việt
(Ngày đăng: 14/12/2017   Lượt xem: 342)
Cuối cùng, gia đình ông Phạm Minh Hiền, nhà nhập khẩu bột mì cung cấp cho 51 tỉnh thành ở Việt Nam đã tạo bước ngoặt “để đời” khi đầu tư trên 12 triệu USD (giai đoạn I) vào nhà máy sản xuất bột gạo tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Những loại gạo cứng cơm như IR 50404, Hàm Châu… từng bị thị trường trong nước ngoảnh mặt đi; giá bán trong nhiều năm luôn ở mức thấp (4.900 đồng/kg). Nhưng nhờ tìm thấy công nghệ làm bánh gạo của Nhật và liên kết với doanh nghiệp theo hướng sản xuất - tiêu thụ nên đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Từ món quà của cựu chiến binh Mỹ
Đấy là câu chuyện về giống Gạo IR50404 liên quan đến Trung úy Thomas Hargrove, từng là sĩ quan cố vấn bên cạnh chương trình bình định và hậu chiến tại Chương Thiện (nay là tỉnh Hậu Giang) vào những năm 1969-1970. Trước khi nhập ngũ, Thomas Hargrove đã tốt nghiệp Đại học Texas A&M với hai văn bằng về khoa học nông nghiệp và báo chí. Sau khi giải ngũ ông tiếp tục theo đuổi ngành nông học. Là Trưởng phòng xuất bản của Viện lúa Quốc tế (IRRI), Tom vẫn day dứt với hội chứng Việt Nam đầy tội lỗi. Ông đã trở lại nơi từng tham chiến và mang theo món quà là giống lúa IR50404.
Với đặc tính ít sâu bệnh, năng suất cao, chi phí thấp, giống lúa này đã giúp nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhanh chóng tạo ra sản lượng cả triệu tấn/năm, góp phần tăng nhanh lượng gạo thặng dư để Việt Nam bước vào thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp sử dụng “mã gạo đẹp” của IR 50404 (người dân gọi tắt là 504) để đấu trộn khi xuất khẩu. Nhưng lâu ngày, 504 có vẻ như cứng cơm và khi xu hướng chọn gạo dẻo thay cơm xốp lên ngôi thì 504 “rớt hạng”.
Thực ra dòng gạo cứng cơm không cần phải đấu trộn để kiếm lời kiểu “khuất mắt trông coi”, vì nó thực sự hữu dụng đối với làng làm bột Sa Đéc khi mỗi năm doanh nghiệp vẫn dùng loại gạo này để sản xuất và đưa ra thị trường 60.000-70.000 tấn bột gạo. Nhưng làng nghề trăm tuổi này không thể tiêu thụ hết sản lượng gạo cứng cơm nên cuộc sống người trồng 504 ở đâu đó trên đồng bằng rộng 40.000 km2 này vẫn bấp bênh.


Tuy thế, bà Phan Thị Loan, tốt nghiệp kỹ sư ngành nông học, Chủ tịch UBND xã Tân Phú lại khá lạc quan với 504. Bà cho biết, năng suất bình quân của giống 504 là 45 giạ/công, tức 9 tấn/ha, dù giá bán rẻ hơn giống OM 5451 khoảng 10.000 đồng/giạ, nông dân vẫn thích trồng hơn giống lúa khác. Xã Tân Phú có 1.200 ha canh tác, chọn người làm 12 ha thuần giống 504 theo hướng an toàn để làm nguyên liệu cho nhà máy bột gạo ở huyện Tam Bình, nhưng nguồn cung này vẫn quá ít!
“Lâu nay giống này tuy khó tìm đầu ra, nhưng khi nhiều nơi giảm đất làm lúa chuyển sang cây trồng khác nên tới giờ này 504 không còn lo ế”, bà Loan nói. Do đó, xã khuyên bà con liên kết sản xuất - tiêu thụ. Dân nói liên kết với doanh nghiệp là rất mừng, nhưng tâm lý vẫn lo tình trạng bị trói buộc một khi thị trường bất ngờ tăng giá nên không ký hợp đồng.
“Nếu có 10 công ruộng thì bà con làm phân nửa cho nhà máy và làm thử vài vụ nếu kết nối sản xuất - tiêu thụ ổn thỏa sẽ nâng dần diện tích trồng theo cam kết. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp mua với giá cao hơn mặt bằng giá thị trường một chút, chứng minh trong vài vụ là được”, bà Loan nói.
Đáp lại, ông Phạm Minh Hiền, Giám đốc Công ty Đại Nam đã đồng ý nâng giá mua cao hơn mặt bằng và nói rõ, hiện nay doanh nghiệp có nhu cầu mua 5.000 tấn gạo/tháng. Khi nhà máy bước vào giai đoạn II sẽ tăng mức tiêu thụ lên gấp đôi với điều kiện gạo thuần và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì đó là nền tảng cho mục tiêu phát triển dòng sản phẩm từ bột gạo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và bột gạo phối trộn để xuất khẩu.

Một cách sửa sai
Chuyên kinh doanh bột, ông Hiền trước đây vẫn phải nhập cả bột gạo từ Thái Lan để làm bột phối trộn nhãn hàng “Hương quê”, chỉ vì gạo trong nước không thuần và có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Nhập hàng thấy khổ tâm lắm, vì mình lớn lên trên vựa lúa lớn nhứt, nhì thế giới, lại phải nhập bột gạo về, nhưng không thể làm gì lay chuyển thói quen cố hữu của người nông dân quê mình”, ông Hiền nói.
Điểm nghẽn ở chỗ bột gạo truyền thống lâu nay gắn với nhu cầu chế biến theo cách làm truyền thống, ít chú ý tới phục vụ sản xuất bánh công nghiệp. Tình cờ cha ông Hiền, cũng là nhà kinh doanh bột mì nổi tiếng (Công ty Đại Phong) tìm thấy công nghệ làm bánh gạo của Nhật nên quyết định chuyển hướng.
“Tôi ngộ ra một điều là khi toàn nhập bột mì, mình không chỉ thờ ơ mà còn bịt kín con đường tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho bột gạo. Trong vài tháng nữa, bột gạo chế biến theo công nghệ Nhật Bản sẽ thay thế hàng nhập khẩu của Đại Nam”, ông Hiền nói về cách sửa sai.
Doanh nghiệp của ông Hiển quyết định đầu tư phòng nghiên cứu thí nghiệm và mô hình trị giá 25 tỷ đồng, lập nhóm nghiên cứu phát triển (R&D) để bắt đầu cuộc hành trình bột gạo của Đại Nam Bakery. Dây chuyền gọn, không nước thải, năng suất 4 tấn/giờ, gạo trắng mịn như bột mì là ưu thế của Đại Nam Bakery. Ông Nanri Hiroshi, nhà cung cấp thiết bị cho Đại Nam đã làm 10 loại bánh bông lan cuốn, bánh pizza, cookie với 100% bột gạo, bông lan chuối với 50% bột gạo,..
Từng nghiên cứu bột mì, bột gạo ở nhiều nước, ông Nanri nói rằng, Nhật có bánh gạo nhưng ít nguyên liệu để lựa chọn và giá gạo tại Nhật rất đắt (tương đương 80.000 - 120.000 đồng/kg). Mỗi nước có đặc điểm khác nhau, có nhiều lựa chọn nguyên liệu để làm bột thì làm bánh sẽ ngon. Tài nguyên bản địa của Việt Nam có thể cung cấp đa dạng hóa sản phẩm.
Đại Nam Bakery là công ty liên doanh, phía Nhật nắm 5%. Nhân viên của Đại Nam được chuyên gia Nhật trực tiếp dạy nghề, sử dụng phụ gia của Nhật, công nghệ Nhật… để làm những loại bánh ngon theo cách kết hợp để có thể chào bán tại Nhật.
Toàn bộ dây chuyền hiện đại (trị giá khoảng 250 tỷ đồng) của nhà máy ở Tam Bình sẽ được vận hành. Theo tính toán của ông Hiền, thị trường bột ở 51/63 tỉnh thành đang có nhu cầu gấp 10 lần công suất nhà máy hiện có. Do vậy, tới năm 2025, Đại Nam Bakery sẽ nâng công suất 10 lần. Xuất khẩu bột gạo sang Nhật là mục tiêu ông đang tính đến. Ông Nanri ủng hộ ý tưởng này.
“Với công nghệ của Nhật, chúng tôi tính toán thấy giá thành rất rẻ, giảm công lao động, khỏi phải xử lý nhiều vấn đề so với dây chuyền truyền thống. Công nghệ hiện đại đang hỗ trợ ý tưởng làm giàu giá trị tài nguyên bản địa”, ông Hiền, 48 tuổi, quê Song Phú, Tam Bình nói và cho biết ông đang "nuôi mộng" phát triển nhà máy làm bột gạo lên gấp 40 lần khi bước vào giai đoạn II.

                                                                                          Theo: enternews.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.470.636
Tổng truy cập: