KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Người thương binh góp sức đưa tre Việt xuất ngoại
(Ngày đăng: 27/07/2013   Lượt xem: 969)
Những sản phẩm nội thất cao cấp làm từ cây tre của thương binh Nguyễn Văn Phong đã vượt ra khỏi lũy tre làng, vươn đến cả phương trời Tây.

Ông Nguyễn Văn Phong - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng

Chúng tôi càng khâm phục hơn khi biết ông Nguyễn Văn Phong ở thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) là một thương binh nặng, cụt mất hai chân, hỏng một bên mắt…

Làm giàu từ bữa cháo trộn rau

Năm 1989, anh thương binh hạng ¼ Nguyễn Văn Phong tập tễnh trên đôi chân giả, đi từng bước khó nhọc trở về làng. Cả nhà vui mừng khi anh về đoàn tụ cùng gia đình sau bao năm xa cách. Thế nhưng, có người trong làng lại lắc đầu, rồi ngán ngẩm bảo: “Người thương tật như thế lại trở thành gánh nặng cho gia đình”.

Ai ngờ, người thương binh ấy “tàn nhưng không phế”. Hơn 10 năm sau, ông Phong là một trong những người tiên phong đưa sản phẩm tre truyền thống xuất sang thị trường châu Âu.

Kể về cuộc đời mình, ông Phong vẫn chưa quên những ngày tháng chiến tranh ác liệt. “Năm 1974, mới 18 tuổi, tôi xung phong đi bộ đội. Lúc ấy, tôi chỉ được 38 cân, không đủ tiêu chuẩn về cân nặng. Thấy bạn bè hào hứng ra trận, thèm đi bộ đội quá, tôi đút đinh vào túi quần để tăng cân, rồi tôi cầm súng ra chiến trường”.

Sau một thời gian huấn luyện, ông được điều đến Sư đoàn 968 chiến đấu ở nước bạn Lào. Đầu năm 1975, ông tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Đầu tháng 3/1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm một điểm cao của địch ở Pleiku. Trận đánh diễn ra ác liệt suốt 4 ngày đêm, hai bên giằng co nhau từng mét đất. Trên đường tiến công địch, ông bị trúng mìn của kẻ thù, cụt hai chân, mù một mắt, mất 98% sức khỏe.

“Tôi chỉ kịp nghe tiếng nổ lớn, rồi bất tỉnh suốt 10 ngày. Khi mở mắt ra mới biết mình bị mất hai chân, hỏng một bên mắt”, ông Phong nói.

Ông được đưa ra điều trị ở bệnh viện 108, hưởng chế độ thương binh ¼.

Năm 1989, ông xin về ăn dưỡng tại quê nhà để được gần vợ con. Thấy ông về, cả nhà mừng rơi nước mắt. Bữa tối hôm ấy, dù đã cố gắng hết sức, nhưng vợ ông cũng chỉ đãi được một bữa cháo trộn với rau muống.

Ngồi ăn mà ông thấy nghẹn đắng. “Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, lại đông miệng ăn nên lúc nào cũng túng thiếu. Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mãi, chiến tranh gian khổ thế mình còn vượt qua, không thể gục ngã trước nghèo đói”, ông Phong tâm sự.

Tinh thần “thép” của người lính năm xưa lại trỗi dậy trong ông. Không trông chờ vào những đồng lương trợ cấp của Nhà nước, ông lại tiếp tục đứng lên chiến đấu trên mặt trận kinh tế.

Ông khoác ba lô, tập tễnh trên đôi chân gỗ đi học nghề kiếm sống. Nghề kim hoàn được ông chọn để mở đầu cuộc chiến với đói nghèo, vươn lên làm giàu. Suốt mấy tháng trời xuôi ngược nơi đất khách quê người, ông cũng học được cách làm đồ trang sức bằng vàng.

Tuy mất đôi chân, nhưng ông lại có đôi tay khéo léo. Cửa hàng kim hoàn của ông nhanh chóng nổi tiếng khắp huyện. Khách đông, có thời điểm ông phải làm việc cả đêm. Cũng nhờ vậy, cuộc sống gia đình ông dần khấm khá, ông đã có của ăn, của để.

Thành công đó không làm người thương binh giàu ý chí như ông  hài lòng. Ông còn thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng ở phía trước. Đó là đưa sản phẩm tre trúc truyền thống của quê nhà vươn ra thế giới.

Đưa cây tre xuất ngoại

Ông Phong vốn sinh ra ở làng Xuân Lai, xã Xuân Lai (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), có nghề làm tre trúc truyền thống nổi tiếng. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được ông nội truyền dạy nghề của tổ tiên. Cũng bởi lẽ đó mà cái tâm của ông luôn hướng về làng nghề.

Thời điểm đầu những năm 1990, làng nghề truyền thống tre trúc có nguy cơ mai một. Số hộ còn mặn mà với nghề cứ thưa dần, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Điều đó làm tôi day dứt. Tôi đam mê nghề của ông cha từ nhỏ. Tôi quyết định rẽ ngang, chuyển sang nghề làm tre trúc với mong muốn góp phần giúp làng nghề khởi sắc”, ông Phong cho biết.

Ông lên kế hoạch bài bản để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Không vội lập xưởng sản xuất, ông lân la tìm hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu của khách hàng.

Bắt mạch được nhu cầu của khách hàng, ông nhận thấy, muốn cây tre đem lại giá trị kinh tế cao thì phải xuất được hàng ra nước ngoài. Năm 2006, ông dốc toàn bộ vốn liếng để mở công ty chuyên sản xuất các mặt hàng nội thất từ tre trúc.

Cũng là làm nội thất từ cây tre, nhưng ông lại có hướng đi riêng. Ông tập trung phát triển các mặt hàng cao cấp, có độ kỹ thuật cao, kiểu dáng mới lạ, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của cây tre để bán cho khách nước ngoài.

“Có nhiều đêm, tôi thức trắng miệt mài sáng tạo mẫu mới. Ban ngày lại cùng anh em công nhân lao vào đục đẽo. Nhiều sản phẩm làm xong rồi, thấy không vừa ý, tôi lại phá ra làm lại từ đầu”, ông Phong chia sẻ.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông cũng được trả công xứng đáng. Năm 2010, tại Hội trợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc, bộ bàn ghế làm từ gốc tre của ông đã đạt giải sản phẩm tiêu biểu. Mặt hàng đó được khác hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nhờ vậy, các mặt hàng tre trúc của ông đã nức tiếng gần xa. Bạn hàng quốc tế bắt đầu tìm đến ông ký kết hợp đồng. Mới đầu, ông chỉ xuất được hàng sang Đức, rồi lan tỏa ra Thụy Điển, Ba Lan…

“Nhìn thấy những mặt hàng nội thật làm từ cây tre nước mình được bạn bè thế giới đón nhận, tôi vô cùng hạnh phúc. Có năm cao điểm, tôi xuất ra nước ngoài hàng nghìn sản phẩm. Mỗi năm, tôi thu về vài trăm triệu đồng từ nghề tre trúc truyền thống của ông cha”, ông Phong nói.

Ông đã được Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh tăng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.

                                                                                                Theo: Chính Phủ.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.520.313
Tổng truy cập: