TƯ VẤN - KHOA HỌC - TÂM LINH - PHONG THỦY
Hoa đất "hút hồn" giới sành chơi
(Ngày đăng: 11/11/2012   Lượt xem: 791)

Đứng trước tiệm hoa với đủ màu sắc rực rỡ, tươi tắn như hoa thật, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết chúng đều được làm từ đất sét trắng.

Thời gian gần đây, không chỉ giới trẻ mà rất nhiều phụ nữ trung niên cũng thích thú với nghệ thuật chơi hoa làm từ đất sét. Với nhiều bạn trẻ, những lúc nhàn rỗi, hay khi công việc, học tập căng thẳng, họ lại tìm đến những lớp học làm hoa từ đất để tận hưởng những cảm giác mới lạ. Không những thế, nhiều người vì mê mẩn với "hoa đất" đã trở nên "nghiện" lúc nào không hay. Thậm chí, có nhiều bạn trẻ bỏ ra cả tiếng đồng hồ để được ngắm vẻ đẹp của hoa đất tại những cửa hàng hoa "độc nhất vô nhị" ở đất Hà thành.

Không chỉ ở Hà Nội, tại TP.HCM cũng có rất nhiều bạn trẻ theo học lớp làm hoa đất

Mê mẩn với hoa làm từ đất

Với Phương Nhung (Kim Liên, Hà Nội), thú vui làm hoa từ đất sét đã "ăn vào máu". Từ năm 2011, khi cô biết đến loại hoa làm bằng chất liệu đặc biệt là đất sét trắng ở một cửa hàng chuyên bán hoa đất theo công nghệ Nhật Bản, cô đã bị "hút hồn". Sau đó, Nhung cũng thường xuyên đến cửa hàng để xin được cô chủ dạy cách làm hoa nhưng không được. Sau này, được bạn bè giới thiệu một thợ hoa trên phố Trần Quý Cáp, Nhung đã tìm đến để được học cách làm "hoa đất". Không những thế, Nhung còn lên mạng tìm những tài liệu dạy làm hoa từ đất. Cô cũng "học lỏm" được chút "bí kíp" làm "hoa đất" từ những clip dạy làm hoa trên mạng. Cứ như vậy, cô tỉ mẩn học và làm theo.

Tự tay làm những giỏ hoa yêu thích, giờ trở thành thú vui riêng của Nhung vào những ngày cuối tuần. Nhung chia sẻ, không biết vì sao cô lại bị cuốn hút bởi thú chơi "hoa đất" đến vậy. Nhung vui vẻ nói: "Nặn hoa cũng là một nghệ thuật, vì để cho ra đời một tác phẩm cần phải trải qua nhiều công đoạn. Đất sét đã nhồi mịn, được cán mỏng bằng một máy cán quay tay, sau đó đem dập khuôn. Tùy theo bộ phận hoa, lá khác nhau mà có những mẫu khuôn dập riêng.

Để làm cho giống hoa thật, từ màu sắc đến hình dáng, cánh, nhụy hoa, đường nét gân, người làm hoa phải có sự tỉ mỷ, sáng tạo và óc quan sát tinh tế". Nhung bảo rằng, với ưu điểm là bền, đẹp, giống hoa thật và giá thành rẻ, hoa đất đã nhanh chóng chiếm được cảm tình từ những người chơi hoa khó tính.

Chị Thu Hằng (Cát Linh, Hà Nội) - một "tín đồ" của hoa đất - cho biết, thú vui của chị là đi mua những giỏ hoa đất về trang trí trong nhà. "Nhiều người cứ nghĩ rằng, hoa làm bằng đất không có "hồn" nhưng với tôi, hoa đất khá tinh tế, màu sắc đẹp mắt mà lại chơi được lâu. Có những giỏ hoa dùng được vài năm. Nếu hoa bị bám bụi thì dùng bút lông quét hoặc khăn ẩm lau sơ rồi đem phơi khô là dùng được tiếp". Chị Hằng cũng bật mí, điều quan trọng là chị không thích nhìn thấy hoa tàn nên hoa đất khiến chị say mê. "Nếu chỉ ngắm nhìn, khó có thể tưởng tượng những bông hoa rực rỡ ấy lại được làm ra từ đất sét", chị Hằng nói.

Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, hoa đất về Việt Nam đã bổ sung một thú chơi hoa vào người Hà Nội vốn sành ăn chơi. Nhiều bạn trẻ vì mê mẩn sắc đẹp của những bông hoa đất đã kiên trì theo học những lớp kỹ thuật dạy làm hoa từ đất sét. Dù còn vụng về trong vai người "thợ hoa" nhưng với nắm bột đất nặn vô tri, vô giác, các bạn trẻ đang cố "thổi hồn" và chế tác những bông hoa đầy sức sống.

Chúng tôi tìm đến chủ xưởng hoa đất Tạ Xuân Hiệp ở phố Trần Qúy Cáp (Hà Nội) để tìm hiểu về kỹ thuật làm hoa đất. Anh Hiệp, chủ cửa hàng, cho hay: "Hoa đất có nguồn gốc từ Nhật Bản. Vài năm trở lại đây, người dân Hà thành cũng rất "sính" hoa đất. Những dịp lễ Tết, nhiều người đến hỏi mua hoa đất để trang trí trong nhà. Bán chạy nhất là những bình phong lan, hoa mai và bonsai. Cơ sở sản xuất của tôi không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường…".

Anh Hiệp cũng cho biết, hoa đất được cắm theo phong cách "mùa nào hoa nấy". Chẳng hạn, mùa xuân thích hợp với hoa mai, đào, hồ điệp hay các bình cắm có xu hướng vươn cao, um tùm nụ hoa và lá. Mùa hạ với hoa sen, mẫu đơn, diên vĩ theo cách sắp đặt tỏa ra và tràn đầy. Mùa thu phù hợp trưng bày với cúc, dendro theo cách xếp đặt mỏng và thưa thớt. Mùa đông với các cây lá xanh, vọng hạc, cách xếp đặt đượm buồn, tạo sự lắng đọng của thời gian. Hoa để bàn chọn kiểu cắm trên chậu thấp, lan tỏa. Hoa đặt góc chọn chậu cao, có thể nhìn từ 2-3 phía. Giá bán trung bình 100.000-150.000 đồng, lọ nhỏ có thể chỉ 20.000 đồng, những lọ to có thể đến hàng triệu đồng. "Bảo quản đơn giản, chỉ cần phủi bụi bằng một chiếc cọ vẽ nhỏ, hoặc lau bằng khăn ẩm. Hoa đất được bảo quản đúng cách có tuổi thọ 3-10 năm", anh Hiệp nói.

Người làm đất... nở hoa

Cũng theo tìm hiểu của PV, ở đất Hà Thành, chị Lê Thị Ngọc Quỳnh, chủ cửa hàng Yukiko Design (phố Yên Phụ) là người "chế tác" ra hoa đất  nổi tiếng nhất. Hầu hết những mẫu hoa ở cửa hàng được chị học làm theo cách của người Nhật Bản.

Chị Quỳnh đến với hoa đất khá tình cờ. Năm 1995, chị sang Nhật Bản làm việc cho Công ty Denso và được đồng nghiệp người Nhật đưa đi ngắm hoa đất, một thú chơi tinh tế, sâu sắc có truyền thống từ hàng trăm năm nay của "đất nước mặt trời mọc". Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khi pha màu, tạo nụ, uốn từng cánh hoa… khiến chị không thể nào dứt ra được. Những bông hoa đất cắm theo phong cách Ikebana (sự sáng tạo, thanh khiết và hài hòa của màu sắc các loại hoa, kiểu bình, bài trí của căn phòng) đã khiến Quỳnh "phải lòng".

Sau lần gặp gỡ ấy, chị Quỳnh đã quyết định dành niềm đam mê lớn cho… hoa đất. Mức học phí để làm được một loại hoa cũng không hề rẻ, vào khoảng 1.500 USD. "Lần đầu tiên, nhìn thấy những loại hoa đủ màu sắc trông giống y hệt hoa thật, tôi rất mê. Tôi tự nhủ rồi có một ngày mình sẽ mở một cửa hàng chuyên kinh doanh hoa đất, giới thiệu với người Hà Nội nét văn hóa đặc sắc của người Nhật", chị Quỳnh nói.

Chị Quỳnh kể lại, chị có tới 11 năm sinh sống và làm việc tại Nhật. Mặc dù công việc hết sức bận rộn, ngày nào cũng phải 7h tối mới hết giờ làm nhưng chị vẫn chăm chỉ đến lớp học làm hoa đất, say mê với đất, bột sơn… Để có thể làm đất…nở hoa, bón năm qua, cứ đến tối hay ngày nghỉ cuối tuần thảnh thơi, chị lại thực hành kỹ thuật làm hoa.

Năm 2005, chị Quỳnh về nước lập nghiệp. Thời gian đầu, chị làm hoa ở quy mô nhỏ và bày bán ngay tại nhà nhưng lượng khách ngày càng đông, làm không đủ đáp ứng. Quỳnh đã rủ cô em họ Thu Linh cùng tham gia với mình. Hai chị em Quỳnh đã sang tận Thái Lan tìm thầy, học nghề. Chắt lọc những kỹ thuật cơ bản và những ngón nghề học được, Quỳnh đưa kinh nghiệm làm hoa của mình để sáng tạo những phương pháp làm hoa đất phù hợp với từng loại hoa, để những cánh hoa được mềm mại hơn, tự nhiên hơn.

Theo đuổi những sáng tạo mới, những kiểu dáng mới về hoa đất dường như trở thành niềm đam mê của chị. "Tuy rằng đã có khuôn để làm ra những cánh hoa nhưng nghề này đòi hỏi ở người làm phải có sự khéo léo và cẩn thận trong từng chi tiết nhỏ. Người làm chủ yếu sử dụng hai đầu ngón tay, vê, nắn từng chút một để tạo kiểu cho hoa. Khó và kỳ công nhất là khi nặn nhụy hoa, nhụy khá nhỏ nên đòi hỏi sự tỉ mẩn của người làm. Để "ra lò" một chậu hoa nhỏ xíu, bình hoa đất cũng phải mất đến vài ba ngày; thậm chí với các loại mẫu mới, có khi phải mất cả tuần mới hoàn thiện được một tác phẩm", chị Quỳnh chia sẻ.   

Theo: (Nguoiduatin.vn) - N.Giang


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.518.721
Tổng truy cập: