KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Người mang chả cá Việt ra thế giới
(Ngày đăng: 01/07/2013   Lượt xem: 607)

Ông là người đầu tiên đem công nghệ sản xuất surimi về Việt Nam. Từ những con cá nhỏ tưởng như không có giá trị, ông đã biến thành một “đặc sản” của Việt Nam trên bàn ăn của nhiều gia đình trên khắp thế giới. Ông là Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) Lê Văn Kháng.

Ông Lê Văn Khánh (người cầm cúp)

Vượt qua sóng cả

Là DN chế biến các sản phẩm chả cá surimi (chế biến từ thịt cá) và hải sản đông lạnh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thương hiệu Coimex đã được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như Tây Âu và Đông Âu, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Tây Ban Nha, Ý… biết đến.

Nhưng ít ai biết, năm 1992, Coimex được thành lập từ hai xí nghiệp đang bên bờ vực phá sản, với tài sản vỏn vẹn 6 chiếc tàu đánh cá, trong đó chỉ 1 chiếc hoạt động được, còn lại đều hư hỏng. 

Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi nhà máy tại TP Vũng Tàu, Tổng giám đốc Lê Văn Kháng không nói nhiều về những đóng góp của mình mà nói nhiều đến dự định cho tương lai của Coimex cùng những trăn trở để làm sao cho thuỷ sản Việt Nam phát huy hết tiềm năng. Ông tâm sự: “Đã nói thương trường thì khó khăn bao giờ cũng nhiều hơn thuận lợi. Khi nhận quyết định về làm giám đốc, trong tay tôi chỉ có vẻn vẹn 1 tờ giấy là quyết định thành lập công ty. Còn lại tất cả là số không: không một đồng một cắc, không nơi làm văn phòng. Trụ sở của Công ty lúc đó là “một bàn đá” đặt  nhờ dưới gốc cây của một đơn vị bạn ở 51 Ba Cu - TP.Vũng Tàu”. Sau hơn một tháng thì Công ty thuê được nhà dân làm trụ sở và kéo dài trong 5 năm. Phương tiện đánh bắt thì cũ nát, đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật vừa yếu vừa thiếu. Để có vốn cho Công ty hoạt động, ông Kháng phải thế chấp nhà riêng mấy lần rồi phải nhờ sự hỗ trợ của anh em, bạn bè… bản thân ông còn phải theo xe lên TP.Hồ Chí Minh bán lẻ từng cân cá cho Công ty.

Tuy khó khăn như vậy nhưng không lúc nào ông thấy nản chí. Ông là người không bao giờ kêu ca. Ông tâm niệm: Không có việc gì khó, là người đảng viên phải có ý chí, nghị lực vươn lên. Ngay từ khi mới thành lập, Coimex xác định phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu do đó được khách hàng tin dùng. Điều đó chứng minh qua kết quả sản xuất kinh doanh Công ty trong những năm qua. Năm 2007 XK đạt 13 triệu USD, năm 2008 đạt hơn 40 triệu USD. Năm 2012, con số này là 43 triệu USD. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, đây được xem là kết quả khả quan so với các DN chế biến thủy sản.

Thương hiệu Coimex ngày càng nổi tiếng trên thế giới. Ảnh: Nhân Hòa

Mang chả cá surimi ra thế giới

Nói về chuyện làm chả cá surimi, ông Kháng cho biết: Trong những chuyến đi tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, tôi luôn để ý các sản phẩm thủy sản của nước bạn. Vì vậy, khi được giới thiệu về surimi, tôi thực sự bị cuốn hút ngay bởi thực tế có một số lượng không nhỏ cá tạp, tính theo cân theo tạ, bán với giá rẻ, thậm chí làm phân bón. Chúng bị các nhà XK loại thải, các chợ trong nước cũng không mặn mà. Trong khi tiếng Nhật, surimi là từ chỉ sản phẩm cá xay nhuyễn. Nhận thấy tiềm năng từ mặt hàng này, ông Kháng quyết định nghiên cứu phát triển sản phẩm surimi tại Việt Nam và trở thành nhà tiên phong, mở ra hướng tiêu thụ mới cho sản phẩm cá tạp.

Điều có ý nghĩa nhất là từ những con cá tưởng như phải thải loại, giá trị kinh tế thấp qua chế biến trở thành một loại sản phẩm chả cá rất được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. Nhiều người không tin ông thành công bởi đấy là một công việc vô cùng khó khăn. Bằng chứng là sau khi thấy Coimex thành công với mặt hàng này, hàng chục công ty cũng đổ xô vào làm nhưng kết quả là bây giờ chỉ còn Coimex trụ vững.

Từ 2 nhà máy chế biến chả cá, Tổng giám đốc Lê Văn Kháng tiếp tục liên doanh với đối tác Singapore, Malaysia xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm mô phỏng từ chả cá như: Càng cua, tôm, cá lăn bột… Hiện nay, mặt hàng surimi của Coimex chiếm gần 90% sản lượng của cả nước. Về doanh thu XK Coimex cũng đứng nhất nhì tỉnh. Hiện nay, Công ty có thêm 2 nhà máy hoạt động tại Kiên Giang, Trà Vinh và 1 trại cá giống ở Hậu Giang. Tiếp tục nâng cao chất lượng cho surimi, Coimex đã mời chuyên gia Hoa Kỳ sang và đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, có dây chuyền sản xuất của Hàn Quốc được trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm kiểm tra vi sinh, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm, sản xuất theo quy trình khép kín đạt tiêu chuẩn ngành và đạt các chứng nhận ATVSTP quốc tế.

Dự kiến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 40 triệu USD, tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống: Nga, EU, châu Á, Mỹ… và tiếp tục mở rộng thị trường mới.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, đầu năm 2013, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Kháng được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

                                                                                                          Theo: Hải Quan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.520.519
Tổng truy cập: