KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Người làng Chuông làm nón thu nhập 50.000 đồng/ngày
(Ngày đăng: 27/10/2013   Lượt xem: 412)

Xoay đủ nghề mưu sinh nhưng vẫn quyết giữ nghề làm nón truyền thống dù thu nhập chưa đến 50.000 đồng mỗi ngày, người dân làng Chuông đang rất vất vả để bảo tồn công việc cha ông để lại.

Làng đa nghề

Đến với làng Chuông thời gian này, nhiều không khỏi ngạc nhiên về sự đa ngành nghề của nơi chuyên làm nón nổi tiếng bậc nhất miền Bắc. Sâu trong làng, tiếng máy cưa, máy tiện của nghề làm lồng chim, tiếng máy may xập xình, tiếng xào xạc phơi lá nón đan xen tạo nên thứ âm thanh hỗn độn. Người dân làng Chuông bây giờ vẫn làm nón nhưng để mưu sống, họ buộc phải làm thêm nhiều công việc khác.

Kinh tế khó khăn, người dân làng Chuông vẫn giữ nghề làm nón truyền thống song song với nhiều công việc khác để mưu sinh.

Theo nhiều người dân trong làng, cứ có nghề nào mới là mọi người đổ xô vào làm, mới đầu thu nhập rất cao nhưng khi đã bão hòa thì lại tan đi nhanh chóng. Đơn cử như nghề làm lồng chim, cách đây khoảng một năm, mỗi chiếc lồng có giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng mà vẫn liên tục cháy hàng. Bây giờ giá đã giảm đi nhiều nhưng lại ế ẩm. Đó là lý do khiến dân trong làng liên tục đổi nghề dù đây là làng nón truyền thống. Mặc dù nón vẫn là mặt hàng thủ công chính ở đây nhưng do không sống được với nghề nên người dân phải xoay đủ nghề để kiếm sống.

Khó khăn với nón

Cuộc sống hiện đại, người dân ít đội nón hơn trước là lý do khiến đầu ra của làng nghề nón khó khăn. “Bây giờ chỉ có ra làm đồng ruộng là thường xuyên thấy cảnh phụ nữ đội nón còn lại hình ảnh của nó rất hiếm. Chưa kể, bỏ ra một khoản tiền hơn 50.000 để có một chiếc nón tốt không phải là chuyện dễ dàng với nhiều người. Cùng số tiền đó có thể mua được vài chiếc mũ vải, bây giờ người đội mũ nhiều chứ đội nón, kể cả nông thôn cũng ít gặp đi”, chị My, một người thợ đan nón tâm sự.

Người dân làng Chuông tỷ mỷ hoàn thành từng chiếc nón.

Người làng nghề Chuông cho biết thêm, chiếc nón tốt trước đây bán với giá 60.000 – 70.000 vẫn hết hàng, còn giờ giá mỗi chiếc chỉ 50.000 đồng mà cũng rất khó tiêu thụ. Chợ làng Chuông nổi tiếng sầm uất một thời, cứ vào phiên là ô tô các nơi ùn ùn tới để chở nón đi. Nhưng giờ, khung cảnh đó không còn nữa. Chị Doan (người buôn nón) cho biết: “ Lượng tiêu thụ nón ngày trước 10 phần giờ chỉ còn được 2 phần, thậm chí còn có một phần thôi”.

Để làm ra một chiếc nón tốt, người làng Chuông phải mua nguyên liệu từ tận miền Trung rồi chọn lá tốt, phơi lá thật khô, cuối cùng mới là khâu nón. Bao nhiêu công đoạn tỷ mẩn, phức tạp nên dù giỏi đến mấy thì mỗi người cũng chỉ làm được 2 chiếc mỗi ngày. Gặp phải những hôm mưa, bão hay gia đình có việc thì coi như không làm được cái nào. Từ người già đến trẻ nhỏ ở đây, hầu hết bàn tay ai cũng bị hằn những vết kim đâm. Công việc vất vả mỗi ngày kéo dài liên tục từ sáng đến tận 9 - 10h giờ tối khiến nhiều người đau lưng, mắt kém, nhưng đổi lại thu nhập mỗi ngày chỉ khoảng 40.000 đồng.

Từ người già đến trẻ nhỏ ở làng Chuông, hầu hết bàn tay ai cũng bị hằn những vết kim đâm vì làm nón.

Miền Trung mưa lụt nặng nề, người làm nón cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu tăng cao. Chị My kể “làm nón nhiều khó khăn lắm, có khi không đủ ăn nhưng mà vẫn phải làm vì đây là nghề truyền thống của ông cha để lại rồi”. Giờ làng Chuông hầu như chỉ còn người già và trẻ em ngồi đan nón, cũng chẳng còn những hộ sản xuất lớn hay những nhà tiêu thụ lớn ở đây nữa. Thanh niên – lực lượng lao động chính đã tìm đường ra thành phố hoặc tìm nghề khác thu nhập cao hơn để làm.

Khó khăn là vậy nhưng người làng Chuông quyết không bỏ công việc làm nón. Họ chỉ hy vọng có sự hỗ trợ từ bên ngoài để người dân bớt chật vật hơn trong việc bảo tồn nghề truyền thống. Chị Doan, người trong làng tâm sự: “Dù làm gì thì cuối cùng dân trong làng cũng sẽ quay về với chiếc nón. Sản phẩm này đã gắn bó với người làng Chuông bao đời rồi, thương hiệu dễ gì mà tạo dựng được như vậy”.

                                                                                               Theo: Trithuc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.518.480
Tổng truy cập: