KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tạo bứt phá cho làng nghề
(Ngày đăng: 01/11/2013   Lượt xem: 501)

Sản phẩm làng nghề đan cỏ tế ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ... Ảnh: ÐĂNG KHOA

Mỗi làng nghề, mỗi doanh nghiệp lựa chọn một sản phẩm tiêu biểu, có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao để tập trung sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Cách làm này đã mở ra hướng đi mới cho nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội.

Với những người lần đầu đến Hội chợ Quà tặng hàng Thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Gift show 2013) sẽ không khỏi ngạc nhiên. Vẫn là những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống quen thuộc của Hà Nội, nhưng lại mang mầu sắc, dáng vẻ hiện đại hơn, công năng cũng đa dạng và phù hợp thực tế hơn. Chăn ga gối, túi xách thêu ren, trang phục từ lụa tơ tằm truyền thống, nhưng họa tiết... lại rất nghệ thuật, rất "tây". Bàn ghế, hộp, tủ... vẫn bằng mây, tre, gỗ... nhưng chỉ giữ lại một chút khoảng mầu nâu thô mộc, đan xen là những gam đỏ trầm, xanh lục hiện đại.

Khi bước đến khu trưng bày sản phẩm của chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" (viết tắt bằng tiếng Anh là OVOP), người xem càng thích thú hơn với gần 200 gian hàng, 250 mẫu sản phẩm, thiết kế mới của các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề Hà Nội. Khu trưng bày đã cung cấp một hình ảnh khá đầy đủ về các dòng sản phẩm như túi, chiếu cói Nga Sơn; hàng sơn mài Chuôm Ngọ, Sơn Ðồng, Bối Khê; hàng đồ gỗ Nhân Hiền, Võ Lăng; hàng thêu Quất Ðộng, Thanh Hà, Minh Lãng; hàng dệt: Vạn Phúc, Nha Xá, Mỹ Ðức, Thái Phương; hàng kim khí Ða Sĩ... Các sản phẩm đều được các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, tư vấn thiết kế, cho nên đã có nhiều cải thiện về mẫu mã, công năng. Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, việc tổ chức khu trưng bày tạo cơ hội cho doanh nghiệp, làng nghề giao thương, tìm kiếm khách hàng hợp tác kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm OVOP. Anh Lê Văn Hưng đến từ làng tranh thêu Quất Ðộng (huyện Thường Tín) chia sẻ, mỗi lần tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm là làng nghề lại có thêm cơ hội giới thiệu những sản phẩm đặc sắc nhất của mình với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tại khu trưng bày còn có sự góp mặt của các sản phẩm đến từ một số nước đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OVOP như Nhật Bản, Thái-lan, Ấn Ðộ, Ma-lai-xi-a... Ðó là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng; đồ trang trí nội thất; sản phẩm dệt may; mỹ phẩm, dược phẩm, thảo dược... Phong trào "Mỗi làng một sản phẩm - OVOP" vốn khởi xướng từ Nhật Bản từ năm 1979, đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế nông thôn của đất nước này. Ðến nay, phong trào đã lan rộng tại 30 quốc gia, đạt nhiều thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn, nhất là gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Ðào Thu Vịnh cho biết, Hà Nội đã triển khai chương trình xúc tiến thương mại "Mỗi làng một sản phẩm - OVOP", giai đoạn 2012-2015. Trong đó, thành phố tập trung phát triển ba nhóm sản phẩm làng nghề phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu gồm: nhóm hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, gốm sứ, chạm khắc gỗ, thêu ren, sơn mài, dệt lụa...; nhóm hàng nông sản chế biến gồm bún, phở, bánh đa nem, giò, miến...; nhóm các làng nghề kết hợp du lịch gồm: thêu Thắng Lợi, sơn mài Hạ Thái, lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng...

Theo Sở Công thương thành phố, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có tới 244 làng nghề truyền thống được giữ gìn và phát triển qua nhiều thế hệ. Năm 2012, giá trị sản xuất của làng nghề Hà Nội đạt gần 500 triệu USD, gần 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm... Một số làng nghề đạt doanh số cao như làng La Phù đạt 800 tỷ đồng/năm, gốm sứ Bát Tràng đạt gần 350 tỷ đồng/năm. Hoạt động của các làng nghề đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Ðồng thời, tạo nét văn hóa đặc sắc cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, chương trình Mỗi làng một sản phẩm - OVOP vẫn còn khá mới mẻ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, làng nghề. Các chính sách hỗ trợ, chưa cụ thể, chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp, người dân làng nghề chủ yếu đang sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm đại trà chứ chưa mang tính "độc quyền", chưa tạo được sự độc đáo, chuyên biệt. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Ðỗ Như Ðính hy vọng, "Tham gia vào OVOP đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, làng nghề phải khai thác cao nhất các lợi thế cạnh tranh và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng".
                                                                                                       Theo: NhanDan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.495.282
Tổng truy cập: