HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Để thủ công mỹ nghệ vươn tầm
(Ngày đăng: 29/04/2014   Lượt xem: 556)
Vài năm gần đây, ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và rất cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Là một trong những doanh nhân kinh doanh lâu năm trong ngành, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Mỹ nghệ Kim Bôi - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, đã chia sẻ một số giải pháp cần thiết để vực dậy ngành.

Thực trạng

Những năm gần đây, các sản phẩm TCMN ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mang nhiều sắc thái khác nhau từ truyền thống địa phương đến phong cách của các nước Á, Âu như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hoa Kỳ…

Các cơ sở sản xuất và làng nghề cũng được củng cố hoặc thành lập mới, tạo ra một lực lượng sản xuất dồi dào với nguồn hàng phong phú, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực cho xóa đói giảm nghèo. Ngành TCMN tận dụng được các nguyên phụ liệu tại chỗ, giải quyết xử lý các thứ phẩm, phế phẩm sau thu hoạch và chế biến thành nguyên liệu giải quyết ô nhiễm môi trường.

Từ kim ngạch xuất khẩu 235 triệu USD vào năm 2001 đến nay hàng TCMN đã xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu thụ của thế giới đối với hàng TCMN khoảng 100 tỷ USD/năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chỉ chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn, nhất là so với Trung Quốc và Ấn Độ đang chiếm gần 60% của thị trường thế giới.

Nhưng với chi phí lao động ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian qua, nhiều cơ hội đang được mở ra cho hàng TCMN Việt Nam. Điều này cũng cho thấy được không gian phát triển của ngành TCMN nước ta còn nhiều tiềm năng. Sản phẩm TCMN của chúng ta sẽ không phải lo khó khăn về thị trường tiêu thụ, mà cái khó ở đây chính là trong sản xuất nội tại.

Điều đầu tiên có thể thấy được là đa số DN trong ngành là DNNVV, rất nhạy cảm với sự thay đổi của thị trường nhưng lại thiếu khả năng đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm, khai thác thị trường. Trong khi đó, 2 năm vừa qua chi phí đầu vào tăng khá nhanh, lãi suất ngân hàng cao, chi phí lao động, vận chuyển và nguyên liệu đều tăng, giá tiêu thụ lại không được điều chỉnh, khiến 30% DN trong ngành nằm trong tình trạng sản xuất không có lãi, phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.

Bên cạnh đó, đa số DN làm hàng giá rẻ, lại qua nhiều trung gian làm giá trị thặng dư rất thấp. Lợi nhuận của DN và người lao động ngày càng eo hẹp trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, làm cho người lao động trong ngành TCMN càng gặp khó khăn hơn, dẫn đến nhiều người đã phải bỏ nghề, thiếu lao động của ngành TCMN hiện nay đang là vấn nạn của các DN sản xuất mỹ nghệ.

Và giải pháp

Để khắc phục được những khó khăn kể trên, các DN trong ngành TCMN cần phải liên kết lại để tận dụng cơ sở vật chất và thế mạnh của nhau, phân công lao động dựa theo thế mạnh của từng đơn vị để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động để thu hút họ gắn bó với nghề.

Cụ thể: (1) Liên kết tiếp nhận những đơn hàng lớn, phân công phân khúc sản xuất, tận dụng và phát huy công năng cơ sở vật chất, lao động, năng suất máy móc thiết bị hiện có của các đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính hoàn thiện, thẩm mỹ, an toàn của sản phẩm khi sản xuất. Chủ động thiết kế, xây dựng các sản phẩm mới, dựa theo thế mạnh nguyên liệu và lao động tay nghề, chủ động xúc tiến thị trường trong và ngoài nước.

(2) Liên kết tổ chức tập hợp các thợ lành nghề, chuyên gia, thành lập đội ngũ kỹ thuật chuyên môn để xây dựng công nghệ sản xuất và đầu tư phát triển các máy móc, thiết bị phụ trợ, phục vụ cho cải tiến công nghệ và phát triển sản phẩm mới, để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, đảm bảo sự đồng đều chất lượng cũng như ổn định chất lượng sản phẩm.

(3) Liên kết xúc tiến thương mại, thu thập thông tin, nắm bắt nhu cầu, thói quen tiêu dùng và thâm nhập vào các thị trường tiêu thụ của thế giới. Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TCMN, đặc biệt xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt, có tay nghề và có khả năng sáng tạo để hướng dẫn dạy nghề và những kiến thức cơ bản cho người lao động khi có sản phẩm mới, để có thể dễ dàng tiếp cận, rút ngắn thời gian học nghề và cải tiến phương thức sản xuất gia công, nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất sản phẩm theo kịp thời gian và ổn định chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm mỹ nghệ Kim Bôi.

Tất nhiên, muốn làm được những điều này cần có nhận thức thống nhất của DN, biết liên kết, phát huy tinh thần tương trợ, định hướng chiến lược phát triển của từng đơn vị, phối hợp định mức sản xuất, ổn định giá thành, chất lượng và đảm bảo nhu cầu của thị trường về giá cả, chất lượng, công năng và tính thẩm mỹ của sản phẩm.

Song hành với sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại và vay vốn cho các DN. Nếu không có sự tiếp sức của các cơ quan quản lý nhà nước, bản thân DN sẽ khó thực hiện được. Cần có chính sách phát triển cho ngành, quan tâm tính đặc thù về nguyên liệu và lao động của ngành, có tính về thu mua nguyên liệu, sử dụng lao động nhàn rỗi tại nông thôn. Đặc biệt, các cơ quan chức năng nên thường xuyên cung cấp thông tin dự báo về diễn biến thị trường, các thay đổi về quy định xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, hạn chế rủi ro cho DN…

Nếu có chính sách phù hợp sẽ giúp DN trong ngành có điều kiện đầu tư phát triển, tăng cường khả năng sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao, có khả tiếp cận các đơn hàng lớn, ổn định thị trường tiêu thụ.

Theo: Sài Gòn đầu tư


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.496.018
Tổng truy cập: