KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đường đến kinh tế xanh còn nhiều thách thức
(Ngày đăng: 05/03/2014   Lượt xem: 363)

Cùng với xu thế quốc tế, Việt Nam đang bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Theo nhiều chuyên gia, đường đến với nền kinh tế xanh của Việt Nam còn nhiều thách thức từ nhận thức, nguồn lực, trình độ khoa học công nghệ…
 
Nguồn:m.icon.com.vn

Kinh tế xanh là khái niệm ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới cùng với xu hướng phát triển nền kinh tế bền vững mà rất nhiều quốc gia đang theo đuổi. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đưa ra định nghĩa, kinh tế xanh là nền kinh tế bảo đảm cải thiện đời sống con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro cho môi trường và rủi ro khan hiếm về sinh thái. Có nhiều khái niệm khác về kinh tế xanh nhưng về bản chất đều khẳng định, đây là nền kinh tế đạt được trạng thái cân bằng giữa ba yếu tố là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Mặc dù chưa đề cập chính xác đến khái niệm kinh tế xanh, nhưng nội hàm liên quan đến kinh tế xanh như kinh tế cacbon thấp, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, công nghệ xanh, việc làm xanh...  đã và đang được đề cập, triển khai trong nhiều chính sách phát triển của Nhà nước. Đặc biệt, tháng 9/2012, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 3 nhiệm vụ trọng tâm là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Hiện tại, kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đang được hoàn thiện với nhiều hành động cụ thể.

Trong một thời gian dài nền kinh tế phát triển theo hướng "nâu hóa" đã và đang để lại nhiều hệ lụy. Tại tọa đàm về kinh tế xanh cho phát triển bền vững vừa được tổ chức tại Hà Nội, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Vũ Xuân Nguyệt Hồng nhận định, kinh tế nước ta trong nhiều thập kỷ qua tăng trưởng tương đối cao nhưng thiếu bền vững; tăng trưởng dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư, cường độ sử dụng năng lượng ngày càng tăng và cao hơn mức trung bình thế giới. Cùng với đó, vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng và trở nên nhức nhối với các hiện tượng ô nhiễm công nghiệp, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu... Trong khi đó, chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng trong xã hội. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, hướng tới kinh tế xanh.

Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều khắc phục được hết những bất cập của nền kinh tế tích tụ nhiều năm qua. Kinh tế xanh hay tăng trưởng xanh là những khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần phải có được sự nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức về kinh tế xanh đối với bộ máy lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Phải làm sao để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được lợi ích to lớn của việc hướng đến nền kinh tế xanh, đường đi cụ thể của quá trình này. Song song với đó, các văn bản pháp luật liên quan cũng cần nhất quán theo quan điểm tăng trưởng xanh/kinh tế xanh, kiên quyết đoạn tuyệt với nền kinh tế nâu.

Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các bon thấp, tăng trưởng xanh, giải quyết vấn đề sinh kế gắn với phục hồi môi trường sinh thái… Tuy nhiên, theo Phó viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Thế Chinh, hiện phần lớn công nghệ trong các doanh nghiệp của Việt Nam là công nghệ thế hệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi hướng phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn và sự trợ giúp về vốn và công nghệ của các nước đã có nền kinh tế xanh bền vững. Rõ ràng, chìa khóa của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là công nghệ lại đang là thách thức lớn của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trong quá trình hướng đến phát triển bền vững.


Đặc biệt, hiện hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là thuộc diện doanh nghiệp nhỏ và vừa với các điểm yếu về vốn và công nghệ. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm cộng với nguồn lực của các doanh nghiệp còn nhỏ, việc chuyển đổi và bắt nhịp với tăng trưởng xanh, kinh tế xanh với nhiều doanh nghiệp sẽ là vô cùng khó khăn. Điều này đòi hỏi chủ trương tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh cần sớm phải hiện thực hóa bằng các quy định và các chính sách hỗ trợ cụ thể, đủ mạnh để doanh nghiệp tự tin chuyển đổi cách thức tăng trưởng.

Để phát triển kinh tế xanh, vai trò của hệ thống tài chính ngân hàng là không thể thiếu vì đây là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển KT-XH. Tuy nhiên, khả năng quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro trong lĩnh vực môi trường, xã hội của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhìn chung  còn yếu. Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Cát Quang Dương cho biết, hiện vẫn có nhiều ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề quản lý rủi ro môi trường xã hội, còn coi trọng mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua hoặc xem nhẹ công tác quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, đặc biệt trong hoạt động cấp tín dụng. Điều này khiến cho nguồn lực tài chính vốn đã nhỏ, có nguy cơ càng khó tiếp cận trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Điều này đòi hỏi NHNN cần ban hành hướng dẫn và bộ công cụ để đánh giá rủi ro môi trường, xã hội để các tổ chức tín dụng áp dụng. Rõ ràng, nền kinh tế xanh hướng đến tăng trưởng bền vững còn nhiều rào cản cần phải khắc phục.

                                                                                                                            Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.519.076
Tổng truy cập: