KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Mùa mía đắng
(Ngày đăng: 06/03/2014   Lượt xem: 364)
Chỉ từ đầu tháng 1 đến nay, hàng nghìn ha mía tại xứ Thanh đều đồng loạt trổ cờ. Điều này đồng nghĩa với trữ lượng đường trong cây mía sụt giảm, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Trong khi người trồng mía đang khốn đốn với tình trạng trên thì các doanh nghiệp mía đường trên địa bản tỉnh vẫn thu mua cầm chừng và ép giá…



Người trồng mía xứ Thanh đang điêu đứng trước tình hình 
mía trổ bông mà vẫn chưa được nhà máy thu mua

Điêu đứng vì mía hóa lau

Trên ruộng mía rộng hơn 2 ha, chị Hoàng Thị Hiền, thôn 2 xã Hạnh Phúc huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang hối hả cùng với hơn 20 nhân công thu hoạch mía. Tình trạng mía trổ lau suốt gần 2 tháng qua đã khiến những thân mía vốn trước đây mọng mật thì nay đã bắt đầu teo tóp và làm bấc. Chị Hiền cho biết, gia đình đã đầu tư hơn 70 triệu tiền giống, phân bón, tiền bảo vệ v,v… Tuy nhiên, nếu tính theo giá cả hiện tại, sau khi thu hoạch xong gia đình chị cầm chắc lỗ từ 20 – 25 triệu đồng. "Cũng diện tích này năm ngoái, gia đình tôi thu lời gần 40 triệu đồng nhưng vụ năm nay thì không tránh khỏi thua lỗ. Nhìn đồng mía trổ lau xót ruột thì thuê người chặt vậy thôi chứ cũng chưa biết ngày nào C.ty cho xe xuống bốc. Hiện trong nhà tôi vẫn còn 11 tấn được chặt từ hôm 18-2 đã được nhập đâu!” – chị Hiền thở dài. 

Tim hiểu thêm, được biết, mía của bà con trên địa bàn xã Hạnh Phúc đáng lẽ phải được thu hoạch vào tháng 11-2013, nhưng do việc điều hành chậm, thiếu khoa học của Xí nghiệp nông lâm Thọ Lâm thuộc Cty CP Mía đường Lam Sơn dẫn đến mía chặt muộn, gây thiệt đơn thiệt kép cho nông dân.

Rời Thọ Xuân, chúng tôi đến vùng mía Cẩm Thủy. Dọc hai bên đường là những cánh đồng mía chờ thu hoạch đã đồng loạt trổ bông hóa lau. Anh Nguyễn Văn Nhạn, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy không giấu được vẻ lo lắng cho hay: Hiện tại, gia đình anh có 6 sào mía đã trổ bông trắng xóa. Nếu như niên vụ trước, nhà máy cho thu hoạch vào cuối tháng 11 thì nay sang tháng 3 rồi, gia đình vẫn chưa được lệnh chặt. "Từ khi làm mía đến nay, đây là năm đầu tiên tôi thấy mía trổ cờ. Niên vụ trước, 6 sào mía cho thu hoạch gần 25 tấn thì năm nay, mía trổ bông cờ dẫn đến mía sẽ nhẹ, ước tính gia đình thiệt hại gần 4 tấn mía rồi. Chưa kể năm giá mía nguyên liệu đã giảm xuống còn 900.000 đồng/tấn” – anh Nhạn cho biết.

Hiện nay huyện Cẩm Thủy có 19/20 xã, thị trấn trồng mía 2.400 ha với tương tự, người trồng mía ở huyện Thạch Thành cũng đang chịu cảnh cây mía trổ bông mà chưa được thu hoạch. Toàn huyện có hơn 6.000ha mía nguyên liệu của Công ty TNHH mía đường Việt Nam - Đài Loan (trụ sở tại Thị trấn Vân Du). Tính đến nay huyện mới thu hoạch đạt 44,73% diện tích. Còn theo UBND huyện Thường Xuân, niên vụ 2013 - 2014, huyện Thường Xuân có 2.221,34 ha mía là nguyên liệu của Công ty CP mía đường Lam Sơn. Đến nay mới thu hoạch được hơn một nửa. 

Chúng tôi đã lội xuống ruộng mía của gia đình bác Lang Văn Thân (thôn Lao Tiến, xã Luân Thành) cùng đếm tỷ lệ cây mía trổ bông. Tỷ lệ cây mía trổ bông trên ruộng mía của gia đình người nông dân này lên tới gần 90%. Những bông cờ đã trổ cao trên 1m. Những ruộng mía xung quanh cũng cảnh tương tự. Điều này khác với ý kiến của một số phòng, cơ quan chức năng cho rằng tình trạng cây mía trổ bông cờ chỉ xảy ra với tỷ lệ thấp trên cùng một ruộng mía.
Trông chờ gì ở các nhà máy?

Trưởng phòng NN & PTNT huyện Thạch Thành cho biết: Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mía trổ bông cờ hiện nay do yếu tố giống và biến động thời tiết. Mía trổ bông cờ chủ yếu ở giống mía Rốc 1, 10, 16; quế đường 99, 114…Năm nay, mùa đông ấm, khô hạn dẫn đến mía bị tóp đầu ngọn, khi gặp mưa, rét tất yếu mía sẽ có hiện tượng trổ cờ, ruột xốp.

Về tình trạng cây mía trổ bông cờ mà chưa được thu hoạch đã được hầu hết các địa phương báo cáo và đề nghị các nhà máy đẩy mạnh tiến độ thu mua từ lâu. Theo phản ánh của người dân trồng mía và nhiều chuyên gia, cây mía trổ bông không những khiến trọng lượng và sản lượng giảm, kéo theo đó là độ đường cũng giảm. Cộng với giá mía thấp hơn những năm gần đây trong điều kiện chi phí cao, thì rõ ràng người nông dân trồng mía chẳng lãi là bao nếu như không nói là lỗ vốn. Thêm vào đó, cây mía trổ bông thì người nông dân sẽ phải trồng lại gốc. Điều này khiến chi phí làm lại mía vụ sau tăng gấp đôi, do phải thêm chi phí mua giống, thuê máy cày bừa, phân bón…

Điều mà người dân mong chờ là các nhà máy mía đường thu mua cây mía ở thời điểm nó chín, tức là lúc cây mía có độ đường cao nhất và nặng nhất. Kiểu thu hoạch hiện nay chẳng những làm người nông dân thiệt đơn thiệt kép mà còn khiến họ nghi ngờ về chữ "tín” của nhà máy mà lâu nay họ gắn bó.   

Một năm chỉ trông chờ vào mía, nhưng mía trổ bông cờ, chịu thiệt đủ đường, trong khi chi phí bỏ ra ngày càng tăng cao, nhiều hộ nông dân trồng mía ở Thanh Hóa đang nuốt nước mắt vào trong để chờ nhà máy cho thu hoạch. Với họ, cây mía ngọt đã trở thành mía đắng. Không chỉ vậy, những gì đang diễn ra trên đồng mía khiến người ta nghĩ đến một vấn đề lớn hơn, đó là liệu cây mía có còn được xem là cây trồng chủ đạo để nhiều hộ nông dân vùng núi nuôi hy vọng thoát nghèo, làm giàu ngay tại quê hương mình?
                                                                                         Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.519.037
Tổng truy cập: