KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Sống khỏe nhờ nghề chằm nón
(Ngày đăng: 18/10/2013   Lượt xem: 960)
Sống khỏe nhờ nghề chằm nón
Gia đình bà Diện đã 3 đời theo nghề chằm nón.

Tuy thu nhập không cao, nhưng nghề chằm nón lá ở kênh Xẻo Xào (ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) vẫn tồn tại với thời gian. Nhiều gia đình ở Thới Thuận A cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học nhờ theo nghề chằm nón lá kết hợp với làm ruộng...

Giữ nghề truyền thống

Bà Hồ Thị Diện - có hơn 50 năm gắn bó với nghề chằm nón - cho biết, người dân làm nón xóm này không ai biết nghề này có từ khi nào. Cứ đời trước truyền lại cho đời sau, nghề chằm nón duy trì đến tận bây giờ. “Hồi xưa nón làm bằng lá buông, bây giờ thay bằng lá mật cật lấy từ Huế vào. Trước đây, cứ chằm vài cái là đem vô chợ, đứng bán từng cái. Tôi có 8 đứa con, cho ăn học rồi gả vợ gả chồng, có nhà cửa đàng hoàng cũng nhờ tiền làm nón...” - bà Diện nói.

Theo người dân ấp Thới Thuận A, trước đây nón lá Xẻo Xào đắt hàng đến mức thương lái đến từng hộ gia đình đặt hàng, ứng tiền trước, khi nào chằm đủ nón lấy sau. Ngày nay, nón lá chủ yếu chỉ còn phụ nữ ở nông thôn sử dụng. Dù vậy, nón lá Xẻo Xào chưa bao giờ ế, mặc dù hiện nay giá nón lá có loại đến 60.000 đồng/cái. Bà Lâm Thị Chín - 50 tuổi, trên 30 năm trong nghề - cho biết: “10 tuổi tui đã biết chằm nón giúp mẹ kiếm tiền. Làm nón không nặng nhọc, nhưng để có được chiếc nón lá đẹp,  người làm nón phải tỉ mỉ, khéo léo. Khâu nón phải khéo tay và kiên trì, khâu sao cho mũi kim lên xuống đều đặn, lỗ khâu thật nhỏ và khít”.

Cũng theo bà Chín, nón lá Xẻo Xào có 2 loại: Nón để đi ruộng và nón để đi chợ. Nón để đi ruộng dày hơn, vành to hơn. Còn nón để đi chợ cọng lá được lựa đều hơn nên đẹp hơn và thời gian làm cũng lâu hơn. Giá một chiếc nón để đi chợ cao gấp 2 lần chiếc nón để đi ruộng. Trước đây, nón lá Xẻo Xào được chằm với 15 vành trúc, sau này kết thành 16 vành giống như nón lá Huế (chỉ khác là không có hoa văn bên trong). Ở nhiều nơi, người ta vừa chằm vừa kết vành, còn ở Xẻo Xào, thợ kiềng 15 vành lên khuôn (hay còn gọi là mô) cố định hình nón. Sau đó tiến hành “lợp”, xoay đều 2 lớp và may (vừa may vừa giữ kết lá cho đều). Đến vành thứ 16 - lớp vành sau cùng - các thợ ở đây gọi là nức vành. Chiếc nón đẹp hay không nhờ ở giai đoạn này.

Trung bình mỗi ngày, một người có thể làm từ 1 - 1,5 chiếc nón. Giá bán hiện dao động từ 25.000 - 60.000 đồng/chiếc, tùy loại dày hay mỏng. Tuy mức lời cao nhất chỉ khoảng 25.000 đồng/chiếc, song bà con ở đây vẫn bám nghề vì già  - trẻ, trai - gái đều có thể làm được.

Tạo việc làm cho lao động nông thôn

Nghề chằm nón ở Xẻo Xào tuy hiệu quả kinh tế không cao nhưng tạo việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương; nhất là lúc nông nhàn. Ấp Thới Thuận A có khoảng 150 hộ làm nón, chiếm 50% số hộ dân. “Ở nông thôn đâu có việc gì làm ngoài chuyện đồng áng. Nhờ có nghề gia truyền, nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương vẫn kiếm được thu nhập hằng ngày. “Nhờ nghề này mà 2 đứa con tôi được đi học cao đẳng” - bà Chín  bộc bạch. Còn bà Diện nói như tâm sự: “Giờ già rồi, có làm việc khác cũng không làm nổi. Làm nón không vất vả, làm riết thấy cũng yêu nghề. Coi vậy chứ chằm nón ít nhiều lúc nào cũng có tiền trong nhà. Cứ làm chừng 10 ngày đem bán một lần. Bây giờ bán nón thuận lợi hơn hồi trước, mình không đi bán thì thương lái đến tận nhà thu mua đem bỏ mối ở các tỉnh lân cận”.

Để giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương và lưu giữ nghề truyền thống của xóm nghề, thỉnh thoảng ở ấp Thới Thuận A có mở lớp dạy chằm nón cho những hộ chưa rành nghề;  đồng thời hỗ trợ đồ nghề, tổ chức nghiệp đoàn để tiếp vốn cho những người gặp khó khăn... Bà Diện bộc bạch: “Nghề chằm nón được nhiều chị em nội trợ lựa chọn để tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Các con tôi đứa nào tôi cũng dạy làm nón để giữ nghề gia truyền; sau này có thành tài tụi nó cũng nhớ đến cái nghề đã nuôi mình khôn lớn...”.

                                                                                              Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.306
Tổng truy cập: