KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Người dân cần “cần câu” hơn “con cá”
(Ngày đăng: 07/07/2013   Lượt xem: 515)
Phú Lương là một phường mới của quận Hà Đông với dân số trên 20 nghìn người, gồm 22 tổ dân phố. Toàn phường có hơn 460ha đất nông nghiệp thì trên 200ha đã bị thu hồi cho 15 dự án phát triển đô thị và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Do đang chuyển mạnh trong quá trình đô thị hóa nên đời sống nông thôn ở đây khá sôi động, với đủ các nghề mưu sinh. Chủ tịch Hội Nông dân (Hội ND) phường Nguyễn Vi Hải chia sẻ: Tuy còn tới hơn 50% diện tích đất nông nghiệp song bà con vẫn dựa nhiều vào các nghề TTCN, dịch vụ, buôn bán nhỏ để sống. Tổ dân phố nào ít cũng có tới chục nghề, nhiều thì lên tới vài chục nghề, nếu chỉ bám vào nông nghiệp thì "chết đói"... Trước khi "lên" phường thì trong số 7 thôn của Phú Lương là Văn Nội, Nhân Trạch, Trinh Lương, Thượng Mão, Động Lãm, Bắc Lãm 8, Bắc Lãm 9 chỉ có mỗi thôn Thượng Mão có nghề mộc truyền thống, nhưng giờ đây cả 7/7 thôn đều đã có nghề. Ông Hải phân tích thêm, giờ hộ nào nhiều cũng chỉ còn dăm ba sào ruộng, ít thì 1 đến 2 sào. Đa phần nhà nào cũng có 5-7 nhân khẩu, nhà đông con có tới cả 10 nhân khẩu. Vụ vừa rồi trúng mùa, năng suất lúa đạt tới gần 60 tạ/ha, nhưng trừ chi phí cho giống, phân bón, công chăm sóc, mỗi hộ cũng chỉ thu được đôi ba triệu đồng. Sống ở thành phố, từ gas, điện đến mớ rau, cái gì cũng phải mua, nếu bà con không năng động chuyển đổi nghề nghiệp thì gay go.

Chúng tôi đến Phú Lương và ngỡ ngàng bởi nhịp sống đa dạng của những làng nghề trẻ ở đây, từ những nghề thủ công đơn giản như làm chổi chít, cuộn bông tắm, làm bột lọc… đến các nghề cần tới máy móc như gia công đồ nhựa, chổi lau nhà cao cấp, đồ gia dụng… Đến gia đình bà Nguyễn Thị Hảo, làm nghề chổi chít có tiếng ở tổ dân phố 19 thôn Bắc Lãm, từ trong nhà đến ngoài sân la liệt chổi thành phẩm lẫn nguyên liệu. Bà Hảo chia sẻ: Ở đây chẳng mấy ai sống được từ nông nghiệp, nhà nào cũng đông con, có được tí chút tiền đền bù đất nông nghiệp, chia cho các con mỗi đứa được vài chục triệu, đứa mua xe máy, đứa sửa sang nhà là hết sạch. Làm chổi chít đòi hỏi sự cần mẫn, chịu khó, tranh thủ cả sáng sớm lẫn tối cũng chỉ kiếm được khoảng trăm nghìn một ngày. Nếu mang đi bán rong thì thu nhập khá hơn nhưng vất vả...

Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Quang Hợp cho hay: Mặc dù đã có quy hoạch nhiều dự án đô thị, giao thông nhưng phần lớn đều rơi vào tình trạng quy hoạch "treo". Lượng tiền đền bù, giải phóng mặt bằng ở phường không nhiều, do đó để mở rộng dịch vụ, phát triển ngành nghề, ngoài phần vốn tự có, bà con phải dựa vào đồng vốn của ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) là chính. Tuy nhiên NHCSXH hiện mới chỉ đáp ứng đủ vốn cho các đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo, còn vốn giải quyết việc làm thì vẫn "căng". Các hội đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân nhận ủy thác vốn NHCSXH với tổng các nguồn vốn là hơn 14 tỷ đồng, trong đó hơn 7 tỷ là nguồn vốn giải quyết việc làm của thành phố và của quận. Tuy nhiên do dân số đông, làng nghề phát triển mạnh, nhiều hộ "khát" vốn để chuyển đổi nghề nghiệp nên mọi cuộc bình xét để được vay vốn của NHCSXH phải hết sức dân chủ, công khai. Phường phải bình xét rồi quay vòng cho vay, năm nay nhà này được vay thì sang năm, nếu bớt khó khăn hơn phải nhường hộ khác. Chị Đặng Thu Hoài, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường nêu ví dụ, tổ dân phố 13 có tới hơn 400 hộ cần vay vốn làm nghề phụ thì chỉ có hơn 20 hộ được vay, như muối bỏ bể... Địa phương chỉ mong quận, thành phố quan tâm hơn nữa, tăng đồng vốn để nhiều hộ dân ở đây được tiếp cận.

Có đi vào đời sống của nông dân các phường mới thấy hết sự khó khăn của quá trình đô thị hóa, từ xã lên phường. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của chính quyền địa phương trong thời gian qua đã giúp nhiều người có nghề mới thay thế nghề nông, thế nhưng cho họ nghề rồi thì cần phải hỗ trợ thêm đồng vốn để phát triển nghề. Có như thế việc phát triển đời sống nông dân ven đô mới được bền vững.

                                                                                                 Theo: HNM

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.520.571
Tổng truy cập: