KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Hồi sinh những làng nghề
(Ngày đăng: 03/10/2013   Lượt xem: 1279)

Về An Ngãi ăn bánh tráng

3 giờ sáng, khi mọi người còn ngủ say thì tại ấp An Bình, xã An Ngãi (huyện Long Điền), các lò làm bánh tráng đã đỏ lửa để chuẩn bị cho một mẻ bánh mới.Và khi những tia nắng ban mai bắt đầu rải dài xuống mặt đất thì cũng vừa lúc các má, các chị hoàn tất xong hàng thiên bánh tráng để mang ra phơi cho đủ nắng, vừa kịp khô ngay trong ngày.

Gia đình bà Nguyễn Thị Cúc đã 3 đời làm bánh tráng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Cúc đã 3 đời làm bánh tráng.


Giống như những người làm nghề tráng bánh ở An Ngãi, ngày nào cũng vậy, đúng 3 giờ sáng là cả nhà ông Lương Văn Hiệp (ấp An Bình) lại lui cui thức giấc. Người thì xay bột, người thì nhóm lò, người chuẩn bị phên liếp… Công việc cứ như được lập trình sẵn, đều đặn qua mỗi ngày như vậy. Trong căn bếp nhỏ, chị Lương Thị Hồng Trang (con gái ông Hiệp) nhanh tay cầm cán, xoa đều cái gáo dừa láng bóng khiến bột thành lớp mỏng tròn theo miệng chiếc nồi to, rồi đậy nắp lại, mở chiếc nồi bên cạnh, lấy thanh tre mỏng gỡ một góc bánh, áp vào ống tre, cuốn một đoạn, tách khỏi mặt vải, áp vô liếp. Chừng nấy công đoạn được chị làm một cách khéo léo và nhịp nhàng. Vừa làm, chị vừa kể: “Đã 30 năm nay rồi, sáng nào cũng vậy, cũng dậy từ 3 giờ sáng, tráng miết cho tới 2 giờ chiều, mỗi ngày tráng chừng vài ngàn cái. Tráng bao nhiêu “mối” (thương lái – PV) lấy bấy nhiêu, làm hổng kịp bán”. Bất chợt nhẩm tính, nhưng quả thật, con số này vượt xa sự tưởng tượng của chúng tôi.

Ngó nghiêng, chúng tôi thấy bánh tráng được làm ở An Ngãi chẳng khác gì so với các vùng khác. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch với ba phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, một phần là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói. Thêm các “đồ nghề” là chiếc nồi đồng hoặc nồi nhôm, cối xay chạy bằng điện để xay gạo thành bột lỏng, chiếc gáo tráng bột, chiếc đũa mỏng vớt bánh và những phên liếp bằng tre đan thưa để phơi bánh ngoài nắng. Thế nên mới đem thắc mắc hỏi bánh tráng An Ngãi có gì khác mà “nức tiếng” xa gần như vậy, bà Nguyễn Thị Cúc (mẹ của chị Trang) cho biết, ngoài độ dẻo, mềm, dai, bánh tráng An Ngãi có màu trắng đục, đưa vào miệng nhai, càng nhai chất ngọt đậm đà của gạo tan chảy trong lưỡi. “Coi vầy chớ nghề làm bánh tráng cũng công phu lắm. Bột xay làm bánh tráng không được lỏng quá, cũng không quá đặc. Bởi bột lỏng bánh dễ vỡ, bột đặc quá bánh sẽ bị cứng. Để đốt lò cũng không nên dùng trấu, sẽ làm bánh  vón cục, còn dùng củi bánh sẽ “đằm’ hơn, dai hơn”, bà Cúc chia sẻ ‘bí quyết” làm nghề bánh tráng. Để tráng bánh, gia đình bà Cúc thường làm bột từ gạo dẻo Đài Loan, không pha trộn. Sau khi ngâm gạo, đến công đoạn xay, gạo pha lỏng với nước và muối theo một tỷ lệ hợp lý sẽ cho bánh có độ dẻo, ít bị vỡ và dễ tráng mỏng. Gạo xay bằng máy để được trong vòng 12 giờ rồi mới tráng bánh. Từ chiếc bánh tráng dùng để cuốn chả giò, cuốn thịt, cá, các má, các chị còn còn sáng tạo thêm các lọai bánh “ăn chơi”, như là món quà vặt nhưng ăn vào một lần lần là nhớ mãi, đó là bánh tráng chuối, bánh tráng hành, tôm, ớt.
 

Nghề làm bánh tráng tại xã An Ngãi chủ yếu vẫn thực hiện bằng thủ công. Trong ảnh: Sản xuất bánh tráng tại hộ bà Lương Thị Hồng Trang.

Nghề làm bánh tráng tại xã An Ngãi chủ yếu vẫn thực hiện bằng thủ công. Trong ảnh: Sản xuất bánh tráng tại hộ bà Lương Thị Hồng Trang.


Bà Nguyễn Thị Cúc năm nay đã gần 70 tuổi. Vốn là con gái miền Tây nổi tiếng đẹp “sắc nước hương trời”, bà về làm vợ ông Hiệp rồi theo má chồng làm nghề bánh tráng. “Giờ mình già rồi, con cháu cũng thạo nghề nên theo nghề ba má. Trong 4 người con thì có hai cô con gái theo nghề. Hổng biết sau này tụi cháu có sống bằng nghề này hay không, nhưng mới 9, 10 tuổi, sau giờ học đã biết phụ ba má làm nghề rồi. So với các ngành nghề khác thì thu nhập này không cao, nhưng thời gian quay vòng vốn nhanh, thu nhập từ làm bánh tráng luôn ổn định”, bà Cúc thủ thỉ trò chuyện với chúng tôi.

Những người kỳ cựu trong nghề làm bánh tráng An Ngãi còn sống như ông Hiệp, bà Cúc, bà Năm cũng chỉ nhớ mang máng, đâu như hồi tui còn nhỏ ba má đã làm bánh tráng rồi. “Cả làng này, chẳng ai còn nhớ chính xác nghề bánh tráng ra đời từ hồi nào nữa, chỉ biết rằng, khi lớn lên đã thấy đời ông bà, cha mẹ đã làm rồi. Nhà tui cũng đã qua ba đời làm bánh tráng, má tui đã làm từ năm 1950.  Trước năm 1975, cả làng có 5,6 hộ làm bánh tráng, nhưng đến nay đã có đến 116 hộ rồi, hầu hết là “cha truyền con nối”, nhanh tay chuyển những tấm liếp xếp đầy những chiếc bánh tráng màu nâu đỏ”, ông Lương Văn Hiệp cho hay.
 

Bà Lê Thị Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền (thứ hai từ trái qua) nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống của tỉnh.

Bà Lê Thị Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền (thứ hai từ trái qua) nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống của tỉnh.

Thế nhưng, cụ Huỳnh Thị Nhãn, người từng làm nghề bánh tráng từ những năm 1970 lại khẳng định, bánh tráng có nguồn gốc từ xứ Quảng. Những người trong đoàn lưu dân gốc vùng này bỏ theo vào hành lý chục cái bánh ăn đỡ đói lòng khi tới vùng đất mới tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng từ đó, tại An Ngãi bắt đầu có nghề làm bánh tráng. “Hồi nào tới giờ, ngày lễ, tết, trong mâm cơm cúng tổ tiên ông bà đầu năm không thể thiếu những cái bánh tráng. Nó như một sự hiện hữu lòng thơm thảo của con cháu tưởng nhớ ông bà, cha mẹ. Cả trong mỗi bữa ăn ngày tết của các gia đình cũng không thể thiếu món ăn này”, cụ Huỳnh Thị Nhãn nói. Đã thành tục lệ, trước Tết bánh tráng được coi như một món quà dân dã làm quà biếu tặng cho người thân của mình để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Sau Tết, bánh tráng cũng được làm quà mang đi xa. “Năm nào cũng vậy, hết tết là khách đến đặt hàng rất đông, người mang ra Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và thậm chí ra nước ngoài như một món quà quê đậm đà hương vị tết. Chính những điều này đã động viên người dân gắn bó với nghề truyền thống này”, cụ Huỳnh Thị Nhãn nói trong niềm tự hào.


Bây giờ thì bánh tráng An Ngãi có mặt khắp các chợ quê lẫn chợ thành phố, không chỉ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn hiện diện tại các tỉnh, thành như Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... Hỏi cụ Huỳnh Thị Nhãn, giờ “bánh tráng An Ngãi” đã được công nhận là làng nghề truyền thống rồi, cụ có vui không? Cụ bảo: “Vui chớ sao không, nhưng vẫn mong bánh tráng An Ngãi có tên riêng. Trên mỗi xấp bánh khi ra đến chợ hoặc vô các siêu thị, người mua sẽ biết, à đây là bánh tráng An Ngãi này, hổng phải bánh tráng Tây Ninh đâu nghen”, cụ Nhãn cười.
 

Hiện trên địa bàn xã An Ngãi có 116 hộ sản xuất bánh tráng các loại. 1 lò mỗi tháng có doanh thu trung bình từ 6-9 triệu đồng. Giá thành tùy theo từng loại sản phẩm bánh lớn, bánh nhỏ. Bình quân giá bánh nhỏ bán sỉ cho các thương lái hiện nay khoảng 20-25 ngàn đồng/100 cái bánh. Đối với bánh lớn giá cao hơn, khoảng 70-80 ngàn/100 cái.

Để đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học vào sản xuất, huyện Long Điền đã quy hoạch 6ha để phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương trong đó sẽ đưa làng nghề làm bánh tráng An Ngãi vào khu tập trung này. Theo ông Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Điền, nếu đưa được làng nghề truyền thống bánh tráng vào vùng quy hoạch sẽ dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ, nâng cấp công nghệ sản xuất cho bà con. Theo kế hoạch, từ nay đến 2015, khu công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp này sẽ hoàn thành.

Kỳ tới: Bền bỉ nghề bún Long Kiên

                                                                                    Theo:Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.518.816
Tổng truy cập: