HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
Tâm, tầm và trách nhiệm xã hội
(Ngày đăng: 14/01/2014   Lượt xem: 429)

Tâm, tầm và trách nhiệm xã hội

Những ngày này dư luận xã hội, các nhà trường lại một lần nữa xôn xao với kiến nghị “5 điểm”. Hiệp hội Các trường đại học & cao đẳng ngoài công lập Việt Nam gửi tới Bộ GD&ĐT. 

Các kiến nghị không ngoài mục đích đơn giản hóa quy trình tuyển sinh ĐH, CĐ, hay nói cho rõ hơn là chỉ cần đánh trống, ghi tên theo học đại học. 

Để cho có vẻ khách quan, thuyết phục hơn, kiến nghị còn đưa dẫn chứng từ các quốc gia có nền giáo dục ổn định và phát triển trên thế giới như Australia, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp, Mỹ … khi cho rằng họ chỉ lấy chuẩn trình độ đầu vào của các cơ sở GDĐH là bằng tốt nghiệp THPT hoặc các văn bằng tương đương khác. 

Và rồi bình luận: Không lẽ Bộ xem mọi cơ sở GDĐH của Việt Nam đều có thương hiệu cao đến như vậy hay sao?

Thật là lạ, những kiến nghị này đại diện cho các nhà trường, nhưng đứng tên lại là những người từng một thời “đứng mũi chịu sào” trong ngành GD&ĐT, đã từng đi công tác, học tập, nghiên cứu ở hầu khắp những quốc gia mà họ viện dẫn. 

Hơn ai hết, họ hiểu ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển, tính ổn định cao, có sự tiếp nối liên tục giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, CĐ, ĐH. 

Khác với Việt Nam, vào được trường ĐH, CĐ đến hết khóa học là cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, các đại học nước ngoài vào thì dễ nhưng để học hết khóa thì phải qua những cửa ải kiến thức không hề dễ, người học phải học thực, chứ không có chuyện điểm danh rồi thi cho qua. 

Thực tế đã chứng minh như Đại học RMIT Việt Nam, có nhiều sinh viên ghi tên theo học một thời gian cũng đành ôm hận nửa đường đứt gánh, vì không trả nổi các tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. XHHGD là để huy động sức dân cùng tham gia làm giáo dục, chứ không phải là để giáo dục phát triển như một ngành kinh tế. 

Nghị quyết Trung ương 8 yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cũng là yêu cầu GD-ĐT phát triển lành mạnh, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao cho đất nước. 

Còn nhớ cách nay khoảng 30 năm về trước, trong xã hội Việt Nam đã có sự phân định rất rõ, học giỏi thì làm thầy, trung bình khá thì đi làm thợ. 

Khi đó mỗi lớp cấp 3 có khoảng 50 học sinh thì cũng chỉ 10 người đi học các trường ĐH, CĐ, còn thì đi học TCCN hoặc chuyển sang học nghề. 

Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, lòng ham học của người Việt lớn thêm lên dẫn đến tâm lý “đại học hóa” ngày càng trở nên phổ biến. 

Thử hỏi một xã hội thầy nhiều hơn thợ, một xã hội “đại học hóa”, với những tấm bằng có tên nhưng không có thực chất thì sẽ ra sao?

Còn nhớ, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhiều năm qua liên tục có những kiến nghị. Năm 2012 họ đòi kéo dài thời gian gọi nhập học, năm 2013 đòi bỏ điểm sàn (xã hội không chấp nhận), rồi xây dựng lại cách tính điểm sàn... tất cả không ngoài mục đích giúp các trường thành viên tuyển người học. 

Giờ đây, lại là kiến nghị “5 điểm”, tất nhiên cũng không ngoài mục đích trợ giúp khó khăn cho các trường này. Trong dân gian vẫn có câu “ăn cây nào rào cây ấy”. 

Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đại diện cho quyền lợi của những trường này thì cần phải có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của các nhà trường. 

Tuy nhiên, cần phải có tâm, có tầm và có trách nhiệm với xã hội. Hơn ai hết, họ là những người từng cống hiến nhiều cho ngành GD, hiểu biết nhiều về GD&ĐT. 

Thế nên, những kiến nghị cần phải vì sự nghiệp chung, phải có cái nhìn toàn cục, từ năng lực đào tạo của các nhà trường và của cả hệ thống giáo dục chứ không thể chỉ nhìn dưới góc độ tuyển sinh của số ít trường. 

Thử hỏi đơn giản hóa các quy trình tuyển sinh khi các trường ĐH, CĐ chưa đủ năng lực, tính trách nhiệm chưa cao, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo thì hậu quả ai là người sẽ gánh chịu?

                                                                                                Theo: giaoduc&thoidai
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.519.037
Tổng truy cập: