QĐND
- Những năm trước đây, nghề làm mành nứa ở thôn Công Xá, xã Đồng Lý
(huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã giúp người dân nơi đây thoát nghèo và
vươn lên làm giàu . Thế nhưng, vài năm gần đây, những người làm nghề
trong thôn đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn để giữ và phát triển
nghề truyền thống. Không phụ lòng người, hiện nay nghề làm mành nứa ở
Công Xá đã và đang hồi sinh, cùng người dân nơi đây hướng tới một tương
lai tươi sáng hơn.
Một thuở “hoàng kim”
Qua
tìm hiểu, chúng tôi được biết, nghề làm mành nứa ở thôn Công Xá có từ
năm 1952 và phát triển mạnh nhất vào những năm 60 của thế kỷ 20. Thời
ấy, nghề này đã thu hút được rất nhiều lao động từ người già đến trẻ
nhỏ. Trẻ em thì giúp bố mẹ quấn móc, đan mành; người già thì cưa nứa,
róc chẻ, vò, sau đó mới đan. Thời kỳ phát triển thịnh vượng, gần như
100% hộ dân trong thôn đều làm nghề này. Nó đã trở thành “cần câu cơm”
của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
|
Hiện nay ở Công Xá chỉ còn vài ba gia đình tiếp tục giữ nghề làm mành nứa.
|
Cụ
Trần Thị Vi một người gắn bó lâu năm với nghề nhớ lại: “Khi nghề làm
mành nứa bắt đầu xuất hiện, người dân trong thôn háo hức học nghề để tạo
ra những sản phẩm bền, đẹp và nhanh nhất. Để có một chiếc mành đẹp cần
có sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm nghề, bên cạnh đó, khâu chọn nứa
cũng rất quan trọng . Cây nứa phải là những cây có dóng dài để mành được
đẹp, phẳng hơn; nếu cây nứa bị cong thì mành sẽ cong vẹo, lồi lõm. Nứa
phải được phơi thật khô, quấn quả móc, chọn những khúc nứa dài rồi tiến
hành cưa nứa, chẻ nứa, vò nứa, sau đó mới tiến hành đan. Đan mành là
công đoạn cuối cùng mà từ trẻ nhỏ đến người già ai cũng làm được, nhưng
yêu cầu phải đan nhanh thì mới gắn kết vào mới nhau được”.
Sản
phẩm mành nứa của thôn Công Xá nổi tiếng khắp nơi, lái buôn trong và
ngoài tỉnh đổ về đây đặt hàng. Cùng với đó, nhiều người từ các tỉnh xa
cũng “khăn gói” đến Công Xá xin học nghề. Trong thôn, ngoài xã lúc nào
cũng tấp nập kẻ bán người mua.
Chị
Trần Thị Ngọc, một trong những người tay nghề có tiếng trong thôn tâm
sự: “Nghề làm mành nứa đã giúp gia đình tôi có được một cuộc sống no đủ.
Ngoài làm mành nứa, gia đình tôi còn thu mua sản phẩm của các gia đình
khác trong thôn rồi bán cho các tư thương ở Thái Bình, Nam Định, Hưng
Yên và các tỉnh khác . Thu nhập không cao, nhưng khá ổn định, khoảng 60
đến 70 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình tôi thoát khỏi cảnh đói nghèo
và từng bước vươn lên làm giàu vững chắc. Còn các hộ khác trong thôn
cũng yên tâm sống vì nghề mà không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm.
“Tay phải” thành “tay trái”
Thế
nhưng thời “vàng son” của nghề truyền thống cũng qua mau. Mặc dù nghề
chưa hẳn bị mai một, nhưng thực sự nó không còn mạnh như trước đây. Giờ
đây trong làng chỉ còn những người già như cụ Vi hoặc trung tuổi như chị
Ngọc mới gắn bó với nghề. Họ muốn truyền lại nghề này cho con cháu với
một mong ước là chúng mãi gắn bó với cái nghề đã một thời mang lại cơm
no, áo ấm cho làng. Thế nhưng, lớp trẻ trong làng hiện nay hầu như không
còn mặn mà với nghề.
Bác
Trần Văn Thụ, một nghệ nhân trong thôn cho biết: Trước đây, công việc
làm mành được coi là nghề “tay phải”, nhưng những năm trở lại đây nghề
mành cũng trở thành nghề phụ. Nhiều người phải rời quê tìm việc trên
thành phố . Một số khác bám quê, nhưng đã chuyển sang nghề chăn nuôi gia
súc, gia cầm. Bởi nghề này cho thu nhập cao hơn nghề truyền thống.
Ngừng
một lát, bác Thụ cho biết thêm: Làm mành nứa bây giờ chỉ còn là nghề
“tay trái” của hầu hết các hộ trong thôn. Những lúc rảnh rỗi, gia đình
lại quây quần bên nhau vừa trò chuyện vừa cưa nứa, chẻ nan, đan mành…
Một ngày như thế cả gia đình cũng chỉ đan được từ 2 đến 3 chiếc mành.
Trừ mọi chi phí thì lãi khoảng 70 đến 80 nghìn đồng/ngày. Thôi thì, cứ
bám nghề, cũng có đồng ra, đồng vào, góp phần cải thiện bữa cơm gia
đình.
Còn
theo ông Trần Văn Thịnh, Trưởng thôn Công Xá: Đến nay, cả 350 hộ dân
trong thôn vẫn túc tắc đan mành, nhưng chỉ vào lúc nông nhàn. Sản phẩm
làm ra đa phần là mành nan nhỏ, dùng để che nắng che mưa, che bụi… chứ
không có giá trị kinh doanh . Tuy vậy, làng vẫn được công nhận là làng
nghề truyền thống vào năm 2007. Nhưng đằng sau niềm vinh dự và tự hào
đấy là cả một nỗi niềm ngậm ngùi xót xa. Vài năm nữa, không biết còn ai
nhớ tới thương hiệu “Mành nứa Công Xá” nữa không?
Những
ngày “vàng son” của làng nghề Công Xá đã qua, nhưng ở đây vẫn còn không
ít những người vẫn đang đau đáu một tâm nguyện gắn bó và giữ nghề. Rất
mong các cơ quan chức năng của địa phương sớm có biện pháp giúp người
dân Công Xá giữ nghề và sống được với nghề.
Bài và ảnh: Lệ Hoài - Kế Toại