KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tăng sức cạnh tranh cho Muối Bà Rịa
(Ngày đăng: 14/11/2013   Lượt xem: 505)
Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa tổ chức lễ công bố nhãn hiệu “Muối Bà Rịa” cho sản phẩm muối của địa phương này.  Đây là một tin vui lớn cho diêm dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi vì từ nay, hạt muối của diêm dân đã có tên riêng, có thương hiệu, có đủ năng lực để sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm muối ở các địa phương khác.

Theo Ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), thì việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu muối Bà Rịa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá sản phẩm đến rộng rãi người tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng nắm rõ để nhận biết thương hiệu muối, bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại có hiệu quả.

Đất của muối, chưa sống được bằng muối!

Thời tiết thuận lợi, nắng gió nhiều, độ mặn nước biển cao hơn các tỉnh, thành khác, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nghề sản xuất muối lâu đời (khoảng 160 năm). Đây được xem là nghề truyền thống của diêm dân xã An Ngãi, thị trấn Long Điền (huyện Long Điền), xã Long Sơn và phường 12 (TP.Vũng Tàu), với diện tích lên đến 1.100ha, sản lượng 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất vẫn là ở huyện Long Điền với 400ha ruộng muối, trong đó, riêng xã An Ngãi có tới gần 200 hộ làm muối, diện tích lên tới 370ha.

Có thể thấy, nghề muối đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống cho diêm dân tại địa phương này. Bên cạnh đó, nhờ có những điều kiện thuận lợi về hệ thống đường giao thông hoàn chỉnh, nên việc tiêu thụ muối của diêm dân trong tỉnh gặp khá nhiều thuận lợi. Hiện nay, 45% sản lượng muối của Bà Rịa - Vũng Tàu được tiêu thụ tại Phú Quốc (Kiên Giang), chủ yếu để sản xuất nước mắm. Theo đánh giá của các cơ sở sản xuất nước mắm tại đây, họ sử dụng muối Bà Rịa - Vũng Tàu, vì muối ở đây được sản xuất theo phương pháp truyền thống nên tạo ra sự khác biệt về chất lượng của nước mắm, nước mắm thơm hơn, màu trong, độ đạm cao, độ kết dính cao hơn so với muối các tỉnh, thành khác.

Tuy có được nhiều điều kiện thuận lợi, và chất lượng muối khá hơn so với các vùng khác, song giá muối  Bà Rịa vẫn không cao do trong khâu sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được dòng muối sạch hoàn toàn. Vài ba năm trở lại đây, giá muối giảm, sức tiêu thụ chậm nên đời sống của diêm dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do sản phẩm muối chưa có bao bì, nhãn mác riêng nên nhiều thương lái thu gom muối Bà Rịa - Vũng Tàu rồi trộn với các loại muối khác để tiêu thụ tại thị trường Phú Quốc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, uy tín và thu nhập của diêm dân Bà Rịa

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều diêm dân đã đầu tư sản xuất muối sạch theo phương pháp trải bạt. Chất lượng đã có nhiều cải thiện và tốt hơn trước, tuy nhiên  do chưa có nhãn hiệu nên hạt muối của Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có giá bán thấp hơn so với các địa phương khác. Với việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đã gieo thêm niềm tin, từ nay hạt muối của tỉnh sẽ được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, góp phần bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại có hiệu quả.
 

Cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận nhãn hiệu muối Bà Rịa cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận nhãn hiệu muối Bà Rịa cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Không thương hiệu, không thể cạnh tranh

Ông Nguyễn Anh Quốc, Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu) cho biết, từ lâu, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản, hạt điều nhân, rau quả… có bao bì, nhãn hiệu khá bắt mắt. Tuy nhiên, còn khá nhiều các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh không có bao bì, nhãn mác. Trong khi đó, nông dân rất mong có nhãn hiệu riêng được bảo hộ để có thể kiểm soát giá cả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cũng như quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng.

Vì thế, việc từng bước xây dựng được thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, và mới đây là muối Bà Rịa, là những tiền đề lớn để cho các địa phương này phát triển. Tuy đã có thương hiệu, song để bảo đảm sự ổn định đầu ra và chất lượng cho các mặt hàng nông sản, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng.

Cũng giống như các mặt hàng nông sản khác, để muối Bà Rịa phát triển bền vững sau khi có thương hiệu, trước hết ngành nông nghiệp tỉnh cần nhanh chóng quy hoạch lại sản xuất, giúp diêm dân giảm chi phí, tăng sản lượng; tăng khả năng liên kết giữa các diêm dân thông qua việc thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã; hỗ trợ diêm dân nâng cấp cải tạo đồng muối, đặc biệt là tạo ra hạt muối trắng đạt chất lượng cao; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, đầu tư xây dựng các kho dự trữ muối; tạo điều kiện cho diêm dân tham gia học tập kinh nghiệm, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hiện tại, muối Bà Rịa đã được lên quy hoạch các vùng sản xuất, tập trung gắn với việc đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất để giữ gìn và phát triển thương hiệu muối Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mới đây, phát biểu ở hội thảo "Thúc đẩy tiêu thụ nông sản" do Sở NN&PTNT tổ chức, tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, thương hiệu muốn phát triển được một cách bền vững cần xây dựng được một chiến lược tổng thể với những hành động cụ thể, có sự phối hợp của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và sự hỗ trợ của Nhà nước. Phải tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, có quy mô ổn định, từ đó chúng ta mới quảng bá được sản phẩm, chuyển tải những thông điệp tốt nhất về sản phẩm của mình tới khách hàng. Cần tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hoá nông sản có chất lượng cao, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần có định hướng chiến lược, chú trọng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Muối Bà Rịa muốn tiếp tục phát triển, giữ gìn thương hiệu, tăng sức cạnh tranh cũng cần được đầu tư chú trọng vào những vấn đề trên.
                                                                                                 Theo: Datviet
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.518.784
Tổng truy cập: