KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
2014 - năm của những cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển
(Ngày đăng: 22/01/2014   Lượt xem: 325)
Việc kinh tế thế giới và trong nước phục hồi trong các tháng cuối năm đã mở ra hy vọng về một năm 2014 sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Đây là cơ hội dành cho tất cả doanh nghiệp nếu nêu cao phương châm chủ động, sẵn sàng hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực và thế giới.

Khó khăn có lẽ là từ khóa được nhiều chủ doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất tại các hội thảo, hội nghị về kinh tế tổ chức trong thời gian qua. Số liệu tổng kết của cơ quan chức năng về tình hình doanh nghiệp nước ta cho thấy, trong năm 2013, cả nước có khoảng 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm 2012. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm nay, tuy tăng về số lượng nhưng quy mô giảm, đạt 76.955 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập năm 2013 giảm so với năm 2012, từ 6,68 tỷ đồng xuống còn 5,18 tỷ đồng. Nếu quy về mặt bằng giá năm 2012 thì quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2013 chỉ khoảng 4,18 tỷ đồng.

 Đây là thực tế khó tránh khỏi khi mà ngay từ năm 2011, xu hướng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất đã được nhắc đến. Và 2 năm sau, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, nếu không là có thêm nhiều biến động. Chẳng thế mà, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh đã phải tiêu cả tiền dự trữ để có thể cầm cự được. Tất nhiên, vẫn có những điểm sáng trong cộng đồng doanh nghiệp khi tận dụng được một số thuận lợi khách quan, nhưng ngay cả ở các đơn vị này thì cũng khó đạt được thành tích tốt như những năm trước khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu và suy thoái kinh tế thế giới.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ được Chính phủ đưa ra trong thời gian qua chưa đến được với nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, hoặc nếu tiếp cận được thì cũng phải trải qua nhiều thủ tục phiền hà, gây tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Và trong những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải, cần thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân do không ít doanh nghiệp đổ xô vào đầu tư ngoài ngành, ngoài lĩnh vực đăng ký hoạt động như bất động sản, chứng khoán... trước khi rơi vào tình trạng khó khăn hiện nay. Cùng với đó là những khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi giá không tăng, lợi nhuận ngày càng teo tóp, nợ xấu tăng lên. Một số doanh nghiệp còn yếu kém về năng lực tài chính, năng lực sáng tạo cũng như năng lực điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Vì sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn hơn nên không hẹn mà gặp nhiều doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn về tương lai của mình trong năm 2014. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có thể đặt niềm tin vào năm mới khi kinh tế trong nước và thế giới đang có tín hiệu phục hồi tích cực. Kinh tế thế giới đang phục hồi và hứa hẹn sẽ có mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2014. Ở trong nước, ngay những tháng cuối năm 2013 đã có một luồng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước ta nhờ sự phục hồi này. Không chỉ là những thuận lợi từ bên ngoài, việc QH quyết định tăng bội chi ngân sách trong năm 2013, 2014 và phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, trong khi tiếp tục đặt mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Về nguyên tắc, việc tăng cung tiền ra thị trường sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, góp phần tháo gỡ bài toán hàng tồn kho. Và kinh tế vĩ mô được giữ ổn định cũng sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm thực hiện các kế hoạch dài hơi.   

Nhìn tổng quan nền kinh tế cho thấy, năm 2014 hứa hẹn có nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nhưng điều này không có nghĩa chọn hướng đi thế nào cũng sẽ thắng lợi. Trước hết, doanh nghiệp cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu, các cơ hội và thách thức sẽ đến trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung vào những sản phẩm, dịch vụ mạnh nhất, không phân tán lực lượng đầu tư ra nhiều ngành như thời gian qua. Chú trọng tái cấu trúc tài chính: cắt giảm chi phí tối đa; thương lượng tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Đặc biệt, cần không ngừng cập nhật kiến thức, có sự chuẩn bị tốt hơn về năng lực quản trị kinh doanh để có thể nắm bắt kịp thời các cơ hội mới của năm 2014. 

Bên cạnh việc cơ cấu lại doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên chú ý đến các lĩnh vực có nhu cầu lớn trên thế giới hiện nay như: y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, công nghệ môi trường (xử lý nước thải, lọc khói bụi, tái chế phế liệu...), chế biến nông, hải sản. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu các thị trường mới, hoặc tìm kiếm các đối tác là chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở nước ta để liên kết sản xuất, kinh doanh. Theo Ts Đào Ngọc Tiến, Giảng viên thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nêu cao phương châm chủ động, sẵn sàng, quyết tâm, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực và thế giới.

                                                                                          Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.516.017
Tổng truy cập: