HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Nữ nghệ sĩ gốc Việt và tình yêu với sơn mài Việt.
(Ngày đăng: 07/05/2013   Lượt xem: 1195)
Tại Trung tâm văn hóa Pháp đang diễn ra triển lãm của nữ nghệ sĩ gốc Việt Nguyễn Oanh Phi Phi. Triển lãm đã khiến nhiều khán giả không khỏi tò mò về cái tên rất lạ "Palimpseste”, cũng như ấn tượng hơn nữa về cách thể hiện triển lãm và con người của Oanh Phi Phi - cô gái gốc Việt có khuôn mặt Á đông với chất liệu sơn mài truyền thống của văn hóa Việt.
 
Oanh Phi Phi tại triển lãm (người ngoài cùng bên phải)
 
Nói về Oanh Phi Phi, tôi cảm giác như đây là lần đầu tiên mình được gặp gỡ với một nữ nghệ sĩ "thuần túy” chất phác như thế - - - - - . Đến với triển lãm từ trước giờ khai mạc, thấy chị cùng bạn bè tất bật chuẩn bị cho triển lãm, tôi hiểu những cố gắng của chị. Oanh Phi Phi rất giản dị. Chị giản dị tới mức, bạn bè đồng nghiệp giục chị đi thay quần áo mới đẹp hơn cho lễ khai mạc, chị cứ chối vì "mặc như này được rồi”. Khi chúng tôi trao đổi với chị về triển lãm, chị luôn nói "chị ngại lắm!”. Một nghệ sĩ từng làm được nhiều việc cho nghệ thuật, làm được những cuộc triển lãm lớn, nhỏ trong và ngoài nước nhưng vẫn ngại khi nhận lời khen, ngại ngần kể về thành tích của mình. Chị không quen đứng trước máy quay, máy ảnh, và cũng luôn ấp úng khi trả lời phỏng vấn. Triển lãm "Palimpseste” của Oanh Phi Phi nhằm biến các cửa sổ đường phố mặt tiền của Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace thành một màn hình ánh sáng mờ để chiếu bóng tranh sơn mài rọi qua từ thấu kính. Trước khi thực hiện, vật liệu Oanh Phi Phi dùng chỉ là những bức tranh sơn mài thu nhỏ bằng một hộp diêm, được phóng to ra trên nền vải mỏng căng to bản trước cửa Trung tâm văn hóa Pháp. Hình ảnh tranh sơn mài và hình ảnh thực của người qua đường, của bầu trời đêm đã gặp gỡ nhau trên nền vải, khác lạ với từng không gian và hình ảnh người qua đường. Thỉnh thoảng thấy xuất hiện những nét vẽ mờ mờ của sơn mài in trên khuôn hình đó.
 
Tranh tại triển lãm "Plimpseste”
 
Oanh Phi Phi là một nữ nghệ sĩ thực sự yêu thích sơn mài. Chị cho biết chị đã nghiên cứu và trăn trở với sơn mài từ mấy năm về trước. Năm 2009, chị có làm sơn mài trong không gian. Gần đây, chị có thêm ý tưởng rằng, sơn mài cũng có nhiều cách để làm được, có những sáng tạo mới mẻ hơn để mọi người có cách suy nghĩ khác về tranh. Oanh Phi Phi  cho biết tranh Việt Nam rất độc đáo! Người ta cứ nghĩ tranh sơn mài thì chỉ có thể là tranh treo trên tường thôi. Nhưng chị thấy sơn mài ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển hơn. Chúng ta có thể thay đổi, như chị làm là một cách. Hình ảnh sơn mài qua một cái máy hiển vi để nhìn một cách chi tiết nhất. "Phóng to ra để mình có thể nhìn từ cái nhỏ thành cái to và nhìn chi tiết giống như được nhìn qua kính hiển vi”, Oanh Phi Phi giải thích. Những hình ảnh chiếu lên mờ mờ là những bản nháp viết xong rồi xóa, như là tẩy đi. Không thể thấy rõ nhưng vẫn thấy được những vết đằng sau. Đó là những mảng sơn mài, có kèm theo bóng của phố, của tranh, của người Hà Nội. Hai cái lồng vào nhau đã tạo ra một hình ảnh mới, hòa quyện và ấn tượng. Cách chị sử dụng sơn mài tưởng như rất đơn giản, dưới hình thức của một bản kính dương được chiếu thông qua các máy chiếu định dạng. Nhưng điểm đặc biệt không nằm ở hình ảnh sơn mài nhỏ mà ở cách chị chiếu lên màn hình lụa được kéo căng trên khung gỗ, đặt phía sau cửa kính của khu trưng bày. Những tác phẩm được chiếu gợi nhớ cách nhìn thấy qua những chiếc kính viễn vọng, kính hiển vi, trình bày một cái nhìn vĩ mô và vi mô của một vũ trụ mà mắt thường không nhìn thấy. Qua đây, chúng ta có thể thấy chi tiết những khía cạnh của tranh sơn mài mà trước đây ta khó có thể nhìn. Đối với dự án này, Oanh Phi Phi quan tâm đến những thay đổi quan điểm liên tiếp giữa cái nhỏ và cái lớn, giữa hình ảnh và vật liệu. Triển lãm đã thực sự gây được ấn tượng cho khán giả. Họ nhận thấy niềm đam mê của người nghệ sĩ trẻ, thấy được tình yêu của chị dành cho sơn mài, dành cho Hà Nội, cho những con đường, những con người nơi phố sá thân quen…
 
Nhìn những hình ảnh cứ liên tiếp trôi qua trong không gian nhỏ của Trung tâm văn hóa Pháp, người xem thấy rõ hơn hình hài của phố phường, hình ảnh của con người với những ánh sáng hòa quyện trên con phố Tràng Tiền… Tất cả làm nên một tình yêu Hà Nội, yêu những nét văn hóa và con người Việt Nam thoắt ẩn, thoắt hiện trong khung tranh mờ ảo, là bức sơn mài được tô vẽ, được hòa quyện với không gian, thời gian nơi con phố ấy. Nó như là một sự đan xen, giao thoa văn hóa, giao thoa nghệ thuật giữa dòng chảy của thời gian (là hình ảnh chuyển động của con người) và sự bất biến của văn hóa (là hình ảnh sơn mài - nét văn hóa lâu đời của người Việt)…
 

Nguyễn Oanh Phi Phi, sinh năm 1979 tại Texas, cô từng học chuyên ngành Tranh vữa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2005, cô nhận được học bổng Fulbright nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Cô đã thực hiện thành công 4 triển lãm tại Việt Nam, đa số đều lấy ý tưởng từ sơn mài. Oanh Phi Phi đang thực hiện triển lãm "Plimpseste” tại Trung tâm văn hóa Pháp, kéo dài từ nay đến hết 24-5.

 
                                                                                                Theo: Đại Đoàn Kết


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.518.570
Tổng truy cập: