HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Đào tạo nghề lao động nông thôn: Bộ “nói” hiệu quả, địa phương “chê” nặng phong trào
(Ngày đăng: 10/05/2014   Lượt xem: 767)
Tại Hội nghị sơ kết đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) diễn ra sáng 7/5 do Bộ NN&PTNT tổ chức, đại diện nhiều địa phương đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về những tồn tại trong thực hiện Đề án về đào tạo nghề cho LĐNT. Đa số các ý kiến đều cho rằng, đào tạo nghề cho LĐNT vẫn chủ yếu mang tính hình thức, nặng phong trào trong khi thực tế, tỷ lệ nông dân sống được với nghề rất ít…



Đại diện tỉnh Lai Châu, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn cho biết, ở địa phương này đã có khoảng 30% nông dân trên địa bàn được đào tạo nghề, nhưng tỷ lệ nông dân sống được với nghề mình học rất ít, gần như vẫn quay lại nghề cũ với lối sản xuất cũ. Theo ông Quảng, đào tạo nghề cho LĐNT còn mang nặng hình thức, phong trào mà không có quy hoạch gắn với sản xuất của từng địa phương cụ thể. Đào tạo chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và doanh nghiệp sử dụng lao động.

Ông Quảng nêu dẫn chứng, tỉnh Lai Châu có đến 90% nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp, với một số sản phẩm chủ lực như cao su, chè, lúa chất lượng cao, nhưng đào tạo nghề cho nông dân lại tập trung vào những thứ viển vông như điện tử, điện lạnh, dạy nuôi công, chim trĩ, cá tầm… không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. “Năm 2013, khoảng 200ha cao su trên địa bàn tỉnh do các tiểu nông trồng đến kỳ thu hoạch, nhưng nông dân không biết cạo mủ, xử lý ra sao. Từ UBND tỉnh đến ngành Nông nghiệp địa phương đều lúng túng, nông dân phải sang Trung Quốc tìm chuyên gia về hướng dẫn”, ông Lê Trọng Quảng khẳng định.

Theo ông Quảng, việc đào tạo nghề cho LĐNT còn bị chồng chéo, nhiều ngành, tổ chức cùng tham gia, như ngành NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Hội Nông dân, rồi các tổ chức phi Chính phủ, Hiệp hội nghề nghiệp… Có một thực tế là hiện nay, ngành NN&PTNT đều ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo, dạy nghề, sau đó, các cơ sở này sẽ tự đi tuyển sinh, vận động nông dân đi học. Cũng bởi sự “khoán trắng” này đã xảy ra tình trạng tranh giành hợp đồng. Trong khi đó, nông dân đi học cũng không xuất phát từ nhu cầu mà tranh thủ lúc nông nhàn, được hỗ trợ thì cũng đăng ký đi học… cho vui. “Chúng ta không thể đánh giá kết quả dựa trên những số liệu báo cáo về lượng người đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Ngay cả sinh viên được đào tạo chính quy, bài bản đến 4 - 5 năm, có bằng tốt nghiệp trong tay, mà tỷ lệ làm được việc cũng không lớn, thì nói gì đến một khóa đào tạo ngắn hạn chỉ dăm bảy tháng. Tiền bỏ ra nhiều, mà hiệu quả chưa như mong muốn”, ông Lê Trọng Quảng thẳng thắn.

Do đó, nhiều địa phương cho rằng, cần thay đổi phương pháp đào tạo. Với lĩnh vực NN&PTNT phải yêu cầu từng địa phương đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đào tạo phải theo kế hoạch, mỗi địa phương gắn với 1-3 cây trồng, con vật nuôi chủ lực. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu ý kiến, nên đào tạo nghề cho LĐNT gắn với  quy hoạch nông nghiệp từng xã, sản phẩm chủ lực của địa phương, còn nếu đáp ứng theo nhu cầu muôn hình vạn trạng của nông dân, thì chẳng khác nào xây dựng một nền nông nghiệp hàng xén, tủn mủn. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm đến các cấp mới giải quyết được vấn đề. Còn như hiện nay, hiệu quả chưa cao, nhưng cũng không biết trách nhiệm thuộc về ngành, đơn vị nào.

Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) với các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như, giai đoạn 2011 – 2015 đào tạo nghề cho 5,2 triệu LĐNT, giai đoạn 2016 – 2020 đào tạo nghề cho 6 triệu LĐNT. Tổng kinh phí để thực hiện đề án đến năm 2020 là gần 26.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn từ 2010 - 2015 là hơn 13.000 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT cho biết, qua 4 năm thực hiện Đề án (2010-2013), khoảng 5 triệu người được đào tạo nghề, chiếm 20% lao động khu vực nông thôn, riêng số lao động được học nghề nông nghiệp là hơn 660.000 người, đạt trên 50% mục tiêu của Đề án. Ngoài ra, đã xây dựng chương trình, giáo trình của 132 nghề; thí điểm nhiều mô hình dạy nghề như cấp thẻ học nghề nông nghiệp, dạy nghề cho lao động để cung ứng cho các công ty.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, riêng năm 2013, cả nước đào tạo được hơn 203.000 LĐNT. Hiệu quả sau học nghề khá khả quan, trong số gần 190.000 LĐNT đã học nghề xong có đến gần 170.000 người đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập cao hơn.


 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.495.956
Tổng truy cập: