KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Xuất khẩu tiếp tục là động lực của nền kinh tế
(Ngày đăng: 21/01/2014   Lượt xem: 340)

Năm 2014, nền kinh tế vẫn đối mặt một số khó khăn, tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh sức vươn rất ấn tượng của hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp diễn, thậm chí còn ở mức mạnh hơn và thật sự đóng vai trò quan trọng, là động lực cũng như bù đắp cho một vài lĩnh vực còn yếu của nền kinh tế…

Mới đây, một số tổ chức kinh tế quốc tế đã đưa ra nhận định năm 2014 sẽ là một năm thành công về xuất khẩu của Việt Nam nhờ tình hình kinh tế ở một số địa bàn quan trọng đang phục hồi khá mạnh, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng tới 20%, tức là mức rất cao so với mức 15,4% đã đạt được trong năm 2013 vừa qua. Đặc biệt, việc tăng mạnh về xuất khẩu sẽ hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại, nhất là tạo ra sự hấp dẫn để tăng trưởng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư trong việc xác định, thực hiện "vòng tròn" chiến lược là chuỗi đầu tư vốn để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
 
Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh tại nhà máy của Công ty TNHH Thông Thuận.	Ảnh: Danh Lam
Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh tại nhà máy của Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Danh Lam

Đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế mở và ngày càng hội nhập sâu rộng đời sống kinh tế quốc tế. Thực chất, nền kinh tế đang được đánh giá là có mô hình và vận hành theo định hướng về xuất khẩu. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, với dấu ấn khá ấn tượng đối với một số mặt hàng như hồ tiêu, dệt may, gạo, gần đây là điện thoại và linh kiện. Hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện tử - máy tính - linh kiện và dệt may - giày dép (chiếm tổng tỷ trọng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) vẫn có triển vọng tăng trưởng rất khả quan, bởi nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may, giày dép đã nhận được đơn đặt hàng đến quý II-2014. Các mặt hàng khác nếu không có đột biến vẫn có triển vọng khả quan và giữ được tốc độ tăng trưởng trong năm 2014 như mặt hàng nhựa sẽ tăng khoảng 13-16%, đồ gỗ tăng 15-17%... đặc biệt là điện thoại tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt đang tận dụng khá tốt nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng có chất lượng và mức độ công nghệ trung bình để thâm nhập, lấn sang một số thị trường giàu tiềm năng như Nga, các nước Đông Âu và Châu Phi hoặc Nam Mỹ nhờ sự phù hợp về yêu cầu kỹ thuật cũng như giá cả "mềm" hơn so với hàng xuất sang khu vực EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Một số mặt hàng có tiềm năng và thế mạnh để tham gia gồm thủy sản, dệt may, điện tử gia dụng vì có cơ hội phát huy lợi thế nhân công rẻ, sự sẵn sàng về nguồn nguyên, vật liệu trong nước. Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn xác định sẽ theo sát thị trường, áp dụng các biện pháp hỗ trợ kịp thời để nâng sức DN và kiên trì định hướng lâu dài là gia tăng tỷ trọng hàng đã qua chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ngoài ra, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam do một loạt hiệp định hợp tác sắp được ký kết, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU)... Song, thực tiễn hoạt động xuất khẩu có thể ẩn chứa những bất lợi, thay đổi bất ngờ hoặc diễn biến phức tạp. Vì vậy, cộng đồng DN luôn trông đợi Chính phủ, cơ quan hữu quan có sự hỗ trợ, cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc thực hiện rà soát chính sách, cung cấp thông tin, xây dựng và bảo vệ thương hiệu; nhất là mong muốn các hiệp hội ngành hàng làm tốt công tác tư vấn, bảo vệ DN "nội" trong việc phòng chống kiện chống bán phá giá kết hợp việc cung cấp thông tin dự báo xu hướng tiêu dùng và giá bán hàng trên thị trường quốc tế để loại bỏ những yếu tố bất lợi. Ngay từ thời điểm hiện tại, các chuyên gia đã cảnh báo việc xuất khẩu gạo trong vài tháng tới có thể sẽ không suôn sẻ do sự cạnh tranh quyết liệt, chủ yếu là do sản lượng thu hoạch gia tăng tại nhiều nước và áp lực hạ giá bán từ các DN xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ, Thái Lan.
                                                                                              Theo: hanoimoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.516.494
Tổng truy cập: