HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Cái “duyên” của múa và họa Thủ đô
(Ngày đăng: 12/06/2013   Lượt xem: 1620)
Triển lãm “Nhịp điệu múa qua con mắt họa sĩ Thủ đô” hội đủ chữ “duyên” giữa hai hội: Hội Mỹ thuật và Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội. Cái “duyên” này chẳng những cho người yêu nghệ thuật thưởng thức một lúc hai loại hình nghệ thuật mà còn biết thêm nhiều câu chuyện thú vị giữa “múa” và “họa”.

1. Đối với những người đã cầm bút vẽ hoặc có chút lòng yêu mến nghề hội họa đều có một niềm ưa thích vẽ những nghệ sĩ múa. Bởi, con người hay đúng hơn là cơ thể con người là một biểu hiện của Cái đẹp. Chẳng thế mà sau này còn thành lập cả một bộ môn nghiên cứu về “nhân trắc học”. - - - - - Người có cơ thể đẹp, chắc chắn chỉ có những nghệ sĩ múa. Cầm bút vẽ về những nghệ sĩ múa, cũng giống như người nghệ sĩ đã chạm tay vào một phần của Cái đẹp. Trong lịch sử mỹ thuật, có rất nhiều họa sĩ chuyên vẽ về nghệ sĩ múa ba-lê. Trong đó nổi tiếng nhất là Ét-ga Đề-gát (Edgar Degas), họa sĩ thiên tài người Pháp. Chính ông, với các tác phẩm nổi tiếng về chủ đề ba-lê đã hình thành phong cách Đề-gát, bố cục “kiểu” Đề-gát, phối màu “kiểu” Đề-gát rất được ưa chuộng của mỹ thuật cận đại. Ở Việt Nam, hầu hết các họa sĩ thuộc lớp đầu đàn của Trường Mỹ thuật Đông Dương đều có những tác phẩm hay về ba-lê.

Rõ ràng, “mối lương duyên” giữa ba-lê, múa và hội họa đã có từ rất lâu vậy.

Múa ô (tranh sơn dầu của Trần Ngọc Anh).

2. Có một sự trùng hợp khá thú vị đang diễn ra ở trụ sở hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP Hà Nội, đó là “đại bản doanh” của Hội Mỹ thuật và Hội Nghệ sĩ múa đang chung nhau một phòng làm việc. Ngoài những chuyện ít được kể về những khó khăn trong cơ ngơi chật hẹp ấy thì người ta thường được thấy tình đoàn kết, thân ái của hai hội đều rất khăng khít, bền chặt. Đại khái vào những dịp “nhà có việc” như tổ chức khai mạc phòng tranh, hội nghị kết thúc năm, kết thúc nhiệm kỳ của Hội Mỹ thuật đều có sự tham gia góp vui bằng các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ múa; ngược lại các nghệ sĩ múa cũng thường được các họa sĩ tôn vinh bằng nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc rất ấn tượng. Cách đây 6 năm, hai hội đã đi đến một nhất trí là cứ hai năm một lần lại tổ chức triển lãm mỹ thuật về chủ đề múa. Trong thời gian đó, các nghệ sĩ múa tạo điều kiện cho các họa sĩ, điêu khắc gia thâm nhập thực tế. Và quả thật, các đợt thâm nhập đã để lại hiệu quả rất tích cực. Bằng chứng là trong Triển lãm “Nhịp điệu múa qua con mắt họa sĩ Thủ đô” năm nay có hơn 110 tác phẩm của khoảng gần 100 họa sĩ đã được trưng bày, ra mắt công chúng yêu nghệ thuật.

3. Tham quan triển lãm, người xem hiểu sâu hơn về mối lương duyên “múa-họa”. Đặc biệt, về ngành múa của Việt Nam ta vốn có nhiều loại hình, thể loại, nhiều điệu múa đặc trưng vùng miền, dân tộc rất đa dạng phong phú. Người ta có thể thấy từ múa Chăm vùng Nam Trung Bộ, cho tới múa xòe Thái vùng Tây Bắc; có dịp so sánh giữa múa dân tộc và múa hiện đại; hiểu sâu sắc hơn về nghệ thuật ba-lê hoặc hát sli, hát lượn… qua sắc màu, cảm nhận đầy lãng mạn và tinh tế của các họa sĩ. Cũng phải nói thêm rằng cùng vẽ về một đề tài là điều khó, song các họa sĩ ở nhiều góc độ quan sát đã tìm tòi, khám phá được nhiều nét đẹp khiến cho triển lãm “Nhịp điệu múa qua con mắt họa sĩ Thủ đô” có thêm muôn vàn sắc màu. 110 tác phẩm hội họa, đồ họa và 6 tác phẩm điêu khắc được trưng bày trong triển lãm lần này thể hiện tương đối đầy đặn tính đa dạng, đa màu sắc, sắc thái và cảm xúc của môn nghệ thuật “mềm dẻo” này. Người xem có được ấn tượng đẹp với “nghề múa” qua những tác phẩm “Khoảng lặng” (sơn dầu, Hoàng Văn Thương); “Vũ điệu Chăm” (gò đồng, của Vũ Bạch Hoa); hoặc cảm xúc thăng hoa, dữ dội của “Vũ nữ” (sơn dầu, Hoàng Định); “Tiếng khèn xuân” (acrylic, Đỗ Đức Khải); “Buổi tập múa ba-lê” (bột màu, Đỗ Việt Tuấn). 

Chúng tôi nhận thấy, triển lãm mỹ thuật chuyên đề có nhiều khía cạnh tích cực. Bởi mấy lẽ: Thứ nhất, giúp người xem tập trung vào một “góc” cuộc sống, một “góc” của cái đẹp; thứ hai: Tính chi tiết của triển lãm chuyên đề giúp các họa sĩ có vốn tư liệu để dùng cho nhiều triển lãm tiếp theo; thứ ba: Triển lãm chuyên đề có cái lợi là các tác phẩm nghệ thuật sáng tác có chủ đề  tập trung, tôn vinh ngành nghề, đơn vị cụ thể. Ngoài ra, khi làm triển lãm chuyên đề nền mỹ thuật Việt Nam dễ hướng  trọng tâm của mình vào những chủ đề cần được tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội.

Câu chuyện về triển lãm chuyên đề, chúng tôi cũng có lần đã đặt câu hỏi với các nhà quản lý ở Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Và câu trả lời thường là: Sợ có ít họa sĩ tham gia dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng triển lãm. Vẫn biết rằng, họa sĩ hiện giờ thích chủ đề “tự do”, song nếu có thể, chúng ta cũng nên tổ chức nhiều câu lạc bộ để giúp các họa sĩ tham gia các triển lãm chuyên đề. Như Triển lãm “Nhịp điệu múa qua con mắt họa sĩ Thủ đô” hoặc triển lãm về Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một ví dụ.

Cách đây chưa lâu, cũng có cuộc tọa đàm về việc sáng tác đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Nòng cốt là các họa sĩ trong câu lạc bộ sáng tác về đề tài này. Cái khó hiện giờ là thiếu thực tế, từ giờ đến tháng 12-2014, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ còn chưa đầy 18 tháng. Hội Mỹ thuật đã tích cực “tìm nguồn” thâm nhập thực tế. Nên chăng, quân đội ta cũng giúp đỡ các họa sĩ tổ chức các triển lãm chuyên đề nhỏ về hải quân, không quân, các binh chủng để họa sĩ ta thêm có vốn sáng tác. Cách làm của Hội Nghệ sĩ múa rất đáng học hỏi.

                                                                                             Theo: QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.518.480
Tổng truy cập: