KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch: Tiềm năng và hiện thực
(Ngày đăng: 11/05/2016   Lượt xem: 553)

Ở Quảng Ninh hiện nay, những sản phẩm lưu niệm thực sự có chất lượng và hấp dẫn cao chưa nhiều, chưa xứng tầm và khó đáp ứng được nhu cầu du lịch...

Những mặt hàng lưu niệm mà du khách nước ngoài mua khi tham quan Vịnh Hạ Long đa phần được nhập từ nơi khác về.

Những mặt hàng lưu niệm mà du khách nước ngoài mua khi tham quan Vịnh Hạ Long đa phần được nhập từ nơi khác về.

Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng du lịch và là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác than lớn nhất cả nước. Từ lâu, Quảng Ninh có một mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn độc đáo, riêng có là sản phẩm mỹ nghệ lưu niệm được chế tác bằng than đá. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có rất nhiều nguyên liệu có thể chế tác hàng thủ công mỹ nghệ như: đất sét tạo ra dòng gốm chịu lửa cao, vỏ của các loài hải sản, gỗ thông, mây tre đan v.v..

Từ nguồn nguyên liệu than đá sẵn có, người nghệ nhân đã chế tác như: thuyền buồm, lọ hoa, cá heo, sư tử, nàng tiên cá, những con giống… hay những cảnh vật quen thuộc ở Quảng Ninh như: Núi Bài Thơ, hòn Trống Mái… Ở Hạ Long và Cẩm Phả trước đây đã từng có những xưởng chế tác hoạt động rất hiệu quả, thu hút hàng chục nghệ nhân tài hoa, tập trung như những “làng nghề” truyền thống thực thụ. Thế nhưng, hiện nay, điều đáng buồn là những mặt hàng trên đang bị lấn át bởi những sản phẩm công nghiệp dập khuôn hàng loạt, na ná nhau, được nhập ồ ạt từ các nơi khác về.

Với mong muốn cải thiện tình trạng đó, trong thời gian qua, nhiều cuộc thi, cuộc vận động thiết kế sản phẩm lưu niệm đã được phát động. Cụ thể, năm 2014, Hội VHNT tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tổ chức trại sáng tác chuyên đề sáng tạo sản phẩm lưu niệm về Vịnh Hạ Long với mong muốn nhận được những bản vẽ, mẫu thiết kế sản phẩm lưu niệm có tính ứng dụng cao. Ban Tổ chức đã thu được 22 mẫu sản phẩm, chọn ra 8 mẫu sản phẩm tiêu biểu nhất sử dụng chất liệu có sẵn trong tỉnh, là đặc trưng của Quảng Ninh và thân thiện với môi trường để nhân rộng. Các tác phẩm được thiết kế trên các chất liệu như: than đá, mê-ca, gốm sứ, đất nung giả đồng, tranh đá quý v.v..

Cùng chung mục tiêu tạo ra những sản phẩm mới lạ phản ánh những hình ảnh vùng đất và con người Quảng Ninh, phục vụ du khách trong và ngoài nước làm quà lưu niệm, năm 2015, Sở Công Thương đã phát động cuộc thi sáng tạo, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu Quảng Ninh. Cuộc thi được mở rộng trên phạm vi toàn quốc, mời đông đảo nghệ sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam tham gia và đã nhận được 129 tác phẩm tham gia dự thi, bao gồm các hiện vật và thiết kế ý tưởng tạo ra sản phẩm. Từ đó, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 9 tác phẩm tiêu biểu để trao giải, gồm 2 giải nhì (không có giải nhất), 2 giải ba, 5 giải khuyến khích.

Nhìn vào kết quả các cuộc thi đã tổ chức, có thể thấy bước đầu vấn đề tìm loại hình sản phẩm mỹ nghệ đã được cải thiện, tuy nhiên chưa nhiều, chưa rộng khắp và chưa thu hút đông đảo đội ngũ nghệ nhân, họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia; vẫn còn đó hàng loạt những khó khăn cần giải quyết. Chỉ riêng mỹ nghệ than đá, ai cũng thấy chưa được bày bán rộng rãi ở trong nước, còn xuất khẩu thì lại càng xa vời vì vấp phải hàng loạt khó khăn. Nhà điêu khắc Nguyễn Viết Quang, người có thâm niên làm mỹ nghệ than đá, lý giải nguyên nhân: Vỉa than thường không thuần nhất dễ tách vỉa, dễ rạn nứt, lại khó mà chọn được khối than lớn. Nếu làm lớn thì buộc người thợ phải chắp ghép, “chồng thớt”… Mà giả sử có làm được tượng lớn đi nữa cũng rất khó bán vì khó vận chuyển.

Để có một sản phẩm lưu niệm, nghệ nhân chế tác than vất vả, tốn nhiều công sức như vậy, nhưng giá cả lại không tương xứng. Sản phẩm đến tay du khách với giá kể cũng khá cao, nhưng lại phải trải qua quá nhiều khâu trung gian thành ra tiền công của nghệ nhân rất thấp.

Thu nhập thấp, bấp bênh, mà công sức bỏ ra quá nhiều đã khiến không ít nghệ nhân giải nghệ. Hệ quả là đội ngũ nghệ nhân lành nghề tài hoa theo thời gian cứ thưa dần. Nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm chia sẻ rằng anh rất mong muốn tập hợp được đội ngũ nghệ nhân, nhà điêu khắc để làm thế nào tạo ra được hàng nghìn sản phẩm từ chất liệu than đá phục vụ nhu cầu quảng bá du lịch. Bởi nếu không làm được điều này sẽ để lãng phí nhiều tiềm năng về chất liệu cũng như nhân lực, tài năng của những người thợ lành nghề…

                                                                                Theo baoquangninh.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.507.676
Tổng truy cập: