HỌC NGHỀ- TRUYỀN NGHỀ - KHÔI PHỤC NGHỀ-KINH NGHIỆM NGHỀ
GS Nguyễn Lân trọn đời với nghề thầy
(Ngày đăng: 11/12/2013   Lượt xem: 545)
Hôm qua (10-12) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học "Nhà giáo nhân dân, GS Nguyễn Lân-Cuộc đời và sự nghiệp”. 

Tại Hội thảo, các đại biểu là các GS đầu ngành, những học giả có uy tín đều khẳng định: Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân đã để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ, đó không chỉ là các tác phẩm, các công trình khoa học mà hơn cả đó là tư tưởng giáo dục đậm chất nhân văn, triết lý giáo dục có sức sống bền bỉ theo thời gian.

Nhận xét về người thầy mẫu mực của mình, Nhà giáo Nhân dân, GS Nguyễn Đình Chú cho rằng: Vẻ đẹp của GS Nguyễn Lân trước hết là vẻ đẹp của nhân cách lớn, luôn sống với đất nước, với nhân dân, với lẽ phải, với truyền thống của dân tộc. Ông luôn ghét sự xa hoa, chỉ ưa thanh bạch, rất giàu nghị lực, thông minh mà vẫn rất cần cù, trung thực, thẳng thắn mà vẫn không làm mất lòng người. 

Kể về những kỉ niệm khó phai mờ trong kí ức, GS Nguyễn Đình Chú cho biết, khi gặp lại chúng tôi, dù là những học trò cũ, GS Nguyễn Lân vẫn một mực "thưa các ông, các bà” vẫn chào giáo sư. Ai  không biết cứ ngỡ là sự khách sáo. Nhưng không, đây là văn hóa giao tiếp dựa trên tinh thần tôn trọng con người trong đó có cả những người học trò của mình.

Từng là học trò của GS Nguyễn Lân, Nhà văn Ma Văn Kháng không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhắc tới người thầy của mình. Ông kể, hơn nửa thế kỷ đã qua rồi, nhưng ấn tượng về những bài thầy Nguyễn Lân dạy vẫn chưa phai mờ trong ký ức của ông. Đó là kỷ niệm về những ngày ông theo học Trường Sư phạm Trung cấp Khoa học xã hội ở Khu Học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Lúc đó môn Tâm lý-Giáo dục học là môn mới lạ với những khái niệm khô khan nhưng dù đã đến giờ ra chơi rồi mà tất cả học trò đều quây quần bên thầy nhờ thầy giảng tiếp.

Sau này, do bận nhiều công việc, ngót 50 năm sau, nhà văn Ma Văn Kháng mới có điều kiện thăm lại thầy giáo cũ. Thế mà người thầy của ông vẫn nhớ người học trò xưa, vẫn dõi theo từng bước đi của những lứa học trò của mình. Nhà văn Ma Văn Kháng xúc động đúc kết về chân dung người thầy của mình như sau: "Sống! Với thầy tôi-là làm việc, là óc nghĩ, tay viết cho đến phút tận cùng khi con tim ngừng đập, là cháy đến tận cùng của giọt dầu ngọn bấc. Từ 90 tuổi đến 95 tuổi, là thời gian thầy cặm cụi mỗi ngày để làm xong bộ Từ điển đồ sộ 2110 trang in. Trên thế gian này hỏi có mấy người được như thầy? Người như thế đã là thần tượng, thành huyền thoại của nhân gian rồi còn gì! Thầy là một phần biên niên sử của cái nghề trồng người cao quý. Đời thầy tô điểm cho lịch sử nghề thầy tráng lệ thêm biết bao!..”

Ở một góc nhìn khác về người thầy mẫu mực Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam khóa VII Nguyễn Tiến Võ khẳng định: Không chỉ là nhà văn, nhà giáo, nhà sử học mà GS Nguyễn Lân còn có công rất lớn trong việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Ông Võ kể lại rằng: khi còn là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, GS Nguyễn Lân đã nhận trách nhiệm quan hệ với các trí thức có danh tiếng trong ngành giáo dục để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng cả uy tín và trách nhiệm cao cả của mình, GS Nguyễn Lân đã góp phần xứng đáng củng cố khối đại đoàn kết trong trí thức Việt Nam, đồng thời làm cho công tác của MTTQ Việt Nam thêm sâu sát, hiệu quả, thiết thực hơn. Dù đóng góp rất lớn cho công tác Mặt trận, nhưng khi Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam bồi dưỡng tiền thù lao cho việc biên tập các văn bản của Mặt trận, ông đều từ chối và nói rằng: "Tôi rất vui được đóng góp phần nhỏ vào công tác Mặt trận, tôi coi đây là nhiệm vụ cần thiết của một thành viên”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận:

Tôi thuộc lớp hậu sinh, không có vinh hạnh được là học trò của thầy Nguyễn Lân. Tuy nhiên, khi tôi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, tôi đã đọc rất nhiều cuốn sách do thầy Nguyễn Lân viết. Tôi vô cùng ngưỡng mộ về nhân cách và sức làm việc bền bỉ của thầy. Rõ ràng, những người thầy, các thế hệ đi trước đã để lại cho thế hệ mai sau một bộ di sản khổng lồ. Đây là những di sản không thể thiếu trong công cuộc phát triển, hoàn thiện nền giáo dục nước nhà. Nhân hội thảo về cuộc đời sự nghiệp của GS Nguyễn Lân, tôi đề nghị các thầy cô giáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần ý thức, trách nhiệm, khẩn trương triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp một phần sức lực của mình cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Theo: daidoanket
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.516.377
Tổng truy cập: