KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013: Kinh tế trong tổng thể các vấn đề xã hội
(Ngày đăng: 19/02/2014   Lượt xem: 355)
Trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, các vấn đề kinh tế được gắn kết chặt chẽ với các vấn đề của xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế khoa học, công nghệ và môi trường.

Quản lí nguồn lực đất đai

Trong lịch sử loài người, đất đai luôn là tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, đặc biệt là đối với sản xuất nông – lâm nghiệp. Trong xã hội hiện đại, đất đai dần trở thành nguồn lực hàng đầu để phát triển kinh tế, giá trị của đất đai ngày càng được gia tăng mạnh mẽ hơn. Chế độ sở hữu, quản lí và sử dụng đất đai trở thành một trong những vấn đề kinh tế quan trọng, được nhân dân đặc biệt quan tâm trong Hiến pháp.

Hiến pháp mới vẫn nhất quán với quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí. Điều này là hợp lí, bởi đất đai không chỉ là tài nguyên, là nguồn lực và là tư liệu sản xuất quan trọng, mà còn gắn với lãnh thổ quốc gia. Ở Việt Nam, một nguyên tắc được Hiến định là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ. Do vậy, tài sản chung của cả nước, đất đai, đương nhiên phải thuộc sở hữu toàn dân, do nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, Hiến pháp mới đã có bổ sung quan trọng: “Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”. Như vậy, quyền sử dụng đất đã được ghi trong Hiến pháp như một dạng tài sản. Do đó, người nắm quyền sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê, để lại thừa kế, góp vốn kinh doanh. Những quyền này trong thực tế đã được ghi trong các văn bản có giá trị pháp lí thấp hơn Hiến pháp. Đây là lần đầu tiên, quyền sử dụng đất, việc bảo hộ quyền sử dụng đất và việc chuyển quyền sử dụng đất được Hiến định rõ ràng.

Một vấn đề khác cũng được Hiến pháp bổ sung là việc thu hồi đất. Đây là lĩnh vực làm nảy sinh nhiều khiếu kiện nhất, đặc biệt là khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Hiến định vấn đề này sẽ làm giảm sự tùy tiện trong việc thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân. Hiến pháp quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy, chỉ những dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn với lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mới được Nhà nước đứng ra thu hồi đất. Các dự án phát triển kinh tế – xã hội khác, chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận với chủ quyền sử dụng đất để nhận chuyển nhượng hoặc thuê lại quyền sử dụng đất.

Trong xã hội hiện đại, đất đai dần trở thành nguồn lực hàng đầu để phát triển kinh tế, giá trị của đất đai ngày càng gia tăng mạnh mẽ.  Ảnh IT

Trong xã hội hiện đại, đất đai dần trở thành nguồn lực hàng đầu để phát triển kinh tế, giá trị của đất đai ngày càng gia tăng mạnh mẽ.              Ảnh IT

Hiến pháp mới cũng bổ sung quy định về trưng dụng đất: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”. Theo đó, trong những trường hợp thật cần thiết do luật định, Nhà nước có thể ra một quyết định hành chính để sử dụng quyền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Khi Nhà nước thực hiện xong nhiệm vụ hoặc khi hết thời hạn trưng dụng, người có quyền sử dụng đất lại tiếp tục thực hiện quyền sử dụng đất của mình.

Bảo vệ môi trường được nhấn mạnh

Vấn đề bảo vệ môi trường đã được đặt ra trong Hiến pháp năm 1992, nhưng lại được bổ sung, phát triển hơn trong Hiến pháp mới. Môi trường cũng được bổ sung trong tên của cả chương, điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần cùng thế giới giữ gìn, bảo vệ môi trường sống của loài người, tạo nền tảng pháp lí vững chắc hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững hơn.

Hiến pháp bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Theo đó, “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lí, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trước đó, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định trách nhiệm này thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân: “Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường”. Hiến định trong chế định bảo vệ môi trường là “Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”, là tiền đề quan trọng để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào việc bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phát triển các dạng năng lượng tái tạo.

Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “nghiêm cấm mọi hành vi làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”. Hiến pháp mới đã quy định cả việc xử lí và nghĩa vụ bồi thường: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lí nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”. Điều này thể hiện thái độ nghiêm khắc hơn của Đảng và Nhà nước ta với các hành vi phá hoại môi trường, hệ sinh thái.

                                                                                            Theo: nguoicaotuoi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.499.591
Tổng truy cập: