HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
“Hoa” miền xuôi cắm bản trồng người
(Ngày đăng: 11/03/2014   Lượt xem: 500)

Mới ngoài 20 đến dưới 30 tuổi, những cô gái trẻ miền xuôi lên rừng cắm bản dạy học trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khắc nghiệt. Bằng nghị lực, lòng yêu nghề, các cô đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, xóa đi cái sự “trắng” mầm non ở những vùng núi, biên giới; chắp cánh ước mơ bao thế hệ trẻ em.

NGƯỜI CỦA “GIÀNG”

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương nghèo khó, heo hút nhất của tỉnh. Từ TP.Đồng Hới, chúng tôi đi xe máy theo đường rừng núi hiểm trở, phải mất ba giờ mới đến được trung tâm xã. Đứng trước trụ sở UBND xã đã nghe tiếng trẻ bi bô học bài, hát hò, chơi đùa trong ngôi trường mầm non Tân Thượng Trạch gần đó. Trường có cả thảy 10 cán bộ, giáo viên, phụ trách dạy học cho con em chủ yếu là hai tộc người Ma Coong và người A Rem của hai xã Thượng Trạch và Tân Trạch.

Tôi thắc mắc vì sao ngày chủ nhật mà vẫn dạy và học, cô Hồ Thị Loan, hiệu phó cho biết: “Đây là đặc thù của việc dạy và học ở miền núi. Các giáo viên đều là người miền xuôi, dạy liên tục trong 10 ngày rồi lại nghỉ 4 ngày để về lấy lương thực, thực phẩm lên, tranh thủ thăm nhà. Dạy học trên này khổ lắm! Thiếu thốn đủ thứ! Ở đây còn đỡ chứ vào trong các bản mới biết nỗi khổ của nữ giáo viên mầm non”.

Đường vào bản Cờ Đỏ quả là cực hình khi chúng tôi phải đi bộ qua nhiều quả đồi, khe suối. Lớp mầm non ở đây là một ngôi nhà bằng gỗ rất sơ sài. Đón chúng tôi, hai giáo viên Nguyễn Thị Minh (33 tuổi) và Hoàng Thị Kiều (22 tuổi) mừng rỡ khôn xiết.

Cô Minh và cô Kiều dạy học đã năm thứ hai ở Cờ Đỏ. Riêng cô Minh có thâm niên gần chục năm dạy học, luân chuyển hàng năm từ bản này sang bản khác ở cùng miền núi của huyện. “Những ngày đầu lên, điều kiện sinh hoạt khó khăn lại nhớ nhà nên mình đã khóc rất nhiều. Nhưng dần rồi cũng quen và cố gắng dạy học”, cô Minh chia sẻ.


Cô giáo và lớp mầm non ở bản Cờ Đỏ, xã Thượng Trạch

Đối với cô Kiều, ngày đầu lên Cờ Đỏ, ấn tượng đáng nhớ nhất là trẻ em khi thấy các cô đã khóc òa lên. “Vì các em ở trong rừng, ít tiếp xúc với người miền xuôi nên thấy lạ và sợ”, cô Kiều cho biết.

Trưởng bản Đinh Phuôn nhớ lại: “Ngày đó, dân bản rất ngỡ ngàng trước hai cô giáo còn trẻ lại mạnh dạn vào đây và ở lại luôn để dạy học. Trước đây, họ chỉ thấy thầy giáo chứ đối với cô giáo thì thật kỳ diệu. Có người nghĩ họ do Giàng (ông Trời) đưa xuống. Nhưng nhìn kỹ thì thấy các cô cũng là người như thiếu nữ ở bản mình. Chỉ khác là các cô giáo trắng trẻo hơn, mái tóc dài hơn, xinh đẹp hơn, nói nhiều hơn và hát hay hơn”.

Bữa ăn đạm bạc làm vội được hai cô giáo dọn ra, khách lẫn chủ ăn một cách dè chừng vì thấy là lạ và ít ít. Đó là nồi cơm, ít cá khô, bát nước mắm, muối ớt, nồi canh “toàn quốc” với gói mì tôm, lẽo bẽo rau rừng. Hàng ngày, các cô đều ăn uống đạm bạc, thiếu thốn như thế; nên cô nào cũng gầy ốm.

Ở nơi mà người dân còn đói nghèo, lạc hậu, sự học còn chưa được chú trọng nên thời gian đầu, các cô rất vất vả trong việc tuyên truyền, vận động học sinh. Những đứa trẻ trần truồng, nhem nhuốc vốn quen lăn lộn, cùng cha mẹ lên nương rẫy. Đến lớp, nhiều em khóc thét lên khiến các cô phải mất nhiều thời gian, công sức dỗ dành. Nhưng dần dần rồi mọi chuyện được khắc phục. Đồng bào hiểu biết cái lợi ích trong việc cho con em đến trường để học cái chữ, học phép tính, học hát... tiếng Việt - những điều mà các thế hệ trước ở bản Cờ Đỏ không hề biết. Trẻ em người Ma Coong ở đây đi học không tốn tiền. Các cháu còn được phát miễn phí giấy vở, bút mực, đồ chơi. Còn cô giáo thì lấy cả một phần lương của mình mua bánh kẹo để khuyến khích và thưởng cho học trò. Biết ơn đó, bà con thỉnh thoảng mang cho các cô ít rau, cá hay chút thịt kiếm được trên nương rẫy, trong rừng.

Cô Hồ Thị Loan, Hiệu phó Trường mầm non Tân Thượng Trạch, cho biết: “Trong tháng, cứ vài lần hoặc có giáo viên, học sinh đau ốm đột xuất thì hiệu trưởng, hiệu phó lại đích thân vào bản để thăm hỏi, động viên, tìm cách giải quyết các công việc. Có khi muốn đi từ bản này sang bản khác ở trong cùng một xã, phải mất nửa ngày đường luồn rừng, lội suối. Tuy nhiên bọn mình vẫn đi. Những lúc có giáo viên đau ốm, người quản lý cũng ở lại bản dạy thay”...

HY SINH THẦM LẶNG

Rời bản Cờ Đỏ, chúng tôi lại đi bộ trở ra đường lớn rồi lên xe máy đi ngược về Km39 của đường 20 Quyết Thắng để vào xã Tân Trạch. Xã này cùng với Thượng Trạch là hai địa phương khốn khó, xa xôi nhất của huyện Bố Trạch và tỉnh Quảng Bình. Cộng đồng tộc người A Rem sống tập trung trong những căn nhà do Nhà nước xây dựng trong một thung lũng thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Nơi đây có hai giáo viên mầm non là Cao Thị Niên (27 tuổi) và Trương Thúy Hằng (23 tuổi) cắm bản dạy học. Lớp học từng là nhà cộng đồng của bản A Rem, nằm sát bên bìa rừng. Hai cô giáo trẻ được lãnh đạo xã bố trí cho ở trong một nhà dân. Các cô sống, sinh hoạt trong cảnh không có điện, không nước sạch, không chợ...

Khi con gà vừa gáy, trời còn tờ mờ, hai cô giáo đã dậy. Họ lục tục lấy bình, dò dẫm ra suối lấy nước về dùng, sinh hoạt trong ngày. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh cá nhân, các cô đun sôi nước suối chế mì tôm, bỏ thêm vào ít rau rừng, ít muối, ớt để làm bữa sáng.


Bữa ăn đạm bạc của giáo viên mầm non cắm bản

Mặt trời còn chưa mọc, sương mù còn vắt vẻo trên những sườn núi quanh bản, các cô đã rời khỏi nhà. Chúng tôi băn khoăn, các cô nói “các anh đi theo thì biết”. Hai cô quay lưng đi hai ngả đường. Tôi đi phía sau cô giáo Niên. Đi được khoảng 50 bước chân là gặp một nhà dân. Cô Niên đến trước nhà, nhìn vào gian bếp có một chị phụ nữ đang nhóm lửa:
“Chị Y Hiêng ơi! Cho các cháu đi học nhé”!

“Chúng nó còn chưa ngủ dậy cô Niên ơi. Mình cũng vừa dậy đang nấu cơm ăn để lên rẫy. Khi mô ăn xong mình đưa con lên lớp”, chị Y Hiêng đáp.

Sau khi dặn chị Y Hiêng nhanh cho con đến lớp, cô Niên lại rảo bước sang nhà bên cạnh. Có những gia đình còn chưa ngủ dậy nên cô Niên lại báo thức mọi người. Cứ thế cô đi đến khoảng hai chục gia đình để gọi trẻ đi học. Cô Hằng cũng với những việc làm như thế.

Hai cô giáo trẻ đã cùng gần chục công chức người đồng bằng lên đây công tác góp phần khai sáng văn minh cho cộng đồng tộc người A Rem. Bà con vốn là những người sống trong hang đá, dù đã về ở tập trung tại đây hàng chục năm nhưng vẫn chưa ổn định cuộc sống, chủ yếu còn dựa vào núi rừng, thiên nhiên và trợ cấp của Nhà nước.

Đêm xuống ở những bản làng có giáo viên mầm non dạy học, mọi người quây quần nói chuyện đến khuya dưới ánh đèn dầu tù mù. Thỉnh thoảng những tiếng thú rừng, tiếng chim quạ, côn trùng kêu khiến ai nấy cũng rợn người. Nhưng các cô bảo, đã quen lắm rồi, không sợ nữa. Bên ánh sáng yếu ớt, những thước phim quay chậm về cuộc đời đầy gian nan, phận nữ cực khổ, tình duyên lận đận của các cô khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Thẳm sâu trong những câu chuyện, họ mong muốn có được hạnh phúc gia đình.

Ngày mới ra trường đi nhận công tác, chắc chắn các cô còn háo hức. Sau một thời gian dài cắm bản thì sức khỏe, thân hình héo hon. Tuổi thanh xuân hao mòn nên tình duyên, hạnh phúc gia đình riêng cũng gập ghềnh, khó nói. Đó là tình cảnh chung của những nữ giáo viên cắm bản dạy học tại hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch.

                                                                                       Theo: conganTP.HCM

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.500.826
Tổng truy cập: