KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Phát triển kinh tế nhờ liên kết
(Ngày đăng: 12/11/2013   Lượt xem: 480)

Người dân Trà Quế ngoài việc trồng rau sạch để phục vụ các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối và các siêu thị với doanh thu hàng tỷ đồng/năm còn tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động du lịch.

Cũng phát triển theo mô hình và xu hướng tương tự, nhiều làng nghề đã được hồi sinh và trở thành địa chỉ đỏ trong tour du lịch, không những duy trì được hoạt động, tạo việc làm cho người lao động mà còn mang lại nguồn thu lớn.

Với diện tích 40 ha trồng rau, Trà Quế là địa phương phát triển thành công mô hình kinh tế làng xã. Rau Trà Quế đã có tiếng trên thị trường khu vực, trở thành một nghề chính của cư dân ở đây qua nhiều thế hệ. Hiện làng rau Trà Quế có hơn 220 hộ gia đình làm nghề nông nghiệp, chuyên trồng rau luân canh, xen canh.


Làng nghề rau Trà Quế - địa điểm du lịch hấp dẫn (Ảnh minh họa)

Mô hình phát triển kinh tế làng nghề gắn kết du lịch ở Quảng Nam trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực mà làng nghề rau Trà Quế là ví dụ. Sự phát triển có tính kế tục, khi người dân Trà Quế ngoài việc trồng rau sạch để phục vụ các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối và các siêu thị với doanh thu hàng tỷ đồng/năm còn tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động du lịch.

Tới làng Trà Quế, du khách được hướng dẫn để thực hiện vai trò như những người nông dân thực thụ. Họ được trang bị áo quần nông dân, dép lê, nón lá, được hướng dẫn cách làm ruộng, trồng rau, tưới nước, chăm bón… và được làm "người nông dân chính hiệu".

Sau đó, du khách lại được thưởng thức các món ăn chế biến từ các loại rau xanh Trà Quế và các món ăn đặc trưng của xứ Quảng do chính tay mình làm ra.

Cũng phát triển theo mô hình và xu hướng tương tự, nhiều làng nghề như lồng đèn Hội An, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng ở TP. Hội An; dệt lụa Mã Châu ở huyện Duy Xuyên; đúc đồng Phước Kiều ở huyện Điện Bàn… đã được hồi sinh và trở thành địa chỉ đỏ trong tour du lịch của các công ty lữ hành trong nước và quốc tế. Từ đây, các làng nghề không những duy trì được hoạt động, tạo việc làm cho người lao động mà còn mang lại nguồn thu lớn.

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Cả tỉnh hiện có 89 làng nghề thủ công truyền thống, trong đó 20 làng nghề, 7 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phát triển nhờ gắn với du lịch. Doanh thu hàng năm từ các làng nghề và cơ sở thủ công mỹ nghệ này gần 200 tỷ đồng, thu hút trên 100.000 lượt khách du lịch tham quan mỗi năm, trong đó 90% là khách quốc tế.

Có khoảng 2.062 hộ tham gia làm nghề tại các làng nghề truyền thống, với 4.200 lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Đa số các hộ làm nghề theo kinh nghiệm, cha truyền con nối.

Để hỗ trợ các làng nghề phát triển theo mô hình gắn kết sản xuất truyền thống với du lịch, ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay, từ nhiều nguồn vốn, địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Mặc dù nguồn thu từ du lịch còn khiêm tốn, nhưng chính sự liên kết với du lịch đã mở ra hướng đi đầy triển vọng cho các làng nghề, ông nói.

Tuy nhiên, kinh tế làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch tại Quảng Nam vẫn còn một số hạn chế. Để tiếp tục xây dựng thành công mô hình này, cần có những giải pháp bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống như quy hoạch và đầu tư nguồn vốn, xúc tiến quảng bá, nâng cao nhận thức người dân, giải quyết nhu cầu và đào tạo lao động, mẫu mã sản phẩm, quảng bá và quản lý thương hiệu...

Đặc biệt chú trọng giải pháp về cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với DN, hộ gia đình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề, hộ kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất của địa phương.

Trước yêu cầu thực tế và để giải quyết bài toán đó, mới đây Agribank Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ nguồn vốn để phát triển kinh tế làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Ngành Ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi vay vốn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đảm bảo hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề, các cơ sở nghề phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy kinh tế làng nghề gắn với du lịch.

Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa giải pháp về nguồn vốn cho phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch bền vững Quảng Nam…

                                                                                               Theo: Thời báo Ngân hàng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.518.480
Tổng truy cập: