HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Học sinh “quay lưng” với môn Sử?
(Ngày đăng: 12/03/2014   Lượt xem: 497)
Không có nhiều học sinh chọn môn Sử trong 2 môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 không có nghĩa là học sinh sợ hay quay lưng với môn Sử. Hiện tượng mà nhiều người nói là học sinh không còn yêu môn Sử là do đâu?

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình, TPHCM) trong một giờ học môn sử. Ảnh: thanhnien.com.vn

Tỷ lệ thi vào khối C rất thấp

Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, thí sinh thi vào khối C giảm mạnh, từ 4% trên tổng số hồ sơ của các khối năm 2012 xuống còn 2,6% năm 2013.

Cụ thể năm 2013, hồ sơ tuyển sinh khối C ở TPHCM chỉ có 2.639/148.290 số hồ sơ dự thi; Đồng Tháp có 778/21.902 tổng số hồ sơ; ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2013 chỉ có 3.306 bộ, giảm so với năm 2012 là 4.042 bộ.

PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM, cho biết: Các ngành thi khối C hiện nay thường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp. Chỉ có một số ít các trường có thi tuyển đầu vào khối C, còn lại chủ yếu là khối A, A1, B, D. Thậm chí nhiều trường trước đây như ĐH Luật, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Sư phạm TPHCM… chủ yếu thi tuyển khối C thì nay cũng đã mở rộng tuyển sinh sang các khối thi khác.

Cụ thể, trong mùa tuyển sinh năm 2014, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (trường trước đây chiếm tới 80% học sinh khối C) thì nay chỉ tiêu vào khối C chỉ có gần 800/2.850 tổng chỉ tiêu (chiếm 28%). ĐH Sư phạm TPHCM có hơn 500 chỉ tiêu cho các ngành khối C trên 3.300 chỉ tiêu. Trường ĐH Luật TPHCM chỉ tiêu tuyển sinh trên 1.500 thì khối C chỉ chiếm gần 25%.

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, xu hướng của xã hội cũng như yêu cầu nguồn nhân lực hiện nay cần những ngành thiên về kiến thức tự nhiên, xã hội, ngoại ngữ. Vì vậy, khi chỉ tiêu đầu vào của các trường ĐH có môn thi khối C thấp thì số lượng các em chọn môn Lịch sử là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cũng ít hơn nhiều so với môn khác là điều có thể hiểu được.

Chọn môn tự chọn tốt nghiệp THPT theo khối thi ĐH

Theo thầy Trần Phước Đức (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi TPHCM), số lượng HS hiện nay đăng ký vào các trường ĐH, CĐ thường chiếm tỷ lệ cao ở các khối A, A1, B, D. Vì vậy, để thuận tiện trong quá trình ôn thi, các em HS thường chọn môn cùng với khối thi ĐH, CĐ nhằm tiết kiệm thời gian ôn thi (giữa 2 kỳ thi THPT và ĐH cách nhau hơn 2 tháng) cũng như củng cố kiến thức ngay từ khi ôn thi tốt nghiệp phổ thông.

Em Lê Thị Khánh Hà (học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TPHCM) cho biết tuy rất yêu thích các môn xã hội, trong đó có môn Sử nhưng vì đang luyện thi ĐH khối D (Toán, Văn, Anh văn) và khối A1 (Toán, Lý, Anh văn) nên em chọn môn Anh văn và Vật lý là 2 môn tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp để giảm bớt thời gian ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tập trung vào kỳ thi ĐH, CĐ.

Cũng chung quan điểm này, thầy Nguyễn Thanh Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng khi Bộ GDĐT đã cho các em được tự chọn 2 môn thi tốt nghiệp thì tất nhiên các em phải dựa vào lợi thế là chọn các môn thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

HS không lựa chọn môn Sử không phải vì không thích môn học này mà vì các em phải tính toán phương án để đạt được điểm cao nhất có thể trong các kỳ thi.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Cúc (Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định TPHCM), không phải vì ít HS chọn môn Sử là kết luận các em không yêu môn Sử. Cũng như các môn học khác, sự phân hóa trong HS thường bắt đầu từ lớp 10 khi các em bộc lộ năng khiếu, sở thích, sở trường và định hướng khối thi ĐH của mình. Vì vậy, có rất nhiều HS không thi khối C, không chọn môn Sử nhưng vẫn tham gia Câu lạc bộ hoạc sinh yêu thích môn Lịch sử của trường.

Vì vậy, không nên vội kết luận HS ít lựa chọn môn Sử là do phương pháp giảng dạy môn học này có vấn đề hay là HS chán, ngại học Sử. Có rất nhiều giáo viên dạy Sử tâm huyết và có những phương pháp dạy lôi cuốn HS và cũng có rất nhiều học sinh học tốt môn này.

Cô giáo Nguyễn Thị Thiên Minh (nguyên Trưởng bộ môn Sử, Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) cho biết, hơn 30 năm gắn bó với môn Sử, cô thấy rằng không chỉ những học sinh chuyên ban C hay chuyên môn Sử mà ngay cả những em học chuyên Toán, chuyên Lý của trường cũng rất yêu thích bộ môn này. Trong những chương trình thi về môn Sử của trường và thành phố, nhiều em đoạt giải lại chính là những em học ở khối chuyên Toán, Lý.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Thanh Hùng, nội dung của chương trình Lịch sử đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ chi tiết hàng trăm sự kiện lịch sử xuyên suốt nhiều cấp học (ngày tháng, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa). Phương pháp vẫn còn thiên về việc học thuộc chứ không phải học để hiểu một cách sâu sắc về ý nghĩa của những sự kiện lịch sử, nên đây cũng là điều phải bàn thêm.

Để HS yêu thích môn Sử hơn thì cần phải cải tiến và đổi mới về chương trình, SGK và phương pháp dạy học để các em thấy được lịch sử không chỉ là một sự kiện đã qua của quá khứ mà nó còn là sự gắn kết với dòng chảy của hiện tại và tương lai.

                                                                                              Theo: chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.500.659
Tổng truy cập: