HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
(19)- Đưa di sản sống vào trường học, nhìn từ “STEM nón lá”
(Ngày đăng: 03/01/2024   Lượt xem: 57)

Mặc dù làm nón lá mang lại thu nhập không cao, nhưng giờ đây các nghệ nhân làng nón lá Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, có niềm vui khác. Bài giảng “STEM nón lá” đang giúp cho chính con em họ thêm hiểu, thêm yêu và trân quý nghề truyền thống của quê hương.

“Vừa ấn tượng về mặt thị giác vừa mang ý nghĩa sâu sắc”

Giờ học trải nghiệm ở Trường THCS Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hơn chục em học sinh ngồi thực hành các công đoạn làm nón lá truyền thống của quê hương, từ vê lá, là lá, làm khuôn đến xếp lá, khâu nón... Bà Triệu Thị Nhường đi đi lại lại quan sát. “Xếp lá thế kia là chưa đúng rồi!”. Bà tiến đến vừa giải thích vừa làm mẫu cho các em học sinh. “Làm nón khâu nào cũng quan trọng vì chúng liên quan đến nhau, nhưng xếp lá có lẽ quan trọng nhất, phải xếp đều và kín, đúng chiều thì nón mới đẹp”. 65 tuổi đời, như bao người dân khác ở xã Gia Thanh, bà Nhường gắn bó với việc làm nón lá từ bé, học từ bà, từ mẹ. Tuy vậy, bà Nhường không nghĩ có ngày mình lại đi “làm thầy”.

Bà Triệu Thị Nhường chính là đồng tác giả bài giảng “Đưa di sản sống nón lá Việt Nam vào bài giảng STEM” (STEM nón lá) được UNESCO trao tặng giải thưởng Đổi mới sáng tạo trong giảng dạy cuối tháng 10.2023. Bà là “di sản sống”, trao truyền các tri thức, kỹ năng làm nón lá truyền thống cho thế hệ trẻ Gia Thanh. Trong nhóm tác giả còn có: thầy Ngô Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thanh; cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên Trường THCS Gia Thanh; cô Đào Thị Hồng Quyên, người sáng lập dự án STEM cho trẻ em yếu thế; và thầy Đỗ Hoàng Sơn, cố vấn dự án STEM cho trẻ em yếu thế.
Đưa di sản sống vào trường học, nhìn từ “STEM nón lá” -0
Nghệ nhân Triệu Thị Nhường dạy học sinh Gia Thanh làm nón lá
“Bằng cách lồng ghép di sản sống nón lá vào bài giảng, học sinh không chỉ được tìm hiểu về một khía cạnh độc đáo của văn hóa Việt Nam mà còn đánh giá cao hơn giá trị của việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Bài học cũng khuyến khích học sinh kết nối cách làm và đội nón truyền thống với những cách làm tương tự ở các nền văn hóa khác, thúc đẩy sự hiểu biết rộng hơn về truyền thống của toàn cầu”.
Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên

“Chúng tôi chọn di sản sống này vì chiếc nón lá thể hiện một phần tinh túy của văn hóa Việt Nam, vừa ấn tượng về mặt thị giác vừa mang ý nghĩa sâu sắc. Nó mang lại cơ hội tuyệt vời để khám phá không chỉ nghề thủ công mà còn cả các khía cạnh văn hóa và xã hội của Việt Nam”, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên, người viết hồ sơ bài giảng “STEM nón lá” gửi UNESCO, chia sẻ.

Là giáo viên dạy Văn, được phân công nghiên cứu xây dựng bài giảng “STEM nón lá”, lúc đầu cô Nguyễn Thị Minh Tâm cũng hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu. Nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thảo luận với cô Đào Thị Hồng Quyên, thầy Đỗ Hoàng Sơn và giáo viên các bộ môn khác trong trường, cuối cùng bài giảng cũng thành hình. Từ tháng 3.2023, Trường THCS Gia Thanh đưa “STEM nón lá” vào giảng dạy các bộ môn Toán, Khoa học tự nhiên, Công nghệ; từ năm học 2023 - 2024, áp dụng đồng bộ ở hầu hết bộ môn và chuyên đề giáo dục địa phương.

Nâng cao ý thức giữ gìn di sản

Mục tiêu của bài giảng “STEM nón lá” là gia tăng hứng thú cho học sinh trong hoạt động STEM; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kết nối trường học với cộng đồng địa phương. Di sản sống nón lá được lồng ghép vào bài học giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của nón lá trong văn hóa Việt Nam, từ đó bồi dưỡng lòng quý trọng di sản nghề truyền thống của quê hương, của đất nước.

Bài học STEM trong lĩnh vực Toán học, Khoa học tự nhiên, Thiết kế kỹ thuật (môn Công nghệ), Mỹ thuật… thông qua hoạt động thiết kế và thực hành, học sinh áp dụng kiến thức toán học để tính toán kích thước, tỷ lệ và diện tích liên quan đến nón lá, sử dụng chiếc nón lá để rút ra kiến thức liên quan đến bộ môn, vẽ hình, tưởng tượng, tư duy khám phá hình nón, hình nón cụt, diện tích xung quanh và thể tích hình nón, hình nón cụt...

Học sinh cũng được tìm hiểu quy trình kỹ thuật, quy trình sản xuất nón lá, các thông số đặc trưng của nón lá Việt Nam; tìm hiểu về loại lá cây truyền thống dùng để làm nón, bao gồm quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch; khám phá các phản ứng hóa học khi xử lý lá cây làm nón... Ngoài ra, việc khuyến khích học sinh thảo luận về ý nghĩa văn hóa, xã hội, thời trang và nguyên liệu xanh của chiếc nón lá giúp học sinh mở rộng kiến thức, cởi mở chia sẻ quan điểm, góc nhìn…

“Giáo dục STEM ở Phù Ninh đã bắt đầu tiến vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn các thầy cô giáo và nhà trường chủ động tổ chức phát triển bài giảng STEM, đặc biệt là các bài giảng STEM đến từ đời sống lao động và văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, kỹ sư Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Liên minh STEM Việt Nam, nhận định.

Kế hoạch tiếp theo là nghiên cứu phát triển các chủ đề STEM kết nối với di sản sống, đồng thời chia sẻ sáng kiến này đến nhiều trường học hơn nữa. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Phù Ninh Bùi Tuấn Long, chưa thể đánh giá hiệu quả giáo dục của việc sử dụng bài giảng STEM nón lá, nhưng có thể thấy rõ nhất và ngay tức khắc là việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghề thủ công truyền thống làm nón lá ở Gia Thanh. Bởi một khi học sinh hiểu về nghề truyền thống của quê hương, các em sẽ yêu và có ý thức giữ gìn cũng như tìm ra cách phát huy giá trị của nó. Và như thế sẽ không lo ngại nghề truyền thống bị mai một hay thất truyền.

Điều này được chứng minh phần nào khi chúng tôi phỏng vấn nhanh một số học sinh tham gia giờ học trải nghiệm, các em đều nói biết làm nón và bà, mẹ ở nhà cũng làm nón. Tuy nhiên, qua các giờ học đầy thú vị, giờ đây “em tự hào vì làng nghề làm nón gần 100 tuổi của Gia Thanh và cảm thấy mình có trách nhiệm góp phần giữ gìn nghề truyền thống ấy”, Triệu Phương Nhung, học sinh lớp 8B, Trường THCS Gia Thanh chia sẻ.

Bà Nhường vui ra mặt. Dù ai đi sớm về trưa/Cái nón đội đầu chả mưa thì nắng. Đọc câu ca dao được lưu truyền ở Gia Thanh, bà Nhường bảo nghề làm nón cho thu nhập không cao nhưng người dân Gia Thanh vẫn duy trì gần 100 năm nay, phần vì nghề này người già, trẻ em đều có thể làm được, phần bởi không ai muốn nghề truyền thống của làng bị biến mất. Giờ đây nón lá được đưa vào bài học trong nhà trường, lại được quốc tế vinh danh, “chẳng niềm vui nào bằng”.

                                             Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.498.533
Tổng truy cập: