KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Thu gom nông sản bán cho thương lái nước ngoài: Nông dân lãnh đủ !
(Ngày đăng: 17/03/2014   Lượt xem: 290)
Tìm mua tất cả mọi thứ, bất kể là sản phẩm gì, sau đó "lật kèo”.  Đó là thủ đoạn mà các thương lái nước ngoài (nhiều nhất là đến từ Trung Quốc) đã và đang áp dụng ở Việt Nam trong nhiều năm qua, song dường như các nhà quản lý đang bất lực. Đáng ngại hơn, có ý kiến còn cho rằng, việc thu gom nông sản của các thương lái, ở  khía cạnh nào đó còn là tín hiệu đáng mừng (?).



Gom hàng nông sản đưa sang Hà Khẩu (Trung Quốc)
Ảnh: Hoàng Long

Tái diễn kịch bản cũ

Cung cách làm ăn không đàng hoàng của các thương lái nước ngoài- chủ yếu là các thương nhân đến từ Trung Quốc- đã được cảnh báo từ lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy nhưng, rất lạ là, ngay cả khi đã bị Luật pháp Việt Nam nghiêm cấm, ngay cả khi hàng loạt hành vi của các thương lái nước ngoài đã bị phanh phui trên các phương tiện truyền thông, thì hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra, như đang "trêu ngươi” các nhà quản lý.  Thật đau lòng, người nông dân Việt đã nghèo lại càng nghèo hơn do những thiệt hại mà các thương lái nước ngoài đã và đang gây ra

Những bức xúc trong dư luận về những hành vi thu mua các sản phẩm dị thường (móng trâu, đỉa, ốc bươu vàng…) của thương lái Trung Quốc còn chưa dịu xuống, thì gần đây lại xuất hiện hiện tượng một nhóm đối tượng người nước ngoài tìm mua lá khoai lang non ở Vĩnh Long.

Kịch bản lần này cũng không khác gì so với những lần trước, khi thương lái nước ngoài thu mua lá điều, rễ cây hồ tiêu, ngọn sắn, lá xoài khô và cả móng trâu, móng bò…, những sản phẩm mà người nông dân nếu muốn bán được buộc phải hủy hoại mùa màng, cây trồng, vật nuôi. Sử dụng các "chiêu bài” cũ đã từng đem lại lợi nhuận, thương lái nước ngoài thông qua phiên dịch người Việt Nam, vào tận nhà, vườn các gia đình nông dân đặt vấn đề thu mua với khối lượng lớn, giá cao. Thấy món lợi trước mắt, không ít nông dân tất tả gom hàng; Người có chút ít tiền còn đi vay thêm, từ đó trở thành đại lý đi gom hàng trong dân, trong những người quen thân rồi bán cho các thương lái nước ngoài. Sau khi nông dân và đại lý trong nước gom được hàng với khối lượng lớn, mua một hai lần rồi cánh thương lái nước ngoài bỗng dưng lặn mất tăm. Và đương nhiên, không ai khác, nông dân thiệt, đến đại lý thu gom người Việt cũng thiệt hại.

Cách thức làm ăn không đàng hoàng đó của cánh thương lái nước ngoài không mới, nhưng hết lần này đến lần khác, nông dân nhiều nơi vẫn bị mắc bẫy. Còn nhớ, người trồng thanh long đã từng điêu đứng vì sản phẩm này từng được thu mua với giá cao sau đó ngừng thu mua khiến hàng trăm xe container chở thanh long xuất khẩu bị ứ lại tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), không thể tiêu thụ. Với dưa hấu, phía Trung Quốc cũng từng đột ngột ngừng thu mua khiến giá dưa tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh từ 8.000 đồng xuống còn chỉ còn 1.300-2.000 đồng/kg.

Các thương lái nước ngoài không từ một sản phẩm nông sản nào, bất kỳ thứ gì, kể cả gạo- một sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam- họ cũng giở chiêu "trả giá cao, mua khối lượng lớn” nhằm đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của người nông dân. 



Gom hàng sang Hà Khẩu (Trung Quốc)
Ảnh: Hoàng Long

Không thể coi thường

Trước thực trạng này, dư luận cũng như các chuyên gia ngành nông nghiệp không khỏi lo lắng về âm mưu phá hoại kinh tế nông nghiệp Việt Nam của thương lái nước ngoài. Chuyên gia ngành lúa gạo Nguyễn Đình Bích không ít lần cảnh báo về hành vi thu gom nông sản của các thương lái Trung Quốc, trong đó có lúa gạo. Theo vị chuyên gia này, hành vi đó không chỉ đơn thuần là lợi ích kinh tế của họ, mà rất có thể còn nhằm hạ thấp uy tín, chất lượng gạo Việt Nam. Sâu xa hơn, việc này có thể phá nát nền sản xuất gạo chất lượng cao của Việt Nam, đồng thời phá thị phần gạo Việt Nam tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại một cuộc giao ban báo chí diễn ra mới đây, lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đưa ra nhận định khá bất ngờ rằng, việc thu gom lúa gạo của các thương nhân Trung Quốc cần được coi là một tin mừng vì nó góp phần tiêu thụ gạo cho bà con nông dân trong lúc khó khăn (?). Nói như vậy, có thể hiểu rằng, hành vi thu gom nông sản của các thương lái Trung Quốc cũng có mặt tốt (?) Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi hành vi này giúp người dân tiêu thụ bớt được hàng hóa, song, đó không thể khuyến khích bởi những hệ lụy của nó đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta khó có thể lường trước được. 

Người ta vẫn chưa quên hành động thu gom tôm nguyên liệu của các thương lái Trung Quốc xảy ra hồi cuối năm 2013. Thời điểm đó, động thái này đã góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam lên một mức đáng kể. Tuy nhiên, ngay lập tức, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải lên tiếng cảnh báo rằng, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh không phải là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thiếu nguồn nguyên liệu cho những thị trường có nhu cầu và giá nhập khẩu cao như Mỹ, Nhật Bản và EU. Theo VASEP, bên cạnh nguồn tôm xuất chính ngạch, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyện liệu bất kể cỡ tôm và chất lượng để đưa sang Trung Quốc đã làm loạn thị trường tôm nguyên liệu trong nước. Tình trạng này kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam trong khi tôm hiện là sản phẩm "cứu cánh” cho thủy sản xuất của cả nước.

 Việc không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương lái đã khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt với những hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu vì trước đây. Bên cạnh đó là nguy cơ không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, đặc biệt là dư lượng kháng sinh và tạp chất, có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam, ảnh hưởng đến sự nỗ lực chung của Nhà nước và các doanh nghiệp về vấn đề kiểm soát kháng sinh, chất lượng tôm nuôi. VASEP cũng lưu ý về thực trạng, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chế biến chiếm tỷ trọng 31%, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 69%, trong khi tỷ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc lần lượt là 3,6% và 96,3% cho thấy ngành tôm đang bị lệ thuộc vào thị trường dễ biến động này, lãng phí nguồn nguyên liệu chế biến hàng giá trị gia tăng xuất sang các thị trường khác. 

Như vậy, xung quanh việc thương lái nước ngoài gom vét nông sản Việt Nam, kể cả những sản phẩm "kì quặc”, một lần nữa cần được cảnh báo, mà bài học từ con tôm vẫn đang còn nguyên giá trị.

Bộ Công thương vừa có Công văn đến Sở Công thương các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra, giám sát hoạt động thu mua nông sản của người nước ngoài tại Việt Nam; yêu cầu cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo UBND tỉnh, thành phố về hoạt động thu gom nông sản của thương nhân nước ngoài, kể cả những loại khác lạ; các địa phương cần phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu và phòng tránh.

Theo: daidoanket

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.162
Tổng truy cập: