KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đẩy mạnh phong trào mỗi làng một sản phẩm (OVOP)- Tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề
(Ngày đăng: 30/10/2013   Lượt xem: 969)
Điểm nhấn tại Hội chợ Quà tặng hàng Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2013 (Hanoi Gift Show 2013) diễn ra từ ngày 26 - 29/10/2013 là khu trưng bày sản phẩm chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Hà Nội và các nước có phong trào OVOP phát triển. Đây thực sự là cơ hội giao thương đẩy mạnh phong trào OVOP, góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh- Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội (trái) tìm hiểu sản phẩm OVOP của Malaysia tại hội chợ

Bà Nguyễn Thị Mai Anh- Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội (trái) tìm hiểu sản phẩm OVOP của Malaysia tại hội chợ

CôngThương - OVOP “Mỗi làng một sản phẩm - One Village One Product” là một chương trình xúc tiến thương mại của UBND TP.Hà Nội hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp (DN) lựa chọn một sản phẩm tiêu biểu có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao để sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Tại Hanoi Gift Show 2013 tổ chức ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ Hà Nội, Ban tổ chức đã tổ chức một khu triển lãm, trưng bày sản phẩm mẫu “Mỗi làng một sản phẩm” - OVOP Hà Nội và các nước đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu OVOP trong khu vực và trên thế giới như: Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Ấn Độ… Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội, việc tổ chức khu trưng bày sản phẩm OVOP nhằm tạo cơ hội cho DN, làng nghề tham gia chương trình OVOP mở rộng cơ hội giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm OVOP. Hoạt động này cũng góp phần giúp DN, làng nghề thay đổi nhận thức, tư duy về vai trò, lợi ích của việc tham gia OVOP, từ đó đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm; tạo tiền đề vững chắc xây dựng thương hiệu OVOP Việt Nam; tiến tới từng bước tổ chức hội chợ OVOP Hà Nội chuyên biệt vào năm 2015.

Khu trưng bày sản phẩm OVOP tại Hanoi Gift Show 2013 gồm 192 gian hàng, với 250 mẫu sản phẩm, thiết kế mới của các DN, nghệ nhân Hà Nội tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2013. Tại đây còn có các sản phẩm mẫu của chương trình OVOP được chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế, các nhóm mặt hàng làng nghề tiêu biểu, các nhóm hàng có tiềm năng trong phát triển du lịch… Khu triển lãm cung cấp cho khách tham quan bức tranh toàn cảnh về các dòng sản phẩm: Hàng mây tre đan, lá: Phú Vinh, Chương Mỹ; hàng cói: Túi, chiếu đậu Nga Sơn; hàng sơn mài Chuyên Ngọ, Sơn Đồng, Bối Khê; hàng đồ gỗ: Chạm khắc gỗ Nhân Hiền, Võ Lăng; hàng thêu Quất Động, Thanh Hà, Minh Lãng; hàng dệt: Vạn Phúc, Nha Xá, Mỹ Đức, Thái Phương; hàng kim khí Đa Sỹ; sản phẩm thủ công từ sừng, vỏ ốc, đá, giấy; sản phẩm thời trang lụa và du lịch làng nghề…

Nguyễn Thị Mai Anh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội:

Nhằm hỗ trợ DN và làng nghề tham gia chương trình OVOP, Hà Nội sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn OVOP phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng làng nghề, từng DN, từ đó nâng cấp sản phẩm cổ truyền, sáng tạo các mẫu sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tiến tới sẽ tổ chức Hội chợ OVOP Hà Nội chuyên biệt vào năm 2015.

Bên cạnh đó, khu triển lãm OVOP đồng bằng Bắc bộ trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản chế biến, hàng gia vị… mang nét đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ: sản phẩm hàng thêu (Thái Bình); cói (Ninh Bình); hàng kim khí của Thái Bình, Nam Định. Khu triển lãm OVOP miền núi phía Bắc trưng bày các sản phẩm thủ công, nông sản tiêu biểu như: Chè (Tân Cương, Tủa Chùa, Tà Xùa…), cà phê, rượu cần, rượu ngô, rượu táo mèo, mật ong bạc hà Mèo Vạc; hàng thổ cẩm của Hòa Bình, Sapa…

Cùng với đó là khu triển lãm Không gian gốm Việt, với 16 dòng gốm tiêu biểu của cả nước. Với mục đích tôn vinh sản phẩm gốm sứ truyền thống của Hà Nội nói riêng và một số dòng gốm đặc trưng tiêu biểu của một số tỉnh trên cả nước, với các sản phẩm và hình ảnh thật sự ấn tượng về nghệ thuật gốm Việt Nam, về các làng nghề gốm nổi tiếng, đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển các giá trị nổi bật và đặc biệt của nghề gốm, đưa ra một cái nhìn về tiêu chuẩn của sản phẩm OVOP.

Đây là các bộ sưu tập gốm sứ có giá trị nghệ thuật đương đại cực cao đang được bán và làm theo đơn đặt hàng của các hãng nội thất quốc tế. Không gian gốm Việt chính là bức tranh về các dòng gốm truyền thống của Việt Nam: Bát Tràng (Hà Nội); Phù Lãng (Bắc Ninh); Chu Đậu (Hải Dương); Hương Canh (Vĩnh Phúc); gốm Đen (An Giang); gốm Chăm (Ninh Thuận)… Tất cả tạo ra một không gian mang đậm màu sắc gốm Việt để giới thiệu đến bạn bè quốc tế, nhất là những DN nhập khẩu có doanh thu trên 100 triệu USD/năm.

Đại biểu OVOP các nước trao đổi kinh nghiệm phát triển OVOP tại Hội chợ Quà tặng hàng Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2013

Theo bà Mai Anh, nhằm phát triển chương trình OVOP, trong thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết với các tỉnh bạn và nhiều nước tham gia OVOP. Chính vì vậy, tại đây còn có khu trưng bày các sản phẩm OVOP của một số nước thành công trong việc xây dựng thương hiệu OVOP như: Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Ấn độ… với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng; trang trí nội thất; nông sản, thực phẩm chế biến; sản phẩm may, thêu; mỹ phẩm, tinh dược phẩm, thảo dược… Đây là những sản phẩm độc đáo thuộc phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” tại châu Á. Ngoài ra, khách tham quan còn có cơ hội chiêm ngưỡng những thiết kế mới nhất về hàng thủ công mỹ nghệ đã được chế tác phù hợp với nhu cầu hiện đại của các nước Thụy Điển, Pháp và Úc.

Bà Mai Anh chia sẻ, do Chương trình OVOP còn khá mới mẻ, nên trong quá trình thực hiện gặp không ít những khó khăn, nhất là vấn đề cơ chế chính sách, nhận thức từ phía các DN, làng nghề tham gia chương trình. Bên cạnh đó, các DN, nghệ nhân làng nghề tham gia chương trình OVOP còn gặp khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa.

Nhằm hỗ trợ các DN, làng nghề tham gia OVOP, UBND TP.Hà Nội đã xây dựng chính sách hỗ trợ nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể. Thực tế hiện nay, các DN, người dân làng nghề chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa, việc liên kết giữa DN với các nghệ nhân còn lỏng lẻo, năng lực sản xuất còn nhiều yếu kém, đặc biệt vẫn còn có tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước. Điều này là nguyên nhân khiến các DN không tận dụng được những cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, DN chưa thực sự chú trọng việc sản xuất những mặt hàng có tính “độc quyền”, chủ yếu sản xuất hàng mang tính đại trà, không mang nét độc đáo, chuyên biệt. Đây chính là những nút thắt mà chương trình OVOP Hà Nội đang tìm cách tháo gỡ - bà Mai Anh nhấn mạnh.

“Mỗi làng một sản phẩm”, One Village One Product- gọi tắt là OVOP, là phong trào được khởi xướng ở Nhật Bản từ năm 1979. Đến nay, phong trào OVOP đã lan rộng trên 30 quốc gia, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động thông qua việc quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm độc đáo của các làng nghề, giữ gìn được các tinh hoa giá trị truyền thống được kết tinh trong mỗi làng nghề, mỗi sản phẩm.


                                                                                            Theo: Công thương

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.628
Tổng truy cập: