TƯ VẤN - KHOA HỌC - TÂM LINH - PHONG THỦY
Sơn La đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề ...
(Ngày đăng: 04/01/2013   Lượt xem: 689)
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với quá trình phát triển KT-XH bền vững của tỉnh, HĐND tỉnh Sơn Sơn La đã ban hành Nghị quyết Chuyên đề về lĩnh vực này. Đây là một nỗ lực của tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng chính quyền, tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, để đào tạo nghề và tạo việc làm thực sự có chuyển biến mạnh mẽ, Sơn La cần phải có những giải pháp đột phá, những hướng đi mới, lâu dài đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.

Lớp học đan nón lá tại Nhà văn hoá Bản Áng 2, xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La

Đa dạng hóa hình thức đào tạo
 
Là một tỉnh miền núi, công tác đào tạo nghề của Sơn La gặp nhiều khó khăn. Lựa chọn nghề gì để đào tạo, thu hút đối tượng nào và làm sao lao động sau đào tạo có việc làm đúng chuyên ngành là một bài toán khó. Để giải quyết bài toán này, Sơn La đã có nhiều giải pháp sáng tạo, vừa dựa vào sự trợ giúp từ Trung ương, của tỉnh vừa phát huy vai trò của các doanh nghiệp, của chính quyền, của các tổ chức xã hội ở cơ sở xã, phường, thôn, bản. 

Tới Sơn La,  có dịp được tham dự buổi học đan nón lá của đồng bào dân tộc Thái trắng Bản Áng 2, xã Đông Sang, Mộc Châu một chiều mùa đông. Lớp học có 36 học viên nữ tuổi từ 18 đến 55 tham gia học nghề. Mới triển khai được hơn một tháng, nhưng nhiều học viên đã có thể đan 3, 4 chiếc nón một ngày. Trung bình 1 chiếc nón lá bà con được trả 15 nghìn đồng. Trong quá trình học đan tại nhà văn hóa, mỗi học viên được hỗ trợ 15 nghìn đồng tiền ăn trưa/ngày. Điểm đặc biệt của nghề đan nón là bà con có thể tranh thủ nhận nguyên liệu mang về nhà, tranh thủ những lúc nhàn rỗi trong ngày để đan, tăng thêm thu nhập. Kể từ khi có nghề đan nón, nhà văn hóa Bản Áng ngày nào cũng rộn ràng như mở hội. Vừa học nghề, vừa  giao lưu sinh hoạt văn hóa truyền thống là nét đẹp trong lao động nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Trước đây chưa có lớp dạy nghề đan nón, Bản Áng là vẫn là địa phương thuần sản xuất nông nghiệp, không có nghề phụ. Khi Công ty Cổ phần nông trang Đông A thông qua Phòng Lao động việc làm của huyện về mở lớp dạy đan nón lá cho bà con tại nhà văn hóa của bản, bà con vui lắm. Không chỉ chăm chỉ đan nón, các mẹ, các chị còn tự dàn dựng các tiết mục múa nón trong trang phục truyền thống. Không khí vừa lao động, vừa múa hát bằng chính sản phẩm mình làm ra góp phần làm sôi động đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
 
Việc liên kết với các doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La về lao động và việc làm. Triển khai Đề án 1956 của Chính phủ, nghị quyết của HĐND xuống cơ sở, năm 2012 Sở LĐTBXH đã ký hợp đồng đào tạo nghề với Trung tâm dạy nghề của huyện Mộc Châu về ngành nghề Nề xây dựng cho 30 học viên đang tập trung cai nghiện và cải tạo lao động tại Trung tâm GDTX của huyện, vừa dạy nghề vừa giúp học viên hòa nhập với cộng đồng tốt nhằm giải quyết vấn đề xã hội. Ngoài ra, Trung tâm dạy nghề Mộc Châu cũng đã triển khai mở lớp tại các trung tâm xã hoặc nhà văn hóa bản tại các xã trong địa bàn huyện với tổng số 14 lớp, giảng dạy cho hơn 700 học viên với hai nghề là tin học văn phòng và nề xây dựng. 


Giờ thực hành của học viên lớp Động lực K22C, trường Cao đẳng nghề Sơn La

Về đào tạo nghề tập trung kết hợp với giới thiệu việc làm qua kênh Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến. Mỗi năm Trung tâm giới thiệu việc làm cho khoảng 600 lao động, đồng thời đào tạo sơ cấp cho khoảng 300 học viên. Năm 2012 này, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, trung tâm giới thiệu việc làm cho 260 lao động, đồng thời mở lớp đào tạo nghề sơ cấp tại trung tâm cho 160 em. Theo giám đốc của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Sơn la, không giống với đặc thù miền xuôi là lao động tìm đến trung tâm để xin được học nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm, các nhân viên của trung tâm phải trực tiếp lăn lộn về từng địa phương, gặp gỡ trực tiếp già làng trưởng bản, vận động người lao động tham gia học nghề và đi lao động xa nhằm tăng thu nhập cho đồng bào và tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo.
 
Đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, xong việc đào tạo nghề trong các cơ sở đào tạo chính quy cũng được tỉnh Sơn La chú trọng đầu tư. Trong năm 2012 này, trường trung cấp nghề Sơn La đã được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng nghề Sơn La với các ngành nghề đào tạo chủ yếu như Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô; Công nghệ thông tin; Lái xe ô tô; Vận hành máy Xúc - ủi, vận hành máy thủy điện… Từ năm 2000 đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 11.591 học viên hiện đang lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh.
 
Đáng chú ý, những năm qua, nhà trường đã nỗ lực liên hệ triển khai các hoạt động sản xuất dịch vụ gắn với đào tạo, liên kết đào tạo theo địa chỉ. Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Sơn La Nguyễn Quốc Quang cho biết, Trong những năm qua nhà trường thường xuyên tổ chức việc liên kết với các doang nghiệp trên địa bàn như: công ty Cổ phần Thuỷ điện Viwaseen- Tây bắc về việc đào tạo công nhân vận hành máy thuỷ điện; Công ty Sông Đà 7.01, Sông Đà 8.01 đào tạo lao động trình độ Sơ cấp nghề các nghề Sắt hàn, Nề bê tông... phục vụ cho các công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến.

Tiếp tục vượt khó
 
Hiện tại, đa phần lao động của tỉnh Sơn La vẫn nằm trong khu vực nông nghiệp, với tỷ lệ 77,17%. Lao động khó thích ứng với thị trường lao động chuyên nghiệp do còn nặng về  tính chất lao động nông nghiệp manh mun và cả tính chất tự cung tự cập. Theo Phó ban VHXH, HĐND tỉnh Sơn La Quàng Thị Xuyến, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề lao động, việc làm của Sơn La còn một số tồn tại như chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được thị trường lao động; Chưa hình thành tác phong lao động công nghiệp ; Nguồn vốn vay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất của người lao động; Chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Trang thiết bị sơ sài, lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học…
 
Để khắc phục những tồn tại này, HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết về vấn đề lao động và việc làm làm cơ sở pháp lý và phân bổ nguồn lực, chính sách cho quá trình đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động các khu tái định cư của tỉnh. Theo bà Quàng Thị Xuyến, một trong những giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết này là nhóm giải pháp đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, tạo việc làm cho lao động địa phương. Để làm được điều này, HĐND tỉnh cũng xây dựng các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư tại địa phương. Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng định hướng phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, tổ chức một số sự kiện văn hóa thể thao du lịch để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Sơn La.
 
Để nâng cao công tạo đào tạo nghề cho lao động của tỉnh gắn với nhu cầu của thị trường lao động, Phó giám đốc sở LĐTBXH Sơn La Điêu Thị Duy cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của cấp ủy chính quyền các địa phương để đưa đào tạo nghề vào làm một trong những điểm trọng tâm của kế hoạch phát triển KT-XH. Kết hợp với nâng cao nhận thức, tác phong làm việc của người lao động. Tăng cường phát triển mạng lưới dạy nghề, tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề Sơn La.
 
Với định hướng đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề cho người lao động. Hướng giải quyết của tỉnh Sơn La về đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã có được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để có thể tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh công tác đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, cũng như tăng cường lao động qua đào tạo tại các khu vực công nghiệp dịch vụ, công việc phía trước còn rất nặng nề. Điều đó, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, việc đưa ra quyết sách đúng đắn và giám sát chặt chẽ của HĐND cùng với việc phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả của chính quyền các các cấp. Bên canh đó, sự trợ giúp của Trung ương, các tỉnh thành phố trong cả nước cũng là một yêu tố hết sức quan trong giúp Sơn La vượt lên.

Theo: Đại Biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.519.489
Tổng truy cập: