HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Không thể mang nghề từ Hà Nội lên truyền dạy ở trên núi
(Ngày đăng: 22/04/2013   Lượt xem: 1157)

 Ngoài ra, chính sách cho miền núi là bao giờ làm xong thì thôi cho nên phải dài hạn, ít nhất là trung hạn 5 năm, 10 năm.

Bước sang năm thứ 16, Chương trình 135 thể hiện chính sách an sinh xã hội đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần làm thay da đổi thịt nhiều xã, thôn bản vùng dân tộc và miền núi, nhất là về cơ sở hạ tầng.

Sau khi giai đoạn 3 của chương trình 135 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời nhận được nhiều câu hỏi của người dân muốn tìm hiểu những điểm mới trong chính sách vừa được phê duyệt. Đồng thời người dân cũng không khỏi băn khăn về một số bất cập, chồng chéo tại một số địa phương khi triển khai các Dự án thuộc chương trình 135 trong thời gian vừa qua.

Để giải đáp những vấn đề vừa nêu, Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tuần này có sự tham gia của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử.

PV: Thời gian vừa qua, nhiều người dân bày tỏ niềm vui khi biết sẽ có chính mới cho các hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi qua ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn về tiêu chí, thủ tục cụ thể để được vay nguồn vốn này. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm  Ủy ban Dân tộc nói rõ hơn về chính sách này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hoàng Seo Phử: Đảng và Nhà nước dành rất nhiều ưu đãi, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là vùng dân tộc miền núi. Do vậy, vùng nông thôn, miền núi đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Đời sống của đồng bào đã được cải thiện một bước rất quan trọng, về mặt dân trí và các mặt khác đều được đánh giá là có tiến bộ hơn nhiều.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử. (Ảnh: cema.gov.vn)

Liên quan đến vấn đề mà đồng bào quan tâm, người nghèo đã có chính sách, nhưng hộ cận nghèo thì sẽ như thế nào? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đã có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thuộc chức năng quản lý của mỗi bộ, ngành, nên chính sách ban hành cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ cận nghèo chưa có chính sách.

Cho đến thời điểm này, Thủ tướng đã chỉ đạo và đã có hiệu lực khi cho hộ cận nghèo được vay vốn với giá ưu đãi. Tiêu chí xác định gần như các hộ nghèo, chỉ khác là không được hưởng hoàn toàn các chính sách của hộ nghèo. Bởi vì hộ cận nghèo về quy định chuẩn của chúng ta vẫn đang tiếp tục phải bàn thêm, bởi sự chênh lệnh giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ chênh nhau có 1.000 đồng thôi.

Tôi cho rằng đối với hộ cận nghèo với chính sách vay vốn với lãi suất thấp thì Chính phủ xử lý rất đúng đắn và tạo một cơ hội rất tốt để làm ăn thoát nghèo nhanh.

PV: Theo phản ánh của một số cán bộ xã ở các tỉnh miền núi, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án dành cho các xã đặc biệt khó khăn có tình trạng chồng chéo. Hệ quả là các cán bộ địa phương dù đã được tập huấn vẫn khó thực hiện, hiệu quả các chương trình không cao. Vậy câu hỏi đặt ra là cần có cơ chế lồng ghép như thế nào để tăng hiệu quả của các chương trình hỗ trợ?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hoàng Seo Phử: Việc bố trí các chương trình thì có 2 vấn đề: Một là lĩnh vực không được quan tâm thí ít được mọi người chú ý đến. Còn có việc lại có quá nhiều người cùng làm và đương nhiên sẽ dẫn đến việc chồng chéo như người dân phản ánh.

Chúng tôi biết và đã có báo cáo với Thủ tướng về việc này, cần xử lý về phân công trách nhiệm quản lý chương trình, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia, những nội dung đi vào chi tiết, trên cùng một địa bàn thì nên có sự lồng ghép và tập trung vào một đầu mối. Theo tôi nên phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và các bộ, ngành không nên can thiệp quá sâu vào việc này, không nên chỉ đạo trực tiếp các lĩnh vực chi tiết như vậy và phải tin vào cấp dưới.

Thực tế hiện nay ở các cấp đội ngũ kỹ thuật, kỹ sư đã khá hơn ngày trước rất nhiều, đủ trình độ để giải quyết những công việc như thế này. Không chỉ riêng Điện Biên, Lai Châu mà nhiều địa phương hiện cũng đang ở trong tình trạng này.

PV: Anh Thảo A Khua ở Mù Cang Chải (Yên Bái) được học nghề cơ khí những mong có việc làm tại quê nhà. Tuy nhiên, sau khi học được nghề thì anh không thể xin được việc làm vì tại địa phương không có doanh nghiệp cơ khí. Thực tế là các doanh nghiệp gần như vắng bóng tại các tỉnh miền núi, dân tộc? Vậy theo Bộ trưởng, phải chăng do các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các tỉnh miền núi  chưa đủ để thu hút doanh nghiệp?                      

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hoàng Seo Phử: Tôi đánh giá cao câu hỏi này. Bởi chúng ta đã biết, phát triển và đào tạo nghề cả nước nói chung đã thu được thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, khi phân theo vùng và vùng khó khăn nhất hiện nay thì đào tạo nghề đang còn chật vật, thậm chí chưa có đào tạo nghề cho vùng dân tộc và miền núi. Đây là một yêu cầu rất cấp bách và đòi hỏi rất chính đáng. Bởi người ta đi học nghề nhưng khi về lại không có ai đủ điều kiện tiếp nhận họ vào làm. Nếu tự mở cửa hàng thì lại không có kinh phí.

Để giải quyết được việc này thì cần phải có cơ chế khuyến khích thu hút, kêu gọi, ưu đãi cho doanh nghiệp lên vùng khó khăn sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chính sách liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân.

Chúng ta có nói nhưng chỉ mang tính chất lý thuyết, người dân mong muốn có một nghề nhưng đào tạo nghề lại không gắn với cuộc sống. Đào tạo nghề cho bà con dân tộc phải theo đặc thù, truyền thống của các dân tộc, không thể mang nghề từ Hà Nội lên truyền dạy ở trên núi được.

Tới đây chúng tôi sẽ có bàn bạc cùng với Bộ LĐ,TB&XH có chương trình đào tạo nghề dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc và người dân tộc thiểu số. Đề xuất của vấn đề này là các bộ, ngành nên xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lên tổ chức sản xuất, phối hợp với nông dân sử dụng nguồn lực của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người nông dân.

Thứ 2, cần có lớp đào tạo nghề phải khảo sát thực tế phù hợp với nhu cầu, đào tạo xong phải có thu nhập cho người dân. Ngoài những chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, thì cũng cần xử lý những vấn đề đột xuất, cấp bách.

Một vấn đề nữa khi chính sách của chúng ta là chính sách nhiệm kỳ. Cán bộ, lãnh đạo, các Bộ trưởng… có thể theo nhiệm kỳ, nhưng chính sách không nên theo nhiệm kỳ. Chính sách cho miền núi là bao giờ làm xong thì thôi cho nên phải dài hạn, ít nhất là trung hạn, 5 năm, 10 năm. Đầu tư dứt điểm, từng phần một, địa bàn nào thiếu gì đầu tư cái đấy, chứ không áp dụng chung cho toàn quốc. Như vậy vùng đặc biệt khó khăn sẽ có những chương trình riêng và hiệu quả sẽ cao hơn.

PV: Chương trình 135 có chính sách cấp máy cày để phát triển sản xuất. Thực hiện chính sách này, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đầu tư cho xã Nậm Kè 8 hộ 1 máy cày, công suất 8 mã lực. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi dốc, diện tích các thửa ruộng hẹp nên máy cày về xã cũng “bất lực” đành “đắp chiếu”, không sử  dụng, gây lãng phí lớn. Rõ ràng, việc thực hiện các chương trình hỗ trợ vẫn còn mang tính hình thức và không xuất phát từ thực tiễn cơ sở và nhu cầu của người dân. Ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc như thế nào về thực tế này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hoàng Seo Phử: Chính sách thì Đảng và Nhà nước quy định chung cho phạm vi rộng, tất cả những tỉnh thành thuộc đối tượng được hưởng thụ, như chương trình 135 này được áp dụng cho 52/62 tỉnh, thành phố trên cả nước, tùy theo điều kiện cụ thể của các địa phương mà thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nông dân được mua giống, phân bón, sức kéo.

Thế nhưng câu chuyện này quá buồn, bởi vì không rõ trình độ các cán bộ trực tiếp xử lý vấn đề này như thế nào, nhưng miền núi vùng cao dốc như thế mà mua máy cày thì không hợp lý, gây lãng phí và rất mang tiếng. Lẽ ra anh phải mua trâu cho đồng bào thì mới được, lại đi mua máy cày thì lấy ruộng đâu mà cày, hoặc nếu có thì cũng không thể dùng máy được.

Đây là nhận thức về chính sách không được đầy đủ do vậy cũng cần rút kinh nghiệm, cấp ủy chính quyền địa phương phải trực tiếp chỉ đạo nếu không cuối cùng lại gây lãng phí. Tôi cho rằng đây cũng là một bài học xương máu.

PV: Quay trở lại việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chương trình 135 giai đoạn 3. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết trong giai đoạn 3 này, chương trình có những điểm gì mới?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hoàng Seo Phử: Các điểm mới của chương trình này là kế thừa nội dung của giai đoạn 2 mà mục tiêu đã đề ra nhưng chưa hoàn thành phải tiếp tục giải quyết. Ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng thì tiếp tục hỗ trợ người dân sản xuất như tôi vừa nói. Nội dung mới nữa này là đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi đánh giá muốn có chất lượng tốt, triển khai chính sách tốt để vào cuộc sống được hay không thì phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ quản lý điều hành.

Trong chương trình 135 lần này bổ sung thêm nội dung thứ 3 là đào tạo nguồn nhân lực. Thực ra xếp thứ 3 nhưng là đồng hành và phải là xếp thứ nhất để giải quyết các vấn đề quan trọng khác. Một số vấn đề được bổ sung thì định mức cho các chính sách những điểm mới này.

Định mức cho chính sách hiện nay chúng ta biết, do khó khăn của kinh tế đất nước nên trước mắt tạm thời giữ mức theo quy định Nghị quyết của Quốc hội từ nay đến năm 2015 là đầu tư hỗ trợ cho mỗi xã là 1 tỷ đồng. Thế nhưng từ năm 2015 trở đi tùy theo tình hình của đất nước để có đầu tư hỗ trợ cao hơn và dự kiến là 2,5 tỷ đồng nhưng cũng xin nhắc lại là tùy theo tình hình của đất nước.

Một số vấn đề khác như trung tâm cùng xã tùy theo từng điều kiện cụ thể để có nghiên cứu đầu tư và chúng tôi đã được Thủ tướng Chính phủ giao để triển khai xây dựng một loạt chính sách khác mà có liên quan đến chương trình này.

PV: Một số ý kiến cho rằng chính sách dân tộc, miền núi hiện nay chủ yếu là hỗ trợ một lần nhưng lại thiếu các biện pháp dài hạn để giúp bà con thoát nghèo bền vững. Vậy với vai trò tham mưu cho Chính phủ, định hướng chính sách của Ủy ban Dân tộc trong thời gian tới như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hoàng Seo Phử: Trong định hướng Ủy ban Dân tộc đề xuất và được Thủ tướng quyết định có chính sách về đất ở, đất sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào, hỗ trợ về ổn định dân cư. Chúng ta phải nhận thức rằng chính sách của chúng ta thì có những loại phải hỗ trợ như hỗ trợ dầu, muối, đây là hỗ trợ chứ không thể gọi là đầu tư được. Đây là những chính sách hỗ trợ một lần, năm nào dứt điểm năm ấy theo nhân khẩu của hộ nghèo đó.

Tuy nhiên cũng có những chính sách phải dài hạn hơn như vấn đề giao thông, giáo dục, y tế… thì phải phát triển dài hạn. Trong này vừa có hỗ trợ vừa có đầu tư của nhà nước, chúng ta không chỉ làm một mặt, chỉ đầu tư không hỗ trợ và ngược lại thì sẽ không đủ sức vì nguồn lực rất lớn, tùy theo chính sách để linh hoạt.

Tôi cũng rất đồng tình chính sách phải dài hạn, phải rất linh hoạt, nên có những chính sách quốc gia, cấp Thủ tướng quản lý, Bộ ngành hay địa phương quản lý, phải phân cấp rõ ràng. Theo tôi ngân sách của chúng ta là ngân sách cân đối, chủ yếu là từ ngân sách của trung ương cho các địa phương. Còn các địa phương tự chủ được về kinh tế, tự chủ được ngân sách thì rất ít.

Chúng ta xây dựng chính sách mỗi vùng có đặc thù riêng chứ không thể là một chính sách chung áp dụng cho cả nước. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng được cái này nhưng bất hợp lý chỗ khác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã tham gia Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tuần này./.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.516.666
Tổng truy cập: