KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Dệt ước mơ từ... nấm!
(Ngày đăng: 30/10/2013   Lượt xem: 390)

Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, không qua bất kỳ một khóa đào tạo nghề nghiệp nào, chỉ trong một lần tình cờ xem ti vi, cơ duyên đã đưa chị đến với nghề trồng nấm.

Vào nghề bằng số vốn "giắt lưng" vẻn vẹn 2 triệu đồng, hơn 7 năm sau, chị đã trở thành một "tỷ phú nông dân" với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Người phụ nữ ấy là chị Đào Thị Thiện - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất, Chế biến và Tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện tại thôn Quảng Hội - xã Quang Tiến - huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đại diện duy nhất của Hà Nội có tên trong danh sách 62 cá nhân được vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

 
Chị Đào Thị Thiện: Nông dân xuất sắc năm 2013.
Chị Đào Thị Thiện: Nông dân xuất sắc năm 2013.


Nén nỗi đau riêng...

Giữa bộn bề công việc, chị Thiện vẫn dành cho tôi quãng thời gian ít ỏi để trải lòng về cuộc đời đầy biến động của chị. Là con út trong một gia đình đông con ở thôn Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, hơn ai hết, chị thấm cảnh bần hàn, bấp bênh của nhà nông chốn quê nghèo ngay từ khi còn rất nhỏ. Đất đai bạc màu, cây cối cằn cỗi, người nông dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng nghèo đói vẫn bám lấy chẳng chịu rời xa. Gia đình không có nghề phụ, thu nhập từ nghề nông không đủ nuôi mấy miệng ăn, chưa hết cấp hai, chị Thiện đành bỏ học. Năm 1979, chưa tròn 18 tuổi, chị kết hôn với chàng bộ đội cùng xóm, gia đình hai bên cùng cảnh nghèo như nhau. Đám cưới đơn sơ, không của hồi môn, không cỗ tiệc linh đình làng trên, xóm dưới. Tròn nửa tháng sau ngày cưới, chồng chị vội vã nhận lệnh trở lại đơn vị, để lại quê nhà người vợ trẻ với mẹ già và đàn em nhỏ dại. Chưa qua tuổi thiếu nữ, chị đã trở thành trụ cột chính trong gia đình chồng, tảo tần sớm khuya với 7 sào ruộng và đàn gà, lợn, tảo tần thay chồng chăm mẹ, nuôi 4 người em. Nén nỗi buồn tuổi thanh xuân sống xa chồng với bao nỗi niềm chất chứa, chị dồn hết tâm sức vào việc đồng áng, chăm lo cho cuộc sống của gia đình chồng. Xóm dưới, làng trên ai ai cũng hết lời ngợi khen cô con dâu hiếu thảo. Ba năm sau, anh Sơn phục viên trong nỗi mừng vui khôn xiết của cả gia đình và người vợ trẻ. Nhưng chị chết lặng khi nhận được tin sét đánh: Trong thời gian tại ngũ, anh Sơn - chồng chị đã bị nhiễm chất độc dioxin. Thứ chất độc chết người không chỉ khiến sức khỏe anh suy kiệt mà còn cướp luôn quyền làm cha của anh. Nén nỗi đau riêng, chị động viên anh xin một đứa con cho ấm cúng cửa nhà. Năm 1983, khao khát làm mẹ của chị được thỏa nguyện khi anh chị quyết định xin một cháu gái mới 9 tháng tuổi ở Phú Thọ về nuôi, đặt tên là Trần Thị Thuận. Có con, cuộc sống của anh chị tuy vất vả hơn nhưng thêm phần ý nghĩa. Nhưng, bé Thuận càng lớn càng hay ốm yếu do căn bệnh đường ruột và bệnh vòng kiềng ngày một nặng. Suốt nửa năm trời hai vợ chồng kẽo kẹt chở nhau trên chiếc xe đạp cũ, đưa con đi chữa bệnh khắp nơi, tiền bạc cũng theo đó lần lượt đội nón ra khỏi nhà. Tình yêu thương của anh chị như chắp đôi cánh cho con, bệnh tình của bé Thuận dần đi vào ổn định cũng là lúc anh chị quyết tâm đón thêm một bé trai 6 tuổi ở Sóc Sơn về với gia đình. Dẫu bộn bề khó khăn nhưng tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ trong ngôi nhà nhỏ khiến chị như tìm thấy mục đích sống từ những điều giản dị. Các con càng khôn lớn, gánh nặng trên vai chị Thiện càng trĩu nặng. Những nỗ lực trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống gia đình của chị chỉ như muối bỏ bể, kinh tế gia đình mỗi lúc một bấp bênh, khốn khó. Nhìn các con ăn không đủ no, sách không đủ học, tim người mẹ nghèo như quặn thắt...

Cơ duyên với nghề trồng nấm...

Một lần tình cờ xem chương trình truyền hình về nông nghiệp trên ti vi, thấy giới thiệu về mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, chị Thiện như "chết đuối vớ được cọc". "Thấy người ta hái nấm mà thèm lắm. Hơn nữa, nghe giới thiệu thấy kỹ thuật trồng nấm không quá khó, nên tôi tự nhủ nếu họ làm được thì mình cũng sẽ làm được..." - chị Thiện tâm sự. Nghĩ là làm. Dốc toàn bộ số tiền 2 triệu đồng tiết kiệm trong gia đình, chị Thiện bàn với chồng vay thêm 8 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT để làm vốn. Tiếp đó, chị không ngại xa xôi, đạp xe đến tận Trung tâm Công nghệ sinh học và thực vật (thuộc Viện Di truyền nông nghiệp) ở trung tâm Hà Nội để nhờ giúp đỡ về kỹ thuật và mua sách dạy về kỹ thuật trồng nấm về tự mày mò, nghiên cứu. Ngày 15-4-2006, chị bắt tay vào trồng lứa nấm đầu tiên. Ba loại nấm được chị chọn trồng khi khởi nghiệp là nấm rơm, nấm mỡ và nấm sò. Trời không phụ lòng người phụ nữ đôn hậu và bản lĩnh, sau 6 tháng trồng nấm, ngay mùa thu hoạch đầu tiên, chị lãi 40 triệu đồng. Thành công ban đầu khiến chị thêm niềm tin và quyết tâm gắn bó với nghề trồng nấm. Chị bàn với chồng tiếp tục vay tiền để mở rộng quy mô sản xuất nấm. Cứ mỗi năm, diện tích trồng nấm của gia đình chị lại tăng nhanh, từ 250m2, 400m2, 650m2... Thấy trồng nấm cho thu nhập tốt, tháng 7-2010, chị Thiện mạnh dạn tập hợp thêm 9 chị em trong làng đứng ra thành lập HTX Sản xuất, Chế biến và Tiêu thụ sản phẩm nấm Sáng Thiện với số vốn pháp định 1,5 tỷ đồng. Chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông để sản xuất nấm, HTX Sáng Thiện đã xây dựng được 24 lán trại trên diện tích 5.300m2, mỗi năm cho thu hoạch từ 75 - 77 tấn nấm tươi, thu lãi từ 800 - 850 triệu đồng. Từ chỗ chỉ cung cấp nấm cho các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Sóc Sơn, sản phẩm nấm tươi của HTX Sáng Thiện đã trở thành mặt hàng bán chạy tại Đông Anh, Thái Nguyên và hệ thống chợ, siêu thị lớn tại trung tâm Hà Nội. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho 15 xã viên, HTX Sáng Thiện do chị làm chủ nhiệm còn góp phần tăng thu nhập cho khoảng 60 lao động thời vụ. Năm 2011, sau khi kiểm tra mô hình hoạt động của HTX Sáng Thiện, lần đầu tiên chị Thiện được Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật cho tham dự một khóa học ngắn hạn về kỹ thuật trồng mộc nhĩ và nấm Linh Chi dược liệu. Tin vui được trao giải "Nông dân xuất sắc nhất năm 2013" đến với chị khi chị vừa kết thúc khóa học lớp vi tính văn phòng với mong muốn từng bước hiện đại hóa quy trình trồng, sản xuất và tiêu thụ nấm.

Đi lên từ nghèo khó nên chị Thiện luôn thấu hiểu và chia sẻ với người nghèo. Năm nào cũng vậy, anh chị thường xuyên trích 20 triệu đồng để ủng hộ quỹ từ thiện và đồng bào lũ lụt, các cháu bị tàn tật, trẻ nhiễm chất độc màu da cam... Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, chị Thiện còn nhiệt tình chuyển giao công nghệ trồng nấm cho hàng trăm hộ gia đình ở Sóc Sơn và các tỉnh lân cận, giúp nhiều hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để...
                                                                                                                 Theo: HNM
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.495.164
Tổng truy cập: