KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Năm của phát triển bền vững
(Ngày đăng: 11/02/2014   Lượt xem: 331)

Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ khi Chính phủ cam kết điều hành nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Không chỉ là “định hướng”, quan điểm này đã được thể hiện qua những quyết sách rất cụ thể, với quyết tâm“chữa bệnh” cho nền kinh tế, đưa công cuộc tái cơ cấu tiến thêm một bước thực chất hơn, cho dù phải chấp nhận giảm phần nào tốc độ tăng trưởng.

Ổn định thị trường tiền tệ là một trong những điều kiện thúc đẩy nền kinh tế. Ảnh: Trần Việt

“Chữa bệnh” cho nền kinh tế

Không cần có nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô cũng có thể thấy rằng đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững mà lại không làm tăng lạm phát, nợ công... là một việc rất khó khăn, thậm chí phải có nhiều quyết định dũng cảm, thừa nhận để rồi xóa bỏ những thất thoát, yếu kém ra khỏi nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: “Dù công cuộc tái cơ cấu đã được khởi động, nhưng các thị trường chính yếu như thị trường lao động, thị trường vốn hay đất đai, tài nguyên vừa qua chưa có nhân tố gì mới khả dĩ kích hoạt mạnh mẽ thị trường. Những cải cách theo hướng tạo ra dư địa cho thị trường vận hành tốt hơn gần như chưa thấy rõ”.

Vẫn theo TS. Nguyễn Đình Cung, những can thiệp hành chính gần như vẫn giữ nguyên, vì vai trò chức năng của Nhà nước chưa thay đổi, công cụ quản lý cũng chưa thay đổi.

Đặc biệt chú trọng đến công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong đó một nhiệm vụ “lõi” là cổ phần hóa, TS. Cung khuyến cáo rằng, nếu không tính toán đầy đủ chi phí cơ hội vào đấy thì tiến trình cổ phần hóa sẽ vẫn tắc. Theo ông, việc bán cổ phần DNNN cũng giống như tất cả các loại hàng hóa khác, không nhất thiết bán cho ai cũng phải theo cùng một giá. Bán lỗ, nhưng có cơ hội đầu tư vào cái khác tốt hơn hoặc cắt lỗ thì phải bán. Thậm chí cả với doanh nghiệp đang lãi, nếu cần vốn đầu tư vào cái khác để đạt được những mục đích quan trọng khác thì cũng vẫn nên làm.

Tại hội thảo về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam năm 2014, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Deepak Mishra nhận xét, ông rất hiểu “DNNN là con đẻ của Nhà nước” nên dù có yếu kém, thua lỗ thì cũng khó lòng mà buông bỏ ngay được.

Tuy thế, chuyên gia này cảnh báo, những can thiệp phi thị trường kiểu như cho phép tăng giá một số mặt hàng hoặc dịch vụ độc quyền; bơm thêm vốn, làm sạch sổ nợ (bằng cách giao cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) “ôm” nợ xấu vào)... đều có nguy cơ làm méo mó kinh tế thị trường, tăng gánh nặng lên xã hội và tiếp tục tạo ra nguy cơ về tham nhũng, thất thoát.

Dẫu vậy, ông Deepak Mishra ghi nhận, Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ đề cập đến nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN với tinh thần khá quyết liệt. Đã có những áp lực hành chính rất mạnh, được lượng hóa để buộc các vị lãnh đạo DNNN nỗ lực tái cơ cấu, nếu không muốn bị mất chức hoặc chịu kỷ luật.

Cả guồng máy cùng chuyển động

Mặc dù vậy, theo ông Mishra, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ chỉ có thể hiện thực hóa nhanh chóng khi cơ chế trách nhiệm cùng được đặt ra cho toàn bộ guồng máy hành chính, bao gồm tất cả các bộ ngành, địa phương.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị: “Những cơ quan có trách nhiệm đề ra chính sách cũng phải chịu sức ép đổi mới mạnh mẽ tương tự như với lãnh đạo các DN. Tôi được biết có bộ, như Bộ Tài chính, một năm phải ban hành đến hàng trăm thông tư, thông tư liên tịch để xử lý hàng loạt vấn đề cụ thể của doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu. Nếu các bộ vẫn có thể chậm rãi được thì tiến trình này chưa thể chuyển động mạnh mẽ”.

Nhận thức rõ những khó khăn còn rất lớn, song TS. Cung và các ý kiến khác đều cho rằng, nếu như những khống chế hành chính không tuân theo quy luật khách quan của thị trường được chính thức bãi bỏ; nếu như những đạo luật rất căn bản như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước được hoàn thiện; kỷ luật ngân sách được thắt chặt; nếu như các chính sách của chúng ta minh bạch và có lộ trình thực hiện rõ ràng, hợp lý (chứ không giật cục) thì hoàn toàn có thể lạc quan về một năm “Mã đáo thành công”.

Nói như TS. Nguyễn Đình Cung, hy vọng chú Ngựa Giáp Ngọ sẽ không phi quá nhanh, nhưng dẻo dai giữ tốc độ suốt chặng đường dài và về đích một cách ung dung.

6 nhiệm vụ trọng tâm trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

1- Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường; 2- Điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát mục tiêu. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá; 3- Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường; 4- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; 5- Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; 6. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Đặc biệt với giải pháp “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường”, Thủ tướng cho rằng: Phải hết sức coi trọng các giải pháp tạo cầu, trên cơ sở tạo cầu mà khơi thông nguồn cung, hướng ưu tiên của chính sách tài khóa, tiền tệ vào các đối tượng, lĩnh vực có mức tăng cầu lớn. Đó là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nhà ở xã hội, ký túc xá… Đây cũng là một giải pháp để cải thiện đời sống nhân dân và các đối tượng còn nhiều khó khăn.

Trong hạn mức bội chi ngân sách được phê duyệt, phải tìm các nguồn lực để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường; sớm công bố các biện pháp về thuế để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng nguồn cung tín dụng với thời gian dài hơn và lãi suất thấp hơn cho người mua nhà để ở nhằm giảm tồn kho bất động sản. Hỗ trợ thích hợp, kể cả khoanh nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời. Ban hành cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kiên quyết ngăn chặn nạn buôn lậu, nhập khẩu các mặt hàng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh, an toàn, phòng dịch.

Cần nhấn mạnh rằng, các giải pháp chính sách tuy rất quan trọng nhưng cũng chỉ có tác động hỗ trợ, sự chủ động của các doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp phải biết biến khó khăn thành cơ hội đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần. Phải triệt để tiết giảm chi phí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, hạ giá bán để giảm nhanh tồn kho, tích cực triển khai các giải pháp mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

                                                                                             Theo: baohaiquan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.519.618
Tổng truy cập: