KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Khác biệt để tồn tại
(Ngày đăng: 04/04/2014   Lượt xem: 450)

Ngày càng có nhiều DN dệt may linh hoạt và nhạy bén hơn với thị trường chính là “chìa khoá” giúp họ thành công. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng Việt Nam, vốn trước đây ít chú ý đến hàng dệt may nội và chỉ chuộng hàng ngoại, đã bắt đầu lựa chọn và sử dụng các sản phẩm trong nước.

Với vốn điều lệ hiện chỉ vẻn vẹn 36 tỷ đồng, song Công ty May Bình Minh có mức lợi nhuận năm 2013 lên đến 20 tỷ đồng, có nghĩa chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) là rất cao so với các DN khác. Điều đáng chú ý ở trường hợp của Bình Minh là lợi nhuận chủ yếu đạt được thông qua xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, kết hợp với tiêu thụ nội địa. Như cách mà nhiều doanh nhân thường nói là đi bằng hai chân.


Công ty May Việt Tiến thành công nhờ xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm của riêng mình

Ông Ngô Kim Quy, Tổng giám đốc công ty cho biết, có đến 75% hàng xuất khẩu của DN là vào Nhật Bản. Dù đây là thị trường khó tính, luôn đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhưng do xác định đây là mảnh đất nhiều tiềm năng, Bình Minh đã chủ động bám sát và tích cực đáp ứng mọi yêu cầu mà khách hàng đặt ra cho từng sản phẩm.

Không chỉ vậy, để nâng cao giá trị của các đơn hàng, nắm bắt đúng xu thế tiêu dùng đang thay đổi tại Nhật Bản, DN này còn đầu tư vào các khâu nghiên cứu, thiết kế để đưa ra những sản phẩm có ưu thế và phù hợp với đặc thù tiêu dùng của thị trường này.

Sản phẩm nổi bật nhất của Bình Minh tại Nhật Bản là áo sơ mi. Đây là thị trường cực kỳ khó tính, ngoài thời gian giao hàng phải đúng hạn thì chất lượng sản phẩm phải tốt. Nếu bạn hàng phát hiện chỉ một mạt sắt trong sản phẩm, DN cũng có thể bị phạt 20.000 USD.

“Tuy nhiên, khi xác định việc phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng là hàng đầu, chúng tôi đã học được từ các đối tác nước này tinh thần làm việc nghiêm túc với chính sản phẩm của mình”, ông Quy nói.

Chủ động thích ứng với thị trường xuất khẩu, Bình Minh thấy rằng, nhiều phụ nữ Nhật Bản hiện có xu hướng đi làm, thay vì ở nhà trông con như trước. Xác định đây là cơ hội mới, Bình Minh đã có chiến lược đưa sản phẩm sơ mi nữ được may bằng vải dệt kim vào thị trường này, phát huy vị thế và chỗ đứng có sẵn của sản phẩm áo sơ mi nam đã xây dựng được tại Nhật Bản.

Là DN dệt may đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, ứng dụng vải dệt kim để may áo sơ mi, với sự đầu tư kỹ lưỡng trong các khâu để đảm bảo sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt mà còn có tính tiện dụng và thời trang, Bình Minh đã thử nghiệm sản phẩm với chính thị trường nội địa. Theo quan điểm của ông Quy, thị trường nội cũng không dễ dàng tiếp cận, khi người tiêu dùng mà đặc biệt là tầng lớp trung và thượng lưu luôn đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng, thời trang.

Do đó, cùng với định hướng nội địa là thị trường trọng điểm bên cạnh xuất khẩu, DN này đã đưa ra chiến lược chinh phục người tiêu dùng nội bằng chính sản phẩm có chất lượng, được thiết kế riêng. Cho đến nay, các sản phẩm áo sơ mi được may bằng vải dệt kim của Bình Minh được tiêu thụ khá tốt tại hơn 30 cửa hàng phân phối của DN và hệ thống bán lẻ của VinatexMart, giúp DN bám rễ sâu vào nội địa. Thành công này đã giúp cho Bình Minh tin tưởng tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để xuất khẩu đến một số thị trường khác.

Cũng có định hướng tự chủ trong sản xuất, Công ty May Việt Tiến cũng đang khá thành công với chiến lược xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm của riêng mình. Xác định đây là vấn đề mang tính sống còn của DN, ông Phan Văn Tiệp, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, Việt Tiến đã chú trọng đầu tư vào các khâu thiết kế, nghiên cứu sản phẩm nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng.

Được biết, hiện hàng ODM (chủ động đầu vào, thiết kế, sản xuất) của Việt Tiến chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu xuất khẩu, giúp DN này mang về 520 triệu USD kim ngạch trong năm 2013.

Chiến lược xây dựng thương hiệu của Việt Tiến cũng đưa các sản phẩm của DN này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, với hệ thống phân phối lên đến 1.350 cửa hàng tại tất cả các tỉnh, thành phố. Được biết, tổng doanh thu của Việt Tiến trong năm 2013 là gần 8.300 tỷ đồng, với tất cả các chỉ tiêu đều vượt 15% trở lên.

Việc ngày càng có nhiều DN dệt may linh hoạt và nhạy bén hơn với thị trường chính là “chìa khoá” giúp họ thành công. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng Việt Nam, vốn trước đây ít chú ý đến hàng dệt may nội và chỉ chuộng hàng ngoại, đã bắt đầu lựa chọn và sử dụng các sản phẩm trong nước.

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2013, dệt may thu về hơn 20 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục giữ vị trí thứ hai và đóng góp 13% vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước; giữ vững vị trí top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Cùng với đó, hoạt động tiêu thụ trong nước cũng có nhiều khởi sắc, khi hệ thống phân phối bán lẻ của các DN như VinatexMart, Made in Vietnam, VietMart… ngày càng được mở rộng với mức tăng trưởng doanh thu tốt.

                                                                                     Theo: thoibaonganhang.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

22
Đang xem:
72.468.608
Tổng truy cập: