Chỉ tổ chức lớp khi xác định được nơi làm việc và thu nhập
Cụ thể, thành phố Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó: nghề nông nghiệp 8.322 người; nghề phi nông nghiệp 4.778 người. Các ngành nghề đào tạo bao gồm các nghề phi nông nghiệp như: Kỹ thuật điêu khắc gỗ; Kỹ thuật sơn mài; Thêu, ren mỹ thuật; Sản xuất hàng mây tre, giang đan; Hàn điện; Điện dân dụng; Thiết kế tạo mẫu tóc; Sửa chữa xe gắn máy; sửa chữa điện thoại di động;… Các nghề nông nghiệp như: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; Trồng lúa chất lượng cao; Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; cây ăn quả; Kỹ thuật chăn nuôi; thú y;…
Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu dạy thực hành, thời gian đào tạo phù hợp từng nghề, phù hợp nhận thức của người lao động. Đối với các nghề phi nông nghiệp tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại các doanh nghiệp tuyển dụng theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Các nghề nông nghiệp tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học.
Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm. Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và xác định được mức thu nhập tăng thêm của người lao động sau khi học nghề.
Hỗ trợ người học nghề
Lao động nông thôn tham gia học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ học nghề là lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi ngươi có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học nghề theo Quyết định 1956. Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học, trường hợp địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Theo kế hoạch, hình thức đào tạo được thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đào tạo nghề theo quy định để thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định.
Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trên địa bàn Thành phố trong việc thực hiện Quyết định 1956. Đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tổ chức đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định. Phấn đấu tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.