KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Đèn nhà hát ngọn leo ngọn lét
(Ngày đăng: 08/07/2013   Lượt xem: 522)
Các nhà hát ở TPHCM khán phòng nhỏ, sức chứa chỉ dưới 500 ghế, sân khấu cũng nhỏ thế mà đa số các buổi biểu diễn vẫn từ rộng rinh đến hiu hắt. Nhiều nhà hát phải cho thuê mặt bằng làm sàn nhảy, phòng tập thể dục… Nguyên nhân của chuyện này thì cứ tít mù nó lại vòng quanh.

        Nhỏ mà có võ

Ai đi qua số 31 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM cũng thấy cảnh phòng bán vé nhỏ xíu nhưng hầu như không lúc nào vắng khách. Người ghé xem dãy poster kịch, phim treo bên cạnh; người vào đọc thông tin của chương trình tuần lễ phim Pháp; người vào mua vé chương trình guitar cổ điển, kịch hình thể, xiếc mới... Sân khấu Idecaf đỏ đèn hầu như kín tuần.

Tuần trước, anh bạn tôi đưa vợ vào TPHCM nghỉ tuần trăng mật. Gặp nhau, hỏi muốn vui ăn chơi gì trước tiên ở đất Sài Gòn mà lần đầu tiên cả hai đặt chân đến. Hai người cười toe toét khoe: “Tối nay chúng em đến Sân khấu Trống Đồng. Lâu lắm rồi mới có được cảm giác đi nghe nhạc mà chỉ tốn có 30.000 đồng/vé”, anh chồng hớn hở. Cô vợ thì bảo đến Sân khấu Trống Đồng như được trở về với thời trẻ con, háo hức muốn vượt qua bức tường thành giăng kín ảnh các diễn viên, lịch biểu diễn để ríu rít chen chân vào những rạp chiếu phim, rạp xiếc dựng ở bãi đất trống giữa chợ, bên làng cách đây mấy chục năm…

Vở diễn Ngày xửa, ngày xưa của sân khấu Idecaf.

Sau gần 2 năm hoạt động, chương trình Hồn Việt được duy trì, biểu diễn định kỳ mỗi tháng 2 ngày vào ngày 15 và ngày 23 tại Nhà hát TPHCM. Nghệ sĩ Linh Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần Nghệ sĩ Mekong, cho biết: “Với các tiết mục ca múa nhạc dân tộc độc đáo của 3 miền: độc tấu đàn bầu, đàn kìm, đàn đá, đàn t’rưng, đàn klông pút, hát xẩm, chầu văn Huế, cải lương..., Hồn Việt luôn để lại nhiều dấu ấn với khách du lịch”.

Cũng nhắm đến đối tượng khách du lịch, các chương trình múa rối nước diễn ra định kỳ vào thứ ba, chủ nhật hàng tuần, mỗi ngày 6 suất tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM đón khoảng 65.000 lượt khách/năm. Chương trình múa rối nước của Nhà hát múa rối Rồng Vàng tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM mỗi suất diễn có khoảng 230 lượt khách.

Chương trình À Ố với các tiết mục đặc trưng của Nam bộ, biểu diễn tại Nhà hát Quân đội từ thứ ba đến thứ sáu hàng tuần và Nhà hát TPHCM mỗi tháng từ 3 đến 5 suất, cũng rất hấp dẫn, nhất là với du khách nước ngoài.
Giá bình dân, khung cảnh bình dị hoặc đi vào những nhánh nhỏ nên các sân khấu nhỏ trên địa bàn TPHCM như Idecaf, Trống Đồng, múa rối nước Rồng Vàng luôn hút khách.

        Con kiến mà leo cành đa

Trong khi những sân khấu sang trọng, chuyên biệt: Nhà hát TPHCM, Nhạc viện TPHCM, Nhà hát kịch TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, rạp Kim Châu… lại ít khi nhộn nhịp.

Mỗi năm Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đầu tư từ 5 đến 8 vở diễn, nhưng vẫn không bán được vé. Lý do nhà hát đưa ra là do nguồn kinh phí Nhà nước cấp không đủ chi. Với 3 tỷ đồng được cấp thì riêng trả lương, chi phí hành chính đã ngốn hết 2,6 tỷ đồng, chỉ còn 400 triệu đồng đầu tư cho các vở. Mà theo NSƯT Tấn Giao, một vở cải lương muốn có chất lượng phải đầu tư 300 - 400 triệu đồng. Thế mà con số này của nhà hát chỉ là 60-70 triệu đồng thì làm sao có được một vở diễn hay.

Cũng vò đầu bứt tai về kinh phí, NSƯT Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát kịch TPHCM, than thở: “Công tác chiêu mộ diễn viên rất khó khăn nên chúng tôi rất khó thực hiện được nhiệm vụ được giao và mục tiêu thu hút khán giả. Chính vì yếu tố này nên nhà hát chỉ thực hiện biểu diễn theo kiểu thời vụ. Việc sáng đèn thường xuyên thì không thể vì nhà hát không thể nuôi hẳn một dàn diễn viên do không có tiền trả lương”.

Thống kê của Sở VH-TT-DL TPHCM cho thấy: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 204 đơn vị đăng ký kinh doanh dịch vụ nghệ thuật, có khoảng 100 đơn vị biểu diễn nghệ thuật chính thức hoạt động.

Theo ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, hàng năm, các nhà hát công lập trên địa bàn biểu diễn hơn 2.000 suất phục vụ hơn 1 triệu lượt khán, thính giả. Thế nhưng đầu tư cho phát triển VH-TT-DL hàng năm ở TPHCM chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng chi ngân sách. Do vậy, chuyện cơ sở vật chất nhà hát của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: hát bội, cải lương… xuống cấp, hoạt động biểu diễn rất khó khăn vì thù lao cho nghệ sĩ quá thấp là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Cái vòng luẩn quẩn đầu tư ít, trả lương thấp, cơ sở hạ tầng xuống cấp dẫn đến hoạt động đìu hiu vẫn còn tít mù nó lại vòng quanh. Nhưng có điều ít ai chịu để ý hoặc thừa nhận, đó là công tác quảng bá của các đơn vị nghệ thuật quá yếu. Ai đến cảng Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi,… đều rất thân thuộc với cảnh nhân viên tiếp thị của các nhà hàng, quán bar đứng đon đả mời khách qua đường những tờ gấp chương trình ẩm thực, biểu diễn, giảm giá… của cơ sở mình. Tại sao các đơn vị nghệ thuật lại hiếm khi cho nhân viên xuống đường như vậy, hay sợ mất giá?

Ở một khía cạnh khác, các đơn vị nghệ thuật ít quan tâm đến khán giả, cứ có sao diễn vậy, ai xem thì xem. Việc đào tạo khán giả đối với các đơn vị nghệ thuật ở Việt Nam còn quá xa vời. May thay, từ 3 năm nay, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM duy trì chương trình nghệ thuật hàn lâm miễn phí dành cho sinh viên. Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên có cơ hội tiếp xúc với tinh hoa của thế giới. Điều này giúp dần hình thành một lớp người trẻ biết học cách thưởng thức nghệ thuật hàn lâm, bên cạnh nhiều dòng nghệ thuật khác.

“Cho dù có chương trình bán chưa hết vé, chúng tôi tự hào mình là nhà hát duy nhất trong thành phố đã mạnh dạn tổ chức chương trình nghệ thuật định kỳ tại Nhà hát TPHCM với chất lượng biểu diễn tốt, duy trì diễn hàng tháng. Cao điểm một tháng có từ 4 - 5 chương trình” - nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng- Nhạc - Vũ kịch TPHCM, cho biết.

Mong rằng hoạt động thiết thực này sớm được các đơn vị nghệ thuật lưu tâm!

                                                                                            Theo:SGGP

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.500.835
Tổng truy cập: