KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tam nông và những cú sốc
(Ngày đăng: 01/07/2013   Lượt xem: 707)
Nông nghiệp- nông thôn- nông dân, vấn đề "tam nông” vừa thời sự lại vừa dai dẳng kéo dài. Việt Nam tự hào là quốc gia của nền văn minh lúa nước lâu đời; lại cũng tự hào là cường quốc hàng đầu về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, cao su, cá da trơn, tôm- toàn là những sản phẩm do người nông dân một nắng hai sương làm ra. Nhưng nghịch lý lại cũng xuất hiện ở đây khi mà họ đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi.
 
Mùa nắng trên đồng
 
Khi nông dân trả ruộng
 
Tấc đất tấc vàng, với người nông dân (và không chỉ là nông dân) đất là tài sản quan trọng nhất. Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong dịp tiếp xúc cử tri Hà Tĩnh (ngày 28-6), đất nông nghiệp là cơ sở bảo đảm cuộc sống người nông dân không chỉ hôm qua, hôm nay mà là mãi mãi. Đồng thời, ông cũng lấy làm tiếc Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc khội khóa XIII vừa qua.
 
Nhưng thật kỳ lạ, mới đây, nhiều hộ gia đình làm nông nghiệp ở tỉnh Hải Dương đã làm đơn xin trả lại ruộng cho chính quyền. Vậy, điều gì đã và đang xảy ra?
 
Riêng ở xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã có 7 hộ nông dân làm đơn xin trả lại ruộng 03 (ruộng phân theo khẩu cho nông dân, có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất), với 4.680m2. Hộ trả ít nhất là 400m2 và hộ trả nhiều nhất (hộ gia đình ông Hồ Sỹ Vinh) xin trả 828m2.
 
Ông Phạm Văn Mang (thôn Thọ Chương, xã Lam Sơn) thuộc loại trả ruộng ít nhất: 400m2, tính toán rằng làm ruộng rất vất vả, đầu tư nhiều nhưng thu lại không bao nhiêu. Nên tốt nhất là trả lại ruộng. Theo cách tính của ông Mang thì, với diện tích 1,8 mẫu, đầu tư tiền giống mất 30.000 - 50.000đ nếu lúa thuần, 70.000 - 100.000đ nếu cấy lúa lai, cày bừa 200.000đ, cấy 200.000đ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 150.000đ, gặt 100.000đ. Năng suất một sào trung bình 1,8 - 2 tạ tương đương 1,4 triệu đồng. "Thực lãi không nổi 100.000đ”, ông Mang cho biết.
 
Còn ông Nguyễn Văn Vượng, trưởng thôn Kim Trang (xã Lam Sơn) than rằng, dạo này chuột phá nhiều, thuốc đánh mẻ chết, mẻ không, dân tình chán nản. Trước tình trạng bỏ ruộng, thôn đã xuất quỹ thuê cày bừa, huy động Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ra cấy, còn chủ ruộng phải nộp hết những phí nội đồng, phí bảo vệ thực vật…, mời mãi cũng không ai nhận cấy. Ông Vượng so sánh: Ở thành phố, điện, nước, đường sá được Nhà nước đầu tư còn người nông dân thu nhập trông vào hạt lúa, củ khoai, nhưng hễ có công trình gì thì lại phải đóng góp. "Trồng lúa, chính quyền cứ bảo mục tiêu phải lãi ít nhất 30% nhưng ở quê tôi gần như không có lãi. Năng suất cỡ 2,5 tạ/sào mới lãi được 100.000đ, nếu năng suất trung bình cỡ 2 tạ là hòa, nếu năng suất dưới 2 tạ cầm chắc lỗ”, ông Vượng tính toán.
 
Lý giải tiếp nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Lam Sơn cho rằng, người dân xin trả một phần diện tích ruộng lại cho xã không phải là vì chán làm, mà vì những hộ này không có lao động và không thuê được người làm. Còn nói như ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương thì ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, nông dân bỏ ruộng vì không hiệu quả. Thứ hai, liên quan đến chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Quyến, người nông dân cần sản phẩm của họ được tiêu thụ. Người nông dân không những đủ sống trên mảnh đất của mình mà còn phải có tích lũy, thu nhập ổn định. Có vậy, tình hình mới được cải thiện.
 
Thu mua tạm trữ  lúa gạo, ai hưởng lợi?
 
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ ngày 15-6 đến hết 31-7. Theo đó, mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc - gạo là 2/1.
 
Để chủ trương được thực hiện tốt, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc/gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 15-6 đến 15-9. Như vậy, chính sách là thông thoáng, có lợi cho doanh nghiệp thu mua thóc/gạo cũng như người nông dân. Nhưng ở đây, "bài ca” được mùa- rớt giá lại tái diễn.
 
Nói như bà Lâm Ngọc The, tiểu thương thu mua lúa cho các nhà máy chế biến khu vực tỉnh Tiền Giang, An Giang và Kiên Giang thì "báo chí nói chúng tôi ép giá nông dân là không đúng. Có người còn xin lại tiền đặt cọc vì bán không có lãi”. Còn ông Phan Văn Chuyển, "cò” lúa, nhà ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, An Giang)  thì kêu, "có thấy doanh nghiệp nâng giá đâu mà dám mua cao. Bơm tiền mua tạm trữ, đúng hơn là đưa tiền cho doanh nghiệp. Còn tiếng xấu thì chính những con buôn nhỏ lẻ phải gánh oan ức”. Ông Nguyễn Văn Chước, nông dân xã An Tức (huyện Tri Tôn, An Giang) thì kêu: "Lỗ nặng, kiểu này có nước bán đất đi Bình Dương làm công nhân thôi. Nhà nước nói cho lãi 30% mà có thấy đâu, chỉ thấy hễ đưa ra thu mua tạm trữ thì giá chỉ nhỉnh lên vài đồng rồi lại xuống thấp lè tè. Với chi phí sản xuất bây giờ, chưa kể công làm thì mức giá 4.500đ/kg còn lỗ, huống hồ chỉ gần 4./000đ”.
 
Ông Phan Văn Dũng, Trưởng phòng kinh tế thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) thì than rằng, "giá lúa ở đây chỉ mức 3.800-4.000đ/kg mà thương lái còn chê lên chê xuống. Ði đến đâu cũng nghe than mà rát ruột. Còn phía doanh nghiệp thì mình có chế tài gì đâu mà kiểm tra, có bắt buộc họ phải mua lúa của dân địa phương hay chỗ nào, chỗ khác đâu. Cho nên không có cách nào khắc phục”.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng dù đã được Nhà nước trợ giá nhưng người nông dân vẫn không được hưởng lợi, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề chính là ở chỗ cơ chế thiếu minh bạch, không chỉ thóc gạo mà nhiều mặt hàng nông sản đều rơi vào thiểu số nhóm lợi ích của các doanh nghiệp. Giá thu mua bị thao túng làm người nông dân cùng các tiểu thương thu mua nhỏ lẻ bức xúc, chịu thiệt. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Ðồng Tháp Phan Kim Sa, thì bất hợp lý ở chỗ với việc phân bổ mua tạm trữ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam-VFA nói phân cho những doanh nghiệp có năng lực, bảo đảm tiêu thụ được. Nhưng thực tế không ít doanh nghiệp không đủ năng lực nhưng vẫn được giao chỉ tiêu mua tạm trữ; doanh nghiệp không có hợp đồng tập trung vẫn được giao chỉ tiêu, trong khi doanh nghiệp có hợp đồng lại không được giao. Dạng phân bổ "ưu tiên” như thế chính là lợi ích nhóm, dẫn đến một chủ trương đúng đắn không đạt hiệu quả, người nông dân bị thiệt.
 
Nếu cứ tiến hành như vậy thì không thể nào có nền nông nghiệp bền vững và riêng giá lúa gạo thì người trồng lúa chỉ có thể hưởng lợi 30% từ trong giấc mơ mà thôi.
 

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú  (tỉnh An Giang) - ông Nguyễn Văn Thao: "Với giá lúa này chắc là lỗ to. Chính quyền sở tại hiện đã bó tay, không còn cách nào gỡ khi tất cả đều vượt quá tầm kiểm soát của địa phương, trong khi cấp trên vẫn chưa có phương cách cứu vãn thì đành phó mặc mà thôi”.

Lên phố mưu sinh cùng những vấn đề khác
 
Một nghiên cứu mới đây: "Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam (Ipsard) công bố, nổi lên nhiều vấn đề rất đáng lo ngại cho "tam nông”.
 
Theo đó, 80% trong tổng số lao động nông thôn di cư đến các khu công nghiệp, khu chế xuất là vì lý do kinh tế; hơn một nửa trong số đó không hài lòng với công việc và thu nhập ở làng. Báo cáo cũng cho biết, có tới 50% số hộ gia đình nông thôn chịu các cú sốc về thu nhập, trong đó thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn…, chưa nói đến chuyện bị thu hồi đất.
 
Trong 3.000 hộ nông dân thuộc 12 tỉnh được khảo sát, có tới 42% không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do thu nhập không tương xứng với lao động mà họ bỏ ra. Đáng chú ý, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách (Ipsard) nhận xét, khả năng chống chịu của hộ gia đình nông thôn đối với cú sốc là rất yếu. Đặc biệt là hộ nghèo, khả năng chống chịu chỉ có cách duy nhất là "thắt lưng buộc bụng”. Hơn 40% hộ gia đình nông dân khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… đã không gượng dậy nổi.
 
Một điểm nữa cũng rất đáng lo ngại là trong tổng số người "từ quê ra tỉnh” mưu  sinh, có tới 70% là thanh niên (dưới 30 tuổi). Họ là lao động chính, là người có khả năng ứng dụng khoa học kĩ thuật vào đồng ruộng, có khả năng thích ứng nhanh với việc biến đổi vật nuôi, cây trồng… nhưng đã bỏ làng ra đi. Có làng thanh niên đi gần hết, chỉ còn lại ông bà già với trẻ con cùng những thửa ruộng hoang hóa.
 
Nhiều người nhận xét, làng quê bây giờ buồn quá. Nhiều làng vẫn còn "cây đa, giếng nước, sân đình” nhưng không khí không vui. Lớp trẻ chỉ nhăm nhăm ra phố "thoát kiếp” nông phu. Lại còn nạn cờ bạc, rượu chè, trộm cắp. Thật đau lòng với cái vụ trộm chó mới đây ở một vùng thuần nông, người dân bức xúc quá thiêu sống cả kẻ trộm. Lại còn những vụ kiện tụng đền bù đất đai triền miên, gây náo động từ làng quê đến phố thị. Đồng ruộng thì nhiễm độc dư lượng chất bảo vệ thực vật, cá cua ít dần, đến "dai như đỉa” mà cũng phải chịu chết. Con cà cuống vốn đầy đồng, thì nay cũng biến mất, khiến người ta phải chế ra cả "hương cà cuống” phục vụ cho mấy hàng bánh cuốn, bún thang. Đám cưới nào ở làng cũng rên rỉ suốt ngày đêm mấy bài nhạc sến, nẫu cả ruột gan. Thanh niên không làm ra tiền trên thửa ruộng, mảnh vườn nên quay sang bàn chuyện tiền nong rào rào. Cứ bàn, nhưng không có, nên lại rủ nhau ly hương lẫn cả ly nông.
 
Những cú sốc kinh tế ở nông thôn đã đưa lại những cú sốc xã hội. Đó là hệ quả tất yếu. Thao thức cùng tam nông, người ta tự hỏi, bao giờ những cú sốc tiêu tan, làng quê mới thanh bình trở lại?
 

Ông Đỗ Văn Thắng, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Sẽ có nhiều bà con nông dân gửi đơn xin trả ruộng như thế này trong thời gian tới, nếu Nhà nước không sớm ban hành các chính sách hỗ trợ cho người nông dân. Tuy nhiên, chính sách tốt nhưng không theo kịp thực tiễn thì người nông dân vẫn tiếp tục chịu khổ, chịu thiệt. Nó đồng nghĩa với việc người nông dân sẵn sàng trả lại ruộng mà có thời họ coi là "tấc đất tấc vàng”.

                                                                                                    Theo: Đại Đoàn Kết


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.520.519
Tổng truy cập: