KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Hồi sinh những làng nghề - Bài 3: Tìm thương hiệu cho sản phẩm
(Ngày đăng: 05/10/2013   Lượt xem: 664)
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con của các làng nghề truyền thống trên vùng  đất Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn cố bám nghề không chỉ vì mưu sinh. Thế nhưng, để những làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển, phía sau đó còn là cả một câu chuyện dài…


Dù đã xây dựng thương hiệu nhưng rượu Hòa Long vẫn khó tìm đầu ra do thiếu vốn để nâng chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì.
Dù đã xây dựng thương hiệu nhưng rượu Hòa Long vẫn khó tìm đầu ra do thiếu vốn để nâng chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì.


Giữ lửa cho nghề

Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, trong quá trình khai phá  vùng đất phương Nam, đã có nhiều luồng dân cư qua lại cửa sông và cảng biển rồi chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi định cư lâu dài. Từ đó hình thành tại đây những khu dân cư làng xã có lịch sử lâu đời như: Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ… Chính tại những vùng đất này, theo thời gian kéo dài nhiều thế kỷ, lần lượt hình thành các nghề truyền thống mang dấu ấn lưu dân như: đúc đồng, khắc đá, nấu rượu, làm bún, làm muối, đan thúng, dệt lưới… Mỗi nghề lại gắn với mỗi địa danh như nghề đúc đồng Long Điền, khắc đá Tân Thành, rượu Hòa Long, bún Long Kiên,  xóm lưới Nghĩa Thành, bánh tráng An Ngãi, bánh hỏi An Nhứt… Hai trong số các làng nghề truyền thống của Bà Rịa – Vũng Tàu vừa được cấp bằng công nhận là một bước khởi đầu cho việc từng bước khôi phục, phát triển làng nghề. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít nỗi lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường…

Những lão niên giữ lửa cho các làng nghề phát triển đến hôm nay đã không khỏi rầu lòng vì trong thế hệ kế cận, đã có một số người vì lợi nhuận trước mắt đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của làng bún Long Kiên. Ông Bùi Văn Yến chia sẻ: “Trong nghề làm bún, do đặc thù  là sản phẩm sử dụng trực tiếp, không cần qua chế biến nên cái quan trọng nhất là phải bảo đảm vệ sinh. Do lợi nhuận nên có những hộ đã sử dụng hóa chất (Tinopal) trong sản xuất bún làm ảnh hưởng chung đến sức tiêu thụ bún của cả  làng. May mà cơ quan chức năng cũng kịp thời vào cuộc, xác định rõ ai làm dối, ai làm thật. Mới đây, Sở Công thương phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm còn tổ chức lễ ký cam kết sản xuất bún sạch cho các hộ sản xuất bún, bánh phở… trên địa bàn phường Phước Nguyên. Chúng tôi rất hưởng ứng việc làm này, để qua đó khẳng định uy tín của những người đã theo đuổi nghề bún lâu đời, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng”.

Ngoài chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, nghề sản xuất bún ở Long Kiên, bánh tráng An Ngãi cũng đang phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Ông Bùi Anh Quang, Chủ tịch UBND phường Phước Nguyên cho biết, để tạo điều kiện cho làng bún Long Kiên phát triển, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh đã hướng dẫn và hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 3 hộ sản xuất có quy mô lớn trên địa bàn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đó là trước mắt, còn về lâu dài, theo ông Bùi Anh Quang cần phải có hệ thống xử lý nước thải chung. Bởi, quy mô sản xuất của các hộ có thể sẽ ngày càng mở rộng, nhu cầu xả nước thải sẽ nhiều hơn, vì thế trong tương lai rất cần quỹ đất để đầu tư hệ thống nước thải. “Để tiếp tục duy trì và giữ vững nghề truyền thống sản xuất bún tại làng bún Long Kiên, Đảng ủy phường Phước Nguyên sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng sản phẩm bún. Đồng thời, phối hợp với UBND phường xây dựng kế hoạch phối hợp với UBMTTQ, các đoàn thể, hội nghề nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là không sử dụng các chất phụ gia trong quá trình sản xuất. Chúng tôi cũng đang tính toán để tổ chức các lớp dạy nghề làm bún trong thời gian tới đây”, ông Bùi Anh Quang cho biết thêm.

Đi tìm thương hiệu cho sản phẩm làng nghề

Bún Long Kiên, bánh tráng An Ngãi, rượu Hòa Long, bánh hỏi An Nhứt… hiện  đã có mặt ở hầu hết các chợ trong tỉnh, và một số đ?aịa phương lân cận như Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Người dân trong tỉnh, hẳn sẽ không còn xa lạ khi nhắc đến cái tên  “bánh tráng An Ngãi”, “bún Long Kiên”… thế  nhưng, trong vô số các sản phẩm cùng loại  được bày bán ở chợ,  nhìn bằng mắt thường người tiêu dùng rất khó phân biệt. Chỉ khi được tận tay sờ vào sản phẩm, được nếm các hương vị  của nó, người ta mới biết được đâu là  bánh tráng An Ngãi, đâu là bún Long Kiên… Bà Nguyễn Thị Năm, nhà ở ấp An Bình kể, một lần vào siêu thị, bà bất chợt thấy hàng chồng bánh tráng Ba cây tre, bánh tráng Trảng Bàng… mà thèm lắm. “Về cứ nghĩ hoài, bánh tráng An Ngãi quê mình cũng đâu có kém gì về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhưng đến nay, bánh tráng ra chợ vẫn chưa có tên riêng, nghĩ cũng buồn lắm”, bà Năm nói.
 

Sản xuất bún tại hộ ông Bùi Văn Yến.
Sản xuất bún tại hộ ông Bùi Văn Yến.


Câu chuyện của bà Năm cũng chính là sự trăn trở của không ít người dân làng nghề, của cả lãnh đạo địa phương. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm làng nghề là việc làm hết sức cấp bách. Không chỉ người làng nghề mà chính người tiêu dùng cũng cho rằng, thương hiệu là một trong yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm. Lý do chủ yếu là thương hiệu tạo cho họ sự an tâm về thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm rủi ro…Chị Từ Thị Hạnh, nhà ở đường Ngô Đức Kế, TP. Vũng Tàu cho hay: “Khi mua hàng, tôi thường chọn các sản phẩm quen thuộc, đã có thương hiệu, vì thế tôi chấp nhận sẽ trả mức giá cao hơn so với hàng đại trà để mua được những sản phẩm có thương hiệu và đủ độ tin cậy về uy tín, chất lượng”. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề là rất cần thiết.

Ông Bùi Anh Quang cho rằng, để xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho làng nghề, ngoài sự chủ động và tự ý thức của các làng nghề, Nhà nước cũng cần có chính sách bảo tồn và định hướng phát triển làng nghề  bền vững. Trước hết, cần ưu tiên nguồn vốn  đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như đưa sản phẩm tham dự triển lãm, hội chợ; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Câu chuyện của  “Rượu Hòa Long” là một ví dụ. Dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký độc quyền cho nhãn hiệu rượu Hòa Long từ năm 2008. Tuy nhiên, do thiếu vốn sản xuất, thiếu thị trường tiêu thụ, nên thương hiệu rượu Hòa Long vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là trong các siêu thị hay địa điểm du lịch nổi tiếng. Ông Đỗ Quang Cảnh, chủ nhiệm HTX Hòa Thành cho rằng, để  “Rượu Hòa Long” phát triển được, cần phải có một đối tác có tiềm lực kinh tế, với số vốn khoảng 3-4 tỷ đồng để đầu tư  dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, bảo đảm đạt được các tiêu chí về sản xuất rượu mà Bộ Công thương đã quy định.

Cũng là một người hết sức tâm huyết với việc phát triển làng nghề, bà Lê Thị Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền chia sẻ, trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tạo mọi điều kiện để bánh tráng An Ngãi có  thương hiệu trên thị trường, đẩy mạnh các hoạt  động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho các hộ làm nghề. Đồng thời, đề nghị UBND xã An Ngãi thành lập HTX sản xuất bánh tráng, tổ chức lại khâu thu mua để ổn định giá, tránh thiệt thòi cho bà con. Hỗ trợ vốn  để bà con cải tiến trang thiết bị, tăng quy mô  và chất lượng sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu…
 

Theo:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.585
Tổng truy cập: